Khi bị lạc, bạn đừng hoảng loạn mà hãy áp dụng kỹ thuật S.T.O.P (Stop: dừng lại, Think: suy nghĩ, Observe: quan sát, Plan: lên kế hoạch). Tìm nguồn nước, chuẩn bị chỗ ngủ, giữ ấm cơ thể, tạo tín hiệu cầu cứu… thực hiện từng bước một, bạn sẽ sống sót.

ky nang sinh ton 1
(Ảnh: Shutterstock)

1. Bọc một túi nilon quanh đầu cành cây sẽ lấy được nước

Chúng ta không chết vì đói nhưng sẽ chết vì khát. Chính vì thế khi bị lạc trong rừng, bạn cần tìm ngay một nguồn nước ngọt để cơ thể được cấp nước liên tục. Bằng cách bọc một chiếc túi nilon vào một đầu nhánh cây rồi chiếu dưới ánh nắng mặt trời, bạn sẽ hứng được nước ngưng tụ.

2. Giữ ấm cơ thể bằng xốp hơi bong bóng hoặc lá cây

Nếu bạn đi cắm trại trong thời tiết lạnh, hãy mang theo xốp hơi bong bóng. Miếng xốp hơi bong bóng là chất cách điện tuyệt vời vì nó giữ một lớp không khí ở giữa như một bộ đệm. Nó còn được sử dụng để cách nhiệt trên các cửa sổ trong mùa đông. Nếu không có xốp hơi bong bóng thì hãy dùng lá khô để thay thế. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng lá cây táo khô sẽ giúp cách nhiệt.

3. Ngủ cách mặt đất để không bị hạ thân nhiệt

Khi bị lạc tại nơi hoang dã, bạn cần tìm một nơi trú ẩn để ngủ qua đêm. Bạn hãy tìm vài thanh gỗ xếp thành một chiếc giường đơn giản để ngủ, tránh nằm trực tiếp trên nền đất. Ngủ trên nền đất sẽ rất lạnh, nhất là khi trời gần sáng. Nhiệt độ cơ thể người lúc này lại thấp nên khi ngủ trên nền đất rất dễ bị cảm lạnh.

4. Đuổi muỗi bằng lá thông

Không có phương thuốc tự nhiên nào giúp đuổi muỗi 100% nhưng dầu thông vẫn là sự lựa chọn tuyệt vời khi bạn bị lạc. Hãy xát một ít lá thông vào tay chân bạn. Mùi dầu thông có khả năng đuổi muỗi và một số loại bọ ve. Đốt lá sả cũng giúp bạn xua đuổi côn trùng.

5. Giả chết khi gặp động vật lớn như gấu xám

Khi gặp gấu đen, bạn nên thận trọng bước lùi về phía sau, đừng kích động bỏ chạy.  Hoặc trong trường hợp bị gấu đen tấn công, bạn cũng có thể đánh trả lại. Bởi vì trong hầu hết trường hợp, gấu đen sợ con người còn hơn chúng ta sợ loài thú này. Nhưng với gấu xám to hơn và khỏe hơn nhiều lần thì chúng ta chỉ nên nằm cuộn tròn và giả chết mà thôi.

ky nang sinh ton 3
(Ảnh: Shutterstock)

6. Nên đi qua chỗ nước sâu chảy chậm hơn là chỗ nước nông chảy xiết

Nơi an toàn nhất để băng qua sông/suối là những đoạn thẳng ở giữa các khúc sông/suối. Bạn nên cầm theo một cành cây để đo độ nông sâu của nước. Vùng nước sâu nhưng chảy chậm dễ vượt qua hơn chỗ nước nông nhưng chảy xiết. Bạn hãy đi về phía thượng nguồn – phía mà dòng nước đang đổ về bạn. Giữ tư thế hai chân rộng bằng vai, người hơi nghiêng về phía trước, hơi khụy đầu gối hạ thấp trọng tâm, chống cành cây xuống làm trụ thứ 3 nếu bạn chỉ đi một mình.

7. Tạo ra lửa từ nước hoặc băng

Thấu kính hội tụ có tính chất biến đổi chùm tia sáng song song (vì mặt trời ở xa nên có thể xem những tia sáng tới mặt đất là các tia song song) thành chùm tia sáng phản xạ hội tụ tại 1 điểm trước gương. Điểm này sẽ tập trung năng lượng của chùm sáng tới lại một điểm và tạo ra năng lượng đủ để đốt cháy các vật dễ cháy. Kiến thức vật lý này sẽ giúp chúng ta tạo ra lửa từ nước hoặc băng.

Bằng cách đổ nước vào một túi ni lông (hình dạng như kính lúp) bạn sẽ tạo ra một thấu kính cầu lồi. Còn nếu bạn lạc đến nơi có nhiều băng, hãy lấy một miếng băng dày khoảng 5cm để làm kính cầu lồi. Để dưới nền đất một ít lá dễ cháy, rồi chiếu gương cầu lồi về phía mặt trời để chờ bắt lửa.

8. Đốt lá ướt để tạo ra khói

Sử dụng tín hiệu khói có thể cứu sống bạn. Khi bạn bắt đầu đốt lửa, hãy tạo ra càng nhiều khói càng tốt. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng lá ướt. Đây là cách giúp bạn tạo ra tín hiệu để người khác đến cứu.  Với người Mỹ bản địa và hội hướng đạo sinh, 3 cột khói là tín hiệu cầu cứu không thể bị nhầm lẫn với việc cháy rừng. Vì thế bạn nên tạo ra các cột khói ở vị trí khác nhau để mọi người chú ý đến sự bất thường này.

Kỹ năng sinh tồn
(Ảnh: Shutterstock)

9. Dùng tro để khử trùng tay

Khi ở trong điều kiện hoang dã, nhiều người sẽ chẳng màng quan tâm đến việc giữ vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên hãy luôn nhớ khử trùng bàn tay, vì việc này sẽ giúp cơ thể dễ chữa lành vết thương tốt hơn nếu có rủi ro xảy ra. Từ lâu, tàn tro đã được sử dụng để làm chất sát khuẩn nếu không có xà phòng, bởi vì nhiều loại vi khuẩn không thể sống trong nồng độ pH 10-12 ở môi trường này. Vì thế sau khi đốt lửa bạn hãy dùng tro (đã nguội) thay cho nước rửa tay khô.

Theo Bright Side
Minh Minh

Xem thêm: