Trong cuộc sống, không có ai là hoàn toàn vô dụng. Mỗi người đều tiềm ẩn ít nhiều những khả năng khác nhau, hiển nhiên sẽ có chỗ khả dụng mà đôi khi chính họ cũng chưa hiểu hết về năng lực tiềm tàng của bản thân mình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này…

shutterstock 428377387
(Ảnh: Shutterstock)

1. Suy nghĩ tiêu cực

Khi gặp phải vấn đề nan giải, trong đầu lập tức hiện lên những suy nghĩ như: Không thể, không có cách nào, vô ích thôi, chẳng làm gì được, thôi đừng nghĩ nữa, không biết, v.v… Những suy nghĩ tiêu cực này sẽ ngăn cản bộ não của bạn suy nghĩ và lẽ dĩ nhiên là sẽ không thể có kết quả nào hết. Nếu bạn nghĩ không có cách nào, thì khác gì là không có khả năng.

2. Trốn tránh trách nhiệm

Nếu chúng ta sống trong một môi trường mà từ bé đã thường hay bị chỉ trích, đổ lỗi, đấu tố, chúng ta có xu hướng nảy sinh phản ứng bảo vệ bản thân ‘bất chấp’. Chẳng hạn như khi xảy ra vấn đề nào đó, thì câu cửa miệng sẽ là: Không phải tại tôi, tôi không biết chuyện đó, tôi không thấy, bởi vì thế này, bởi vì thế kia, v.v… Đó là chưa kể trong xã hội ngày nay, có những người thậm chí gặp chuyện liền chối bỏ trách nhiệm, liền đổ thừa cho người khác. Việc làm này khiến họ có cảm giác an toàn cho bản thân, coi như vấn đề không mảy may liên quan đến mình, nhưng họ không biết rằng, phải có đủ can đảm mới dám đứng ra thừa nhận lỗi lầm. Họ đã đánh mất cơ hội để phát triển dũng khí, năng lực chịu trách nhiệm, đề cao sức chịu đựng và đạt được sự tín nhiệm cũng như cảm phục từ người khác.

3. Tiền

Tiền có thể khóa năng lực của một người. Không có tiền thì không làm, tiền ít cũng không làm. Dần dần theo thời gian, người này cũng mất luôn năng lực kiếm tiền.

4. Giới hạn nhiệm vụ, trách nhiệm 

Chuyện này không thuộc phần tôi, chuyện kia tôi cũng không quản. Tôi không dây vào việc không thuộc phần mình. Những người thường xuyên nghĩ như vậy cho rằng họ đang tránh rắc rối, không muốn rước thêm phiền phức, sao tự dưng lại vơ thêm việc vào người, chẳng khôn ngoan chút nào. Tuy nhiên, trên thực tế họ cũng đã bỏ lỡ luôn cơ hội thăng tiến và nhường lại cho người đã chuẩn bị sẵn sàng để đón bắt.

5. Phàn nàn, oán hận

Người luôn tự coi mình là nạn nhân và những gì xảy ra đều là do lỗi của người khác sẽ dần dần đánh mất năng lực đương đầu với khó khăn và giải quyết vấn đề. Hạnh phúc vì vậy cũng sẽ khó nằm trong tầm với của họ.

mâu thuẫn gia đình
(Ảnh: Shutterstock)

6. Cái tôi quá cao

Ý kiến của ai cũng không thèm nghe, không thèm để ý, luôn cho mình là đúng, dần dần sẽ không còn ai cho người này lời khuyên nữa. Cuối cùng, cũng không còn ai nói lời chân thành với họ, chỉ có thể tự mình chậm chạp trưởng thành.

7. Không tự tin

Khi không đủ tự tin trong một việc gì, bạn sẽ không thể bung hết sức mình để chinh phục điều đó. Hãy thả lỏng và để tâm thái tùy kỳ tự nhiên, chính trong lúc ấy, có thể là khi trí huệ và khả năng sẽ đạt đến một mức cao mà bạn không thể ngờ đến.

8. Sợ mắc lỗi

Người sợ phạm sai lầm sẽ không dám làm nhiều việc. Khi xảy ra chuyện điều đầu tiên là tìm cớ chứ không phải tìm giải pháp. Có câu nói rằng: Người không dám bước đi thì có khác gì không có chân.

9. Lười biếng

Người cảm thấy bình yên với hoàn cảnh hiện tại, không muốn làm nhiều hơn, không muốn nghĩ đến chuyện gì khác, không chịu được áp lực, thì lấy đâu ra cơ hội để phát triển năng lực bản thân đây?

An Nhiên

Xem thêm: