Con trẻ thường hay nhìn và bắt chước lời nói và hành vi của người lớn. Bởi vậy, bậc làm cha làm mẹ hãy là tấm gương sáng cho trẻ nhỏ noi theo, cần để tâm và điều chỉnh những thói quen xấu của mình.

Dưới đây là 9 thói quen không tốt mà cha mẹ cần bỏ khi nuôi dạy con:

1. Chỉ trích trẻ

Nhiều bậc phụ huynh không lường hết được tác hại của thói quen này đến cách trẻ tự nhìn nhận bản thân mình và lòng tự trọng của chúng.

Nhiều cha mẹ cho rằng giáo dục trẻ với những lời chỉ trích sẽ giúp trẻ nhận ra khuyết điểm và sẽ tự thấy xấu hổ mà sửa đổi, nỗ lực cho bằng bạn bằng bè. Những câu nói dạng như: “Đấy, con thấy bạn giỏi chưa? Còn con không bằng ai cả!”, hay “Suốt ngày cứ toàn là chơi, không học, sau này chỉ là đồ bỏ đi!”, “Hư thân mất nết”, “Biết đẻ con ra như thế này, mẹ thà đẻ ra quả trứng còn hơn”, “Sao con lại đần thế, có thế mà làm cũng không xong” v.v… sẽ tạo áp lực tâm lý cho trẻ khiến các em phải cố gắng để đáp ứng mong đợi của chính cha mẹ với gánh nặng tinh thần.

9 thói quen không tốt cha mẹ cần bỏ khi nuôi dạy con trẻ
(Ảnh: Shutterstock)

Những năm đầu đời là nền tảng phát triển cho toàn bộ những năm về sau của một con người. Trong những năm đó, trẻ nhỏ học và phát triển trên rất nhiều phương diện, trong đó quan trọng nhất là nhận thức của chúng về bản thân. Nếu con trẻ được cha mẹ yêu thương và chấp nhận, thì trẻ sẽ tin tưởng rằng bản thân mình có giá trị. Trẻ sẽ phát triển được lòng tự trọng, cảm thấy tự tin khi tương tác với thế giới bên ngoài, và cảm thấy an toàn vì biết luôn luôn có thể tin tưởng vào cha mẹ.

Ngược lại, khi trẻ thường xuyên bị chỉ trích và phán xét, trẻ sẽ cảm thấy sợ sệt, lo lắng mình luôn làm gì đó sai, dần dần mất niềm tin vào bản thân và cha mẹ, cảm thấy mình không có giá trị và thua kém những bạn khác. Sự tổn thương sâu sắc này có thể theo trẻ cho tới lớn, bắt đầu thể hiện ra những vấn đề tâm lý đặc biệt như rối loạn lo âu, căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy cha mẹ liên tục chỉ trích và độc đoán với trẻ nhỏ, con cái của họ dễ gục ngã hơn khi phải đương đầu với những khó khăn trong cuộc đời sau này ở giai đoạn trưởng thành.

Thay vì chỉ trích, cha mẹ hãy thường xuyên thể hiện tình cảm với con để chúng cảm nhận luôn được yêu thương cho dù chuyện gì xảy ra. Hãy nói chuyện với trẻ, lắng nghe và chơi đùa cùng chúng và dành thời gian cho con mỗi ngày.

Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt với những đặc tính riêng biệt. Mọi so sánh đều là khập khiễng và dư thừa. Trẻ phát triển tốt nhất trong một môi trường giàu tình yêu thương, được giúp đỡ một cách phù hợp và được trao cho quyền quyết định cũng như được mắc lỗi trong chừng mực an toàn.

2. Thường xuyên chê bai bản thân

Bạn có bao giờ tự trách móc bản thân mình không? Và nghĩ “Sao mình ngu ngốc quá!”. Các bậc cha mẹ chắc chắn đã trải qua những khoảnh khắc tự trách bản thân này. Nhưng bạn nên nhớ rằng con cái hay nhìn vào cha mẹ, vì vậy hãy là người tạo ra sự an tâm và thoải mái cho trẻ nhỏ trong gia đình mình.

Trẻ sẽ cảm thấy ra sao khi thấy cha mẹ hay tự trách bản thân mình? Điều này thật sự có ảnh hưởng không tốt đối với trẻ. Nếu trẻ nghe điều này thường xuyên, thì đừng bất ngờ nếu chúng bắt đầu nói về bản thân mình những điều tương tự như vậy. Bài học rút ra ở đây là: Hãy trân trọng bản thân mình!

3. Phân tâm/Không quan tâm trẻ nhỏ

Lần cuối cùng bạn đi nghỉ cùng với gia đình mà không khư khư chiếc điện thoại bên mình là khi nào? Rồi cứ dán mắt vào màn hình điện thoại hay máy tính. Bạn có thường xuyên chứng kiến cảnh tượng rằng nhiều gia đình ở trong nhà hàng nhưng tất cả bố mẹ lại dán mắt vào điện thoại mà không nói lời nào với bọn trẻ? Công nghệ thông tin hiện đại đã khiến chúng ta quá mắc kẹt/mắc nghiện vào các thiết bị điện tử, và các ông bố bà mẹ trở nên bận rộn hơn bao giờ hết.

Hãy thử bỏ điện thoại, laptop, máy tính bảng qua một lúc và nói chuyện nhiều hơn với con trẻ và xem hiệu quả mà nó mang lại. Các bậc cha mẹ có thể đặt ra nguyên tắc không sử dụng các thiết bị điện tử sau 8/9/10 giờ tối. Hãy nói chuyện với bọn trẻ và chơi với chúng hoặc đi dạo cùng nhau, bạn sẽ bất ngờ khi thấy tình trạng này được cải thiện và cảm thấy tốt hơn khi nối kết với con trẻ  nhiều hơn.

Kết quả hình ảnh cho cha mẹ thiên vị con cái
(Ảnh: Shutterstock)

4. Nói xấu họ hàng, người thân

Cho dù là chồng cũ của bạn, con cháu, họ hàng hay giáo viên cũ của con bạn hoặc bất kỳ ai đó cũng có thể phiền nhiễu đến bạn và bạn sẽ trút giận lên họ, nhưng đừng thể hiện cảm xúc đó trước mặt con trẻ. Chúng không cần phải nghe những điều tồi tệ về người mà chúng yêu mến. Hãy giữ câu chuyện giới hạn giữa người lớn với nhau mà thôi.

5. Kiểm soát mọi việc

Các bậc cha mẹ không bao giờ muốn nhìn thấy con cái thất bại, tổn thương và thất vọng. Nhưng tất cả những điều đó là một phần của cuộc sống và hãy để cho nó diễn ra theo quy luật tự nhiên. Bởi vì khi cha mẹ giám sát quá mức mọi thứ con làm, nói và trải nghiệm, điều này sẽ khiến chúng trở nên nổi loạn nhiều hơn. Hãy cho bọn trẻ có chút không gian riêng khi chúng bị mắc lỗi và trẻ nhỏ sẽ rút ra bài học từ những trải nghiệm sống của mình.

6. Chụp ảnh mọi thứ

Hãy chụp ảnh ít hơn! Điều đó không có ý khuyên bạn là để máy ảnh hay điện thoại ở nhà vào những dịp đặc biệt cùng với gia đình. Tất nhiên bạn muốn lưu giữ lại những kỷ niệm cùng với người thân trong gia đình của mình, nhưng tốt hơn là lâu lâu bạn nên để máy ảnh/điện thoại qua một bên và đắm chìm trong những khoảnh khắc hạnh phúc này.

chup anh selfie bao tang
(Ảnh: Shutterstock)

7. Dễ tính quá mức

Thật dễ dàng cho trẻ vài đồng chi tiêu để mua đồ chơi, ứng dụng điện tử hay kem cây mà chúng muốn. Và tất nhiên tất cả những điều này rất tốt cho con của bạn, nhưng đừng làm điều đó mỗi ngày vì sớm muộn gì chúng sẽ không chấp nhận câu từ chối của bạn. Hãy đặt ra giới hạn (mà trẻ yêu cầu) để giúp chúng tuân thủ.

Phụ huynh quá dễ tính với trẻ nhỏ, điều này cũng giống như với việc họ quá nuông chiều con cái, vô hình chung đã dung dưỡng những thói hư tật xấu cho trẻ mỗi ngày.

Ví dụ như cha mẹ cho trẻ xem TV hay chơi điện tử quá nhiều theo ý thích của chúng mỗi ngày, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, như thụ động trong cuộc sống, rối loạn hành vi trong giao tiếp, khó khăn trong khả năng từ ngữ, hay bắt nạt bạn bè trong lớp, thậm chí dẫn đến hành vi ngang ngược/hỗn xược với cha mẹ. Hơn nữa, trẻ dễ bị mất tập trung và khả năng tư duy trong học tập. Vì vậy, đừng nuông chiều con cái quá mức.

8. Giả vờ có khoảng thời gian vui vẻ với trẻ

Bạn và lũ trẻ cùng xem phim. Nhưng sau vài cảnh đầu tiên, bạn bắt đầu lấy điện thoại ra, kiểm tra email, gửi tin nhắn hay lướt Facebook. Bạn có thể chụp ảnh nhanh ghi lại cảnh lũ trẻ đang say sưa xem phim rồi đăng lên Facebook với lời chú thích: “Khoảnh khắc ấm cúng”.

Đúng, có vẻ như tất cả chúng ta đều đã trải qua khoảnh khắc như vậy. Nhưng sự thật là bạn không có gắn bó với hoạt động đó chút nào và bọn trẻ có thể cảm nhận được điều đó. Chúng có thể sẽ hỏi bạn: “Mẹ, sao mẹ không xem phim?”. Chúng đủ nhạy cảm để biết là bạn đang không có cùng mối quan tâm với chúng.

Embed from Getty Images

9. Không thường xuyên nói câu: “Bố, mẹ yêu con”

Các bậc cha mẹ nên thường xuyên nói câu “Bố mẹ yêu con” mỗi ngày, bởi vì trẻ nhỏ sẽ cảm nhận được bố mẹ yêu quý chúng đến mức nào. Chỉ một câu nói có thể giúp con trẻ luôn vui vẻ, ấm áp, thêm tin yêu trong cuộc sống và dĩ nhiên chúng sẽ mang đến những niềm vui nho nhỏ, bất ngờ, dễ thương đến bố mẹ. Vì vậy, đừng tiết kiệm câu  nói này với con cái.

Thanh Mỹ

Xem thêm: