Trong cuộc sống, có những điều hay những sở thích đến một cách tự nhiên đến mức chúng ta không hiểu nó là điều dĩ nhiên hay có một bí ẩn nào đó. Thật ra có những cảm xúc tồn tại trong đó những quy luật vô cùng thú vị.

Ấn tượng đầu tiên về cái đẹp
Thật ra có những cảm xúc tồn tại trong đó những quy luật vô cùng thú vị. (Ảnh: Victoria Chudinova/ Shutterstock)

Hình dạng khuôn mặt hay các đặc điểm trên khuôn mặt quan trọng hơn?

Đặc điểm khuôn mặt hay hình dạng khuôn mặt, yếu tố nào có ảnh hưởng nhiều hơn đến ngoại hình trong mắt người khác? Để hiểu vấn đề này, trước tiên chúng ta cần hiểu logic nhận thức của bộ não con người trên khuôn mặt.

Có 2 mô hình nhận dạng khuôn mặt quan trọng trong tâm lý học là “mô hình chức năng nhận dạng khuôn mặt” và “mô hình thần kinh phi tập trung trong nhận thức khuôn mặt”.

Cả 2 đều cho rằng: Khi nhận dạng khuôn mặt, điều đầu tiên mọi người nhận định là hình dạng khuôn mặt. Sau đó là các vị trí và hình dạng của mũi, mắt, miệng, trán, lông mày, tai..v.v. Nhìn kỹ hơn thì sẽ thấy những đặc điểm tinh tế hơn.

Và theo quy luật quên của bộ não, con người rất có thể sẽ quên những thông tin chi tiết, do đó, những chi tiết về đặc điểm trên khuôn mặt sẽ dễ dàng bị lãng quên trước tiên.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng tác động của hình dạng khuôn mặt đến ngoại hình lớn hơn tác động của các đặc điểm trên khuôn mặt.

Tại sao con người ấn tượng bởi bảy sắc cầu vồng?

ấn tượng đầu tiên về cái đẹp
Đường phố màu cầu vồng ở trung tâm của Hoganas, Thụy Điển. (Ảnh: Photosbypatrik/ Shutterstock)

Cầu vồng là nơi bắt đầu nhận biết màu sắc của tuổi thơ, là kỉ niệm học khúc xạ thời trung học, và nó cũng là quy luật quen thuộc của nghệ thuật vẽ tranh tường.

Tại sao các nghệ sĩ đường phố thích vẽ tranh tường theo thứ tự cầu vồng?

Trước hết, bởi vì sự sắp xếp màu sắc như vậy có cảm giác rất trật tự và dễ được bộ não con người chấp nhận. Nó đáp ứng nhu cầu cảm thụ trôi chảy của cá nhân khi tiếp nhận thông tin, não bộ dễ dàng nhận biết và xử lý thông tin nên sẽ mang lại cho con người cảm giác thoải mái, thư thái và yêu mến.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng: Hệ thống trí nhớ của chúng ta phát triển để thích ứng với màu sắc tự nhiên, vì vậy mọi người có thể nhớ những cảnh phù hợp với màu sắc tự nhiên tốt hơn so với hình ảnh đen trắng.

Đặc biệt màu sắc cũng có thể gây ra tín hiệu tâm lý cho người xem. Màu sắc cầu vồng rực rỡ khiến con người cảm thấy vui vẻ.

Tâm lý màu sắc này cũng thường được sử dụng trong cuộc sống của chúng ta. Ví dụ, đặt các biển báo đường có nhiều màu sắc khác nhau trên một con đường đơn điệu sẽ khiến người lái xe phấn khởi và mong chờ màu tiếp theo.

Cảm xúc có hình dạng không?

Chúng ta thường nghĩ rằng những thứ gây ra xung đột hoặc cảm giác đe dọa trong lòng là gai góc, còn những thứ an toàn và gần gũi lại không có cạnh và góc.

Mối liên hệ giữa hình dạng và cảm xúc này trước đây chỉ được xem là “trực giác” và không được khoa học làm sáng tỏ.

Một bài báo gần đây trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B đưa ra lời giải thích dựa trên máy phân tích và tâm lý học:

Mọi người tự động cảm nhận phổ tần số của bất kỳ thứ gì đi vào tai và mắt của họ như: âm thanh, hình dạng và chuyển động. Sau đó có thể tính toán giá trị trung bình, trung tâm của tần phổ. Mức độ của giá trị này trực tiếp xác định phản ứng cảm xúc của chúng ta.

Các nhà khoa học đã sử dụng các chương trình máy tính và tạo ra ngẫu nhiên hàng trăm hình dạng, âm thanh để những người tham gia có thể nhìn và nghe trong khi theo dõi não bộ của họ.

Các quan sát cho thấy: Hình dạng và âm thanh có giá trị trung tâm phổ tần cao hơn có liên quan đến cảm xúc kích thích cao như (tức giận, phấn khích).

Hình dạng và âm thanh của các giá trị trung tâm phổ tần thấp hơn có liên quan đến cảm xúc kích thích thấp như (buồn bã, ôn hòa).

Những người tham gia cũng được yêu cầu vẽ các hình thù tức giận, buồn bã, phấn khích và bình tĩnh: Hình dạng tức giận và kích động có trung bình từ 17 đến 24 góc, trong khi hình dạng buồn bã và bình tĩnh có trung bình từ 7 đến 9 góc.

Tại sao con người thích hình tròn?

Ấn tượng đầu tiên về cái đẹp
Khuôn mặt hạnh phúc giống hình tròn lớn, trong khi khuôn mặt giận dữ giống hình tam giác ngược. (Ảnh: Bits And Splits/ Shutterstock)

Sở thích về hình tròn đã ăn sâu từ khi chúng ta mới sinh ra. Trẻ sơ sinh thích các đường lượn sóng hơn là các đường thẳng từ rất lâu trước khi chúng học nói và viết nguệch ngoạc.

Các nhà tâm lý học nhận thức Moshe Bar và Maital Neta đã tiến hành một thí nghiệm: 140 người tham gia đã được xem 140 cặp chữ cái, mẫu và các vật dụng hàng ngày chỉ khác nhau ở độ cong. Kết quả cho thấy các vật hình cong cực kỳ được yêu thích.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto cũng phát hiện: Những người tham gia cảm thấy rằng không gian làm bằng đường cong đẹp hơn không gian được tạo bằng đường thẳng.

Nhà tâm lý học John N. Bassili cũng phát hiện, khuôn mặt hạnh phúc giống hình tròn lớn, trong khi khuôn mặt giận dữ giống hình tam giác ngược.

Sự phân đôi giữa khuôn mặt tròn hạnh phúc và khuôn mặt giận dữ hình tam giác ngược bắt nguồn từ 2 nhu cầu nguyên thủy của con người: Chúng ta cần đọc các biểu hiện trên khuôn mặt của đồng loại và chúng ta cần phát hiện ra các mối đe dọa càng nhanh càng tốt.

Vì vậy con người thường thích những hình dạng và đồ vật tạo cảm giác an toàn và do đó thích những đường cong hơn.

Hình tròn là hiện thân của tất cả những phẩm chất thu hút chúng ta: Nó là một hình dạng an toàn, nhẹ nhàng, dễ chịu, thanh lịch, mơ mộng, đẹp đẽ, mang lại sự tĩnh lặng và thư thái.

Âm nhạc có thể giúp bạn thông minh hơn không?

Để giải đáp vấn đề này, các nhà khoa học đã tiến hành rất nhiều cuộc thăm dò.

Tạp chí “Nature” đã công bố một nghiên cứu của Đại học California: Sinh viên đại học được mời nghe nhạc Mozart trong 10 phút trước khi làm bài kiểm tra IQ. Kết quả cho thấy so với việc không nghe nhạc, điểm IQ của sinh viên đại học đã tăng 8-9 điểm. Đây chính là “hiệu ứng Mozart”.

Bí ẩn của “hiệu ứng Mozart” nằm ở âm nhạc đơn giản, dễ hiểu và đặc biệt chính là một giai điệu duy nhất nhưng được lặp lại nhiều lần.

Hình thức lặp đi lặp lại này trùng khớp với thời gian và độ dài của sóng não và các hoạt động nhất định trong hệ thần kinh trung ương, do đó làm tăng độ nhạy của não.

Nhưng hiệu ứng này thực sự chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ngay sau khi bạn ngừng nghe nhạc, chỉ số IQ của bạn lại trở về mức ban đầu.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của “Nhóm chuyên gia kinh tế xã hội Đức” cho thấy: Đào tạo âm nhạc thực sự có thể cải thiện khả năng nhận thức và phi nhận thức của con người. Và hiệu quả nâng cao của chúng gấp đôi so với thể thao, kịch hoặc khiêu vũ.

Một nghiên cứu của Đại học Bang Kansas cũng cho thấy: Trẻ em được đào tạo âm nhạc chất lượng cao sẽ biểu diễn tốt và tập trung hơn, chúng sẽ rất cởi mở và có ý chí nỗ lực.

Trong bài kiểm tra, những học sinh này đạt điểm môn tiếng Anh cao hơn 22% và môn toán cao hơn 20%. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là luyện tập âm nhạc thực sự có thể tăng chỉ số IQ.

Nhiều nghiên cứu cũng đã phát hiện ra: Các nhạc sĩ thường có chỉ số IQ cao hơn người bình thường vì họ thường xuyên sử dụng toàn bộ bộ não để suy nghĩ và làm việc. Có thể thấy, mặc dù “hiệu ứng Mozart” chỉ cải thiện chỉ số IQ trong chốc lát, nhưng việc rèn luyện âm nhạc lâu dài quả thực có thể khiến con người trở nên thông minh hơn!

Làm thế nào để con người đánh giá đó là âm thanh ngẫu nhiên hay là âm nhạc?

ấn tượng đầu tiên về cái đẹp
Sự lặp lại trong âm nhạc có thể đưa chúng ta vào một “trạng thái tâm trí đặc biệt”. (Ảnh: NATALIA61/ Shutterstock)

Các nhà tâm lý học phát hiện ra: Sự lặp lại khuyến khích bộ não của chúng ta cảm nhận một tập hợp âm thanh cụ thể như âm nhạc. Chỉ cần lặp lại một cụm từ đã nói có thể thay đổi nhận thức của mọi người rằng đó là lời nói hay lời bài hát.

Các nhà nghiên cứu cho 58 người tham gia nghe lặp đi lặp lại 20 loại âm thanh xung quanh, và mỗi âm thanh được lặp lại một số lần khác nhau.

Sau khi nghe, những người tham gia đánh giá từng đoạn âm thanh trên thang điểm từ 1 (âm thanh giống hệt các kích thích xung quanh) đến 5 (âm thanh giống hệt âm nhạc).

Kết quả cho thấy: Càng nhiều lần âm thanh được lặp lại, những người tham gia càng cảm nhận được nó.

Sự lặp lại trong âm nhạc có thể đưa chúng ta vào một “trạng thái tâm trí đặc biệt”. Ở trạng thái này, chúng ta tập trung vào những thay đổi về cao độ và nhịp điệu trong âm thanh. Đó là lý do tại sao người ta sử dụng các nhịp điệu lặp đi lặp lại trong các bài hát để tạo ấn tượng sâu sắc hơn cho người nghe.