Tiến sỹ Sarojini Agarwal ở Ấn Độ đã mất cô con gái bé nhỏ của mình trong một vụ tai nạn giao thông cách đây 40 năm, bà đã dũng cảm vượt qua bi kịch và dang rộng vòng tay giúp đỡ những bé gái mồ côi.

cô nhi
Tiến sỹ Sarojini Agarwal bế ẵm bé gái sơ sinh.

Kể từ giữa những năm 1980, người phụ nữ 80 tuổi này bắt đầu nhận nuôi bé gái cô nhi, chăm sóc các em và đảm bảo các em được giáo dục tốt, để trở thành những người tự tin và độc lập.

40 năm trước, khi bà Sarojini đang điều khiển chiếc xe gắn máy chở cô con gái Manisha lên 8 tuổi ở phía sau trên một con đường gần nhà ở Lucknow, thì bất thình lình xe của bà bị tông, và bi kịch xảy đến, con gái bà đã tử vong sau vụ tai nạn đó.

Nhiều năm sau đó, bà sống trong đau khổ và nước mắt, luôn dằn vặt và tự hỏi “Tại sao con tôi…”, cho đến một ngày bà nhận ra rằng có quá nhiều bé gái ở ngoài kia đang cần tình yêu của một người mẹ, và việc giúp các em sẽ có thể là cách tốt để tưởng nhớ cô con gái Manisha yêu quý của bà.

Bà Sarojini Agarwal chia sẻ với tờ Deccan Chronicle: “Khi Manisha qua đời, tâm trí tôi trống rỗng rồi một giọng nói vang lên trong đầu tôi và truy vấn tại sao tôi khóc? Nó đâu thể đưa Manisah trở lại với tôi. Đang còn có qua nhiều bé gái bất hạnh không có ai che chở”. 

Bà đã dồn toàn bộ số tiền mà mình tích góp được từ tiền bản quyền của các tập truyện ngắn, thơ và tiểu thuyết mà bà đã sáng tác trong sự nghiệp của mình để biến ngôi nhà ba phòng ngủ của bà trở thành nơi trú ẩn cho những bé gái bị bỏ rơi. Và năm 1985, trung tâm Manisha Mandir chính thức mở cửa.

Đứa trẻ đầu tiên bà Sarojini nhận nuôi là một đứa bé bị câm điếc sau khi người mẹ đơn thân của em qua đời trong khi sinh nở. Tiếp theo là hai bé gái có mẹ bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn, và tiếp sau đó là nhiều bé gái khác, một số bị bỏ rơi vì gia đình không muốn có con gái, một số khác sống lang thang trên đường phố, và thậm chí có những em còn vừa đào thoát khỏi các nhà chứa.

Có thời điểm, bà thậm chí còn treo một chiếc nôi tại cổng vào nhà mình để cha mẹ của đứa trẻ nào không muốn nuôi con có thể để chúng vào đó thay vì để chúng trên đường phố.

Tiến sỹ Sarojini nói với tờ The Better India rằng: “Chỗ chúng tôi còn nhận nuôi bé gái mới được 2 ngày tuổi. Sự việc này nói lên một điều rằng dẫu rằng bạn không sinh nở, nhưng bạn vẫn có thể làm mẹ. Khi tôi bế ẵm và ôm những đứa trẻ trong vòng tay, tôi thấy như thể tôi đang nâng niu chính con gái tôi vậy.”

Bà cũng nói thêm rằng ban đầu bà cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy các bé gái, nhưng bà không hề nản chí và tiếp tục tìm cách để có thể giúp đỡ các bé. Bà đã liên tục chuyển nhà để đảm bảo các bé gái có được nền giáo dục tốt nhất có thể. Bà gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, thủ tục nhận nuôi trẻ mồ côi.

Sarojini Agarwal Manisha Mandir6
Bà Sarojini Agarwal cùng các con của bà ở trung tâm Manisha Mandir.

Hiện tại, Manisha Mandir có một thư viện khá đầy đủ, một phòng máy tính, các xưởng thủ công, các tiện nghi giải trí như khu vườn có xích đu, sân bóng rổ và cầu lông, phòng xem ti vi…

Khi đến tuổi quy định, các em sẽ được ghi danh học tại một số trường và đại học danh tiếng hàng đầu Ấn Độ, bởi bà Sarojini tin rằng giáo dục là chìa khóa duy nhất có thể giúp các em có được cuộc sống thành công sau này. Nhiều người trong số những đứa con của bà đã trưởng thành và thành đạt, họ trở thành quản lý ngân hàng, giáo viên, hiệu trưởng, các nhà nghiên cứu và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Sarojini Agarwal Manisha Mandir3
Đại diện chính quyền đến thăm trung tâm Manisha Mandir.

Bà Sarojini nhấn mạnh: “Chỉ có nền tảng giáo dục tốt mới có thể giúp các cô gái độc lập, đóng vai trò then chốt để hình thành sự tự tin trong họ. Chúng đã được nhận vào nhiều trường chất lượng và có danh tiếng. Nhiều cô gái còn có thành tích học tập xuất sắc và có được những công việc đáng mơ ước.”

Kể từ khi Tiến sỹ Sarojini mở ra trung tâm Manisha Mandir năm 1985, bà đã nuôi dưỡng khoảng 800 bé gái mồ côi. Nhiều người trong số họ khi trưởng thành đã quay trở về để cùng mẹ Sarojini giúp đỡ các bé gái khác. Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu này vẫn dâng hiến trọn cuộc sống của mình để chăm sóc cho trẻ em bị bỏ rơi.

Có những thời điểm bà gặp khó khăn khi chăm sóc trẻ sơ sinh vì yếu tố tuổi tác, bà cũng băn khoăn không rõ mình có thể chăm sóc các bé đến khi nào, nhưng bà quyết tâm sẽ vẫn tiếp tục công việc này cho đến khi bà lìa đời.

Bà nói: “Mỗi khi đón nhận một bé sơ sinh hay bé gái bị bỏ rơi, tôi lại nhìn thấy hình bóng con gái Manisha. Có lẽ Chúa đã đưa con gái tôi đi là vì Người muốn tôi chăm sóc những đứa trẻ này. Tạ ơn Chúa đã ban cho con cơ hội để những ký ức về con gái con trở nên ý nghĩa.”

Việc làm thiện lương này của bà Sarojini cũng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng và chính quyền địa phương. Nhiều tình nguyện viên và các nhà hảo tâm đã góp công sức và tiền bạc cùng bà vận hành mái ấm tình thương Manisha Mandir.

Theo Oddity Central
Ảnh: Manisha Mandir
Minh Phương

Xem thêm: