Giáng sinh sắp đến cũng là thời điểm rất nhiều người chọn sôcôla làm món quà cho các bé hoặc người yêu. Sôcôla với vị ngọt đắng hòa quyện đã trở thành món tráng miệng phổ biến toàn cầu, thậm chí còn là một trong những biểu tượng của tình yêu. Bạn có tò mò muốn biết 8 sự thật đáng ngạc nhiên về ngành công nghiệp sôcôla không?

baked cake 2878736 image
(Ảnh: Jonathan Borba/ Pexels)

1. Phải mất khoảng 400 hạt ca cao để tạo ra 1 pound (453,59 g) sôcôla

Sôcôla là hỗn hợp giữa ca cao và bơ ca cao, được cho thêm đường, sữa, và những chất khác vào, cuối cùng được đóng thành dạng thanh. Sôcôla còn có thể được chế thành thức uống (được gọi là ca cao hay sôcôla nóng). Thức uống này được người Aztec và người Maya phát minh ra đầu tiên rồi được lan truyền rộng rãi khắp châu Âu.

2. Trung bình, mỗi cây ca cao mỗi năm sinh ra số trái đủ để tạo ra 1 – 3 pound sôcôla

Cây ca cao cho năng suất trung bình từ 20 đến 30 quả mỗi năm. Mỗi quả chứa 20 đến 40 hạt ca cao, nghĩa là mỗi năm mỗi cây ca cao sẽ có từ 400 đến 1.200 hạt. Vì phải mất khoảng 400 hạt ca cao để tạo ra một pound sôcôla, điều này tương đương mỗi cây sẽ tạo ra 1 đến 3 pound sôcôla.

3. Thụy Sĩ là nước tiêu thụ sôcôla lớn nhất thế giới

Thụy Sĩ được biết đến là nơi tiêu thụ sôcôla nhiều nhất trên thế giới. Tại đây, hãng La Maison Cailler Chocolaterie cho ra đời dòng sản phẩm dựa trên nhân vật hư cấu Willy Wonka, xuất hiện ở bộ phim nổi tiếng Charlie and The Chocolate Factory. Nhà máy xây dựng dây chuyền sản xuất tựa một trang viên, xung quanh bao bởi đồng cỏ xanh tốt với nguồn sữa tươi được lấy từ 2.000 con bò ăn cỏ trong bán kính 20 dặm. Tại chuyến tham quan, du khách được chứng kiến toàn bộ các công đoạn như nhào nặn, tạo hình… qua lớp kính bảo vệ trong suốt. Người Mỹ tiêu thụ một lượng sôcôla ấn tượng trong các ngày lễ như Halloween, lễ Phục sinh và ngày lễ Tình nhân. Nhưng người châu Âu thì yêu thích sôcôla mỗi ngày. Thụy Sĩ đứng đầu danh sách ở mức tiêu thụ 19,4 pound/người/năm. Theo sát phía sau là Đức (17,8 pound/người/năm), Ireland (17,4 pound/người/năm), Vương quốc Anh (16,8 pound/người/năm) và Thụy Điển (14,6 pound/người/năm).

4. Sản lượng ca cao toàn cầu ước tính sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay: 4,85 triệu tấn

Do điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng ca cao có khả năng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019, nhưng đây không hẳn là tin tốt cho ngành công nghiệp sôcôla. Bởi số lượng bán ra quá lớn sẽ khiến sản phẩm bị trượt giá. Bờ biển Ngà tiếp tục là nhà sản xuất ca cao lớn nhất thế giới, với ước tính 2,12 triệu tấn cho vụ thu hoạch năm nay.

desserts 1868181 1280 image
(Ảnh: Pexels)

5. Trong khi các nhà sản xuất sôcôla lớn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, doanh số sôcôla ‘siêu cao cấp’ đang tăng trưởng đều đặn qua từng năm

Một báo cáo năm 2016 phân tích thị trường kẹo sôcôla Mỹ cho thấy doanh số sôcôla siêu cao cấp (loại sôcôla được bán ở mức hơn 1,5 đô la mỗi ounce hoặc hơn 24 đô la mỗi pound) đạt 55 triệu đô la trong năm đó, tăng 15,4% so với năm trước. Thị trường sôcôla cao cấp 1,9 tỷ đô la đã tăng 4,6% trong năm 2016 và thị trường sôcôla 8,9 tỷ đô la hàng ngày chỉ tăng 0,3% trong năm 2016. Ngày nay, người tiêu dùng đã chuyển từ ‘ăn no mặc ấm’ sang ‘ăn ngon mặc đẹp’, không có gì bất ngờ khi họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để thưởng thức sản phẩm chất lượng hơn. Không những thế, các nhà kinh doanh online không cần mở cửa hàng, lại dễ dàng chuyển sôcôla đến tận nhà cho khách ở mọi khu vực. Chúng ta hoàn toàn có thể nếm những món ăn cao cấp ở mức giá hợp lý nhờ phương thức bán hàng ngày nay đã thay đổi.

6. Ngành công nghiệp đang tiếp tục phát triển mỗi năm, nhưng nông dân trồng ca cao kiếm được ít hơn 1 đô la mỗi ngày

The Guardian báo cáo rằng các công nhân trong ngành công nghiệp sôcôla trung bình kiếm được dưới 1 đô la/ngày. Họ thường phải làm việc trong điều kiện nắng nóng không có bóng râm và tiếp xúc với lượng lớn thuốc trừ sâu. Nông dân là người chịu gánh nặng khi ca cao mất mùa nhưng chỉ nhận được 6% giá bán của mỗi thanh sôcôla, còn các nhà sản xuất và nhà bán lẻ giữ 80%.

photo of chocolate cake 2878740 image
(Ảnh: Jonathan Borba/ Pexels)

7. Bùng nổ nạn phá rừng

Thời báo Seattle đưa tin rằng ở Tây Phi, nơi sản xuất hai phần ba ca cao của thế giới, nạn phá rừng nhiệt đới đang tăng chóng mặt trong những thập kỷ qua. Bờ Biển Ngà đã mất 80% rừng trong 50 năm qua. Vấn nạn xảy ra bởi nông dân nghèo tìm cách mở rộng vùng đất trồng trọt cho mình.

8. Hơn 2 triệu trẻ em đang lao động tại các trang trại ca cao

Đầu năm nay, Washington Post báo cáo rằng các công ty sôcôla lớn nhất thế giới tiếp tục ngó lơ yêu cầu loại bỏ lao động trẻ em khỏi chuỗi cung ứng ca cao. Tham khảo một câu chuyện trong báo cáo của Bộ Lao Động Hoa Kỳ năm 2015, hơn 2 triệu trẻ em ở vùng trồng ca cao ở Tây Phi đang phải bán sức lao động trong điều kiện nguy hiểm. Các em phải sử dụng dao rựa, mang vác nặng và phun thuốc trừ sâu.

(Ghi chú: 1 pound = 0.45359237 kilograms)

Minh Minh

Xem thêm: