Khi buồn tủi, bạn tìm được một người để nói chuyện, nhưng người ấy khiến bạn càng cảm thấy tủi thân hơn, cảm giác như không ai trên đời hiểu mình. Có lúc bạn lại may mắn gặp được người thật tâm lý, họ lặng lẽ lắng nghe và vực bạn bước qua đau khổ. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? 

lắng nghe
(Ảnh minh họa: RikoBest/ shutterstock)

Chuyên gia tư vấn tâm lý nổi tiếng người Hàn Quốc đã chỉ ra 8 thói quen lắng nghe sai lầm, giúp bạn trở thành “bậc thầy chữa tâm bệnh” bằng sự đồng cảm và ấm áp.

Nghe mà không cần diễn giải cá nhân

Giúp đối phương nhận thức được suy nghĩ, hiểu được cảm xúc và khám phá ra nhu cầu của bản thân mới là mục tiêu của việc lắng nghe thấu cảm trong cuộc đối thoại.

Tuy nhiên, có khá nhiều ví dụ về việc lắng nghe “kém duyên” mà chúng ta vẫn thường gặp trong cuộc sống.

Sau khi tiễn đưa chị gái qua đời, thì nghe được lời “an ủi” này của một người bạn: “Ít nhất là còn tốt hơn là tiễn đưa con cái hay cha mẹ, thời gian trôi qua sẽ ổn thôi.” Đang tang gia bối rối mà nghe phải lời này, không những không giảm bớt buồn bã mà còn thêm bực bội, thậm chí không bao giờ còn muốn gặp lại người kia nữa. 

Vì không có con nên đành nuôi mèo bầu bạn lại gặp người bạn nói: “Không có con, nuôi mèo còn khỏe hơn nhiều.” Thà đừng nói gì còn hơn, nói ra lại động đến vết thương lòng của người ta, càng khiến người nghe thêm u uất.

Thật ra cũng không dễ để phân biệt được là lúc nào cần đưa ra lời khuyên và lúc nào cần im lặng. Nhiều lúc nghe mà không nói gì lại cũng khiến người ta bực bội, khó chịu. Bởi vì khi nghe câu chuyện của người khác, trong đầu có thể sẽ dấy lên hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác và rất khó để loại bỏ chúng, vừa phải để tâm tới những suy nghĩ này lại vừa phải lắng nghe đối phương nói chuyện, thật là không dễ dàng gì.

Cho dù người kia có muốn nghe hay không, hãy tự mình đánh giá xem họ muốn nói gì. Chỉ đặt tâm sức vào việc luyện tập khả năng lắng nghe, chúng ta mới có thể nhận ra những điểm còn thiếu sót của mình.

shutterstock 1189288840
Khi bạn chú ý đến những gì người kia nói và cố gắng hiểu trái tim của họ, họ sẽ cảm ơn bạn sâu sắc vì những nỗ lực ấy. (Ảnh: Odua Images/ ShutterStock)

Lắng nghe là một trong những phương pháp tốt nhất để hiểu người khác. Khi dùng tất cả trái tim để lắng nghe ai đó nói, trong vô hình đang thật sự tạo ra một loại tình cảm tự nhiên và bền vững. Chỉ khi sự đồng cảm và thấu hiểu thật sự phát triển trong tâm hồn thì chúng ta mới có thể cảm nhận được những thứ tiềm ẩn sâu tận bên trong.

Đôi khi, trong lúc trò chuyện, bạn không hẳn nghe hiểu người kia đang nói gì, nhưng thật ngạc nhiên khi bên kia lại có thể cảm nhận được trái tim của bạn vào lúc này, họ đôi khi sẽ dừng lại và hỏi liệu bạn có ổn không. Tuy nhiên, khi bạn chăm chú lắng nghe những gì đối phương nói và cố gắng hiểu trái tim của họ, họ thường sẽ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc chỉ vì những nỗ lực của bạn. Không phải là bạn đã giúp được gì cụ thể cho họ mà thực tế là chỉ im lặng lắng nghe, lắng nghe tất cả những lo lắng bên trong họ. Mặc dù những vấn đề thực tế sẽ có thể vẫn chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, khi nhìn lại nhiều việc trong cuộc sống, mặc dù theo thời gian phần lớn đã được giải quyết nhưng trong lòng chúng ta vẫn còn những cảm xúc không vui. Có thể thấy rằng cách giải quyết vấn đề và sự bình yên trong nội tâm không phải lúc nào cũng tương xứng.

Có lẽ lắng nghe quan trọng và sâu sắc hơn là giải quyết vấn đề. Mặc dù chỉ là trong chốc lát đó thôi, nhưng khi lắng nghe, trái tim sẽ hoàn toàn chấp nhận sự tồn tại của đối phương, cố gắng tập trung vào những cảm xúc và nhu cầu cá nhân ẩn chứa trong từng lời nói của họ. 

Lắng nghe hoàn toàn khác với đồng ý. Chỉ cần chấp nhận và hiểu những suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của người kia là một dấu hiệu của sự tham gia tích cực. Đưa ý thức của bạn đến thế giới ý thức của người khác và nỗ lực tập trung, đây chính là thái độ và kỹ thuật của sự lắng nghe.

Trong các mối quan hệ, mọi người thường không muốn lắng nghe, mà chỉ muốn nói những gì mình muốn nói. Nhiều vấn đề trong xã hội ngày nay rõ ràng phát sinh là do “không biết lắng nghe”. Chính trị, tội phạm xã hội, xung đột giữa các tổ chức, nỗi đau gia đình, mọi thứ đều bắt đầu từ việc phớt lờ những gì người kia nói và sự miễn cưỡng lắng nghe.

Hãy tạm dừng một chút để thảo luận về khả năng hùng biện, luyện tập hiểu lời nói và ý định của người kia trong im lặng và diễn giải chúng một cách chính xác. Rất nhiều thứ có thể là cơ sở cho một giải pháp nếu bạn chỉ cần lắng nghe tốt. Từ bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau luyện tập khả năng lắng nghe.

Lắng nghe thấu cảm và 8 kiểu lắng nghe quán tính sai lầm

Bạn phản ứng thế nào khi nghe người bạn nói những điều tương tự như thế này?

“Họ dường như đang cô lập và lợi dụng tôi.”

Thói quen lắng nghe quán tính mà chúng ta thường phạm phải có thể được chia thành 8 loại sau đây, không loại nào hoàn toàn tập trung vào “sự lắng nghe thấu cảm” trái tim người kia.

1. Lên tiếng phụ họa

“Những người đó thực sự rất tệ. Sau này liệu họ có ngày càng kiêu ngạo hơn không?”

“Là bạn mới nhịn như thế. Nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ bỏ qua.”

Phương pháp này thường bị nhầm với hình thức lắng nghe thấu cảm. Tuy nhiên, đồng tình với nhau trong khi lắng nghe có thể dễ dẫn đến việc các bên không ưa nhau hơn nữa và rơi vào những phán xét tiêu cực. “Họ thực sự tồi tệ”, phản ứng theo cách này, người nghe có thể nghĩ, “Tôi đã đúng! Tất cả họ đều là những người xấu” và người đó sẽ tiếp tục tức giận, nội tâm càng trở nên đau khổ khó chịu. 

Sự tán thành đồng tình có thể tạm thời mang lại sức mạnh cho bên kia, nhưng cuối cùng bên kia sẽ bị mắc kẹt trong suy nghĩ của riêng mình và mang lại nhiều khó chịu hơn nữa. Từ góc độ này, nó không phù hợp với việc lắng nghe thấu cảm. Đây chẳng phải là cùng chung tay kết thù kết oán hay sao? Thay vì vậy, hãy trầm tĩnh và cùng đối phương hòa giải hoặc tha thứ thì mọi việc sẽ khác.

2. Đồng tình

“Hẳn là bạn đã phải chịu đựng rất nhiều rồi? Thật đáng thương!”

“Khổ thân quá!”

Phương pháp này rõ ràng duy trì khoảng cách với bên kia, đồng thời truyền đạt cảm xúc đánh giá của bản thân đối với họ. Những gì nó thể hiện không phải là nỗ lực thấu hiểu nỗi đau của đối phương, mà là đứng trên quan điểm cá nhân để nhận định sự đau khổ và đáng thương của đối phương. Phản ứng này có thể khiến đối phương sinh ra cảm giác được đồng cảm, nhưng lại khiến họ trở nên tiều tụy và đau khổ hơn. Thay vì hiểu được cảm xúc và nhu cầu của bản thân, họ lại rơi vào tình trạng tự nhận mình đáng thương. 

Lòng trắc ẩn và sự cảm thông đối với người khác tất nhiên là những đức tính tốt, nhưng việc cố gắng hiểu cảm thụ trong lòng đối phương và việc lắng nghe thấu cảm không hề giống nhau.

3. Ngăn cản đối phương bày tỏ cảm xúc

“Tại sao bạn lại có cảm xúc tiêu cực đó? Không nên như vậy.”

“Không thể nghĩ như vậy.”

Phương thức này có tác dụng kiềm chế cảm xúc và cố gắng đưa ra các phán đoán hợp lý, nhưng lại quên mất rằng làm người thì cần cạm nhận được cảm xúc của người khác. Nếu bạn không có được sự đồng cảm về cảm xúc từ khi còn nhỏ và khiến việc bộc lộ cảm xúc trở thành điều xa xỉ, phản ứng này sẽ xuất hiện như một thói quen. 

Quá trình im lặng lắng nghe những giọt nước mắt và phản ứng cảm xúc của người khác là một yếu tố đồng cảm cần thiết. Nếu như có động thái ngăn trở, người trong cuộc sẽ không thể chịu đựng được, lúc này họ sẽ rơi vào phương pháp giải quyết vấn đề một cách máy móc, hoặc thích ứng bằng cách kìm nén cảm xúc.

4. Cố gắng thay đổi suy nghĩ của đối phương

“Bạn đang nói cái gì vậy? Theo tôi thấy đây là một sự hiểu lầm!”

“Bọn họ cũng là người tốt, không thể nào lợi dụng bạn được!”

Thay đổi suy nghĩ quả thực là một chiến lược tuyệt vời để thay đổi hành động, nhưng nó khác với việc lắng nghe thấu cảm và nhận biết cảm xúc. Lý do là nhận thức về một suy nghĩ và thay đổi nó là hai quan điểm hoàn toàn khác nhau. Nếu người khác luôn muốn thay đổi suy nghĩ của họ, có lúc ngược lại họ sẽ càng tin tưởng và bảo thủ những suy nghĩ và nhận định của chính mình, họ sẽ luôn cho rằng mình đúng. 

Lấy một ví dụ, nếu bạn nói với một người rằng bạn đang bị xa lánh và lợi dụng, người kia sẽ nói: “Họ cũng là người tốt và không thể lợi dụng bạn.” Ngay lập tức, bạn có thể sẽ nghĩ: “Không đúng! Bọn họ trước kia cũng từng làm điều có lỗi với tôi, coi thường tôi!”  Như đã thấy, một luồng suy nghĩ đã làm phát sinh ra một luồng suy nghĩ mới. Điều này làm nhấn sâu thêm tư tưởng của người kia.

Do đó, quá trình thay đổi suy nghĩ của bạn đôi khi có hiệu quả, nhưng nếu theo một cách ép buộc, không những không dễ dàng để người khác thay đổi suy nghĩ theo hướng của bạn mà nó còn thể hiện rõ ràng rằng đây không phải là một quá trình lắng nghe thấu cảm.

5. Phân tích

“Từ khi nào bạn bắt đầu cảm thấy như vậy? Lý do là gì?”

“Bạn thật bốc đồng, còn họ thì cố chấp, hai người căn bản là không đi cùng hướng.”

Phân tích cộng với lời khuyên có thể rất hữu ích trong việc giải quyết vấn đề, và đây là yếu tố cần được phân biệt khi cố gắng lắng nghe bằng sự đồng cảm. Phân tích thích hợp, làm rõ nhân quả để giải quyết vấn đề, nó sẽ có tác dụng tích cực khi một người có nhiều kinh nghiệm phân tích. 

Tuy nhiên, nếu mối quan hệ giữa các cá nhân chỉ dừng lại ở việc phân tích lời nói và việc làm của nhau, họ có thể bị mắc kẹt trong suy nghĩ “hành vi đúng hay sai, tốt hay xấu” và những phán đoán bị bóp méo dựa trên việc sử dụng các phép phân đôi để xác định tính chất của sự vật sự việc.

6. Khuyến nghị

“Chỉ là tính cách khác nhau thôi, tôn trọng nhau là được rồi.”

“Đừng hiểu lầm, theo ý tôi thì…”

Lời khuyên có thể là một công cụ giao tiếp rất hữu ích khi chúng ta rõ ràng có kinh nghiệm và biết những cách tốt hơn so với đối phương. Nhưng bên kia cũng phải sẵn sàng lắng nghe để lời khuyên có hiệu quả. Một người muốn nghe lời khuyên sẽ thường ra hiệu: “Tôi thực sự không biết. Nếu là bạn thì bạn sẽ làm gì?” Hoặc, trong quá trình lắng nghe, người nghe có thể bắt đầu bằng cách hỏi: “Khi nghe bạn nói, tôi đột nhiên nhớ ra trước kia mình cũng từng có qua loại này kinh nghiệm, bạn có muốn nghe một chút cách tôi đã làm không?” Lời khuyên có thể hiệu quả, nhưng nó khác với quá trình lắng nghe thấu cảm.

7. Nói về bản thân

“Bạn học của tôi còn kém may mắn hơn. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau, tôi đều nghe thấy anh ấy phàn nàn.”

Đây là cách nghe kém hiệu quả nhất, vì quan điểm của cuộc trò chuyện hoàn toàn bị chuyển từ phía đối phương sang bản thân. Nếu chúng ta muốn lắng nghe thấu cảm, thì nhận thức của chúng ta nên tập trung vào suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu và hành vi mong muốn của người kia. Do đó khi bạn nói về bản thân có nghĩa là không lắng nghe những gì đối phương nói, mà chỉ nói những gì bạn muốn nói, đó là cách lắng nghe ích kỷ nhất.

8. Ngắt lời

“Được rồi, được rồi! Uống chút nước đi!”

“Đừng tiếp tục lặp đi lặp lại nữa.”

Không cần giải thích gì cả, cách này trực tiếp thể hiện: “Tôi không muốn nghe bạn nói nữa.” Tất nhiên, đó không phải là cách nghe thấu cảm. Nhưng điều đáng kinh ngạc là khi làm điều này, nhiều người lại lầm tưởng rằng mình đã hoàn toàn lắng nghe những gì đối phương nói, thậm chí chính bản thân mình cũng có thể rơi vào bẫy này. Người kia chắc chắn không nghĩ rằng bạn đã hiểu và thậm chí còn có thể ghét bạn. Nếu các thành viên trong gia đình hoặc những người thân thiết nhiều lần nghe thấy điều này thì sẽ chỉ làm tăng thêm khoảng cách. Nó tạo ra một tường chắn trong lòng và lâu dần khiến mọi người không còn muốn nói chuyện với nhau.

Chúng ta luôn nghĩ rằng đó là yếu tố của sự đồng cảm đối với đối phương, nhưng nó không phải là phương pháp lắng nghe thấu cảm. Tuy nhiên, những phản ứng lắng nghe theo thói quen này không hoàn toàn xấu, và đôi khi lời khuyên hoặc phân tích là một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề và được áp dụng tốt hơn việc lắng nghe thấu cảm. Chỉ cần đảm bảo rằng có sự khác biệt giữa thực hành lắng nghe thấu cảm và phản ứng lắng nghe theo thói quen của chúng ta. 

Lắng nghe thấu cảm: Từ chuyện của đối phương mà hiểu được lòng mình

shutterstock 1679792947
(Ảnh minh họa: fizkes/ Shutterstock)

Chức năng hữu ích nhất của lắng nghe thấu cảm là tích lũy từng chút một nguồn lực của “thiện chí và lòng biết ơn” trong “tài khoản mối quan hệ” của chúng ta. Mọi người luôn thích những người biết lắng nghe mình nói chuyện. Ngay cả khi bạn không đồng ý với những gì họ nói, đừng phán xét, chỉ cần im lặng lắng nghe, sẽ không ai ghét một người như vậy. Nhưng có rất nhiều người không thể nhớ được kinh nghiệm kiểu này, rằng tại sao chúng ta thích những người lắng nghe chúng ta đến vậy?

1. Thông qua sự đồng cảm, sẽ phát hiện ra rằng cho dù cả hai đều rất khác biệt nhưng đó không phải là điều xấu. Những người có nhu cầu và giá trị khác nhau vẫn có thể được kết nối lại.

2. Trải nghiệm về sự đồng cảm giúp duy trì sự bình tĩnh ổn định trong cảm xúc và có động lực tích cực trong hành động.

3. Nếu bạn nhận được lời khuyên giống như bạn suy nghĩ, bạn sẽ có thể cảm nhận sâu sắc trái tim của chính mình hơn.

4. Nếu bạn nhận được sự đồng cảm, khả năng đồng cảm của bạn với người khác cũng sẽ được cải thiện.

5. Nếu bạn chấp nhận điều tương tự, nỗi sợ hãi sẽ biến mất, cuộc sống của bạn sẽ trở nên thú vị và năng động hơn.

Tất nhiên, ở những nơi chẳng hạn như nhóm hoặc tổ chức, nơi quyền lực của bạn yếu hơn người khác, có thể không thuận tiện khi diễn đạt điều tương tự bằng lời. Lúc này, việc đồng cảm với đối phương bằng cách im lặng cũng rất hiệu quả. Những thái độ mà chúng ta tạo ra sau sự im lặng và cảm thông thường khiến đối phương cảm thấy ấm áp.

Theo Epoch Times

Tuyết Liên biên tập