“Đây mới là hoa hậu của các hoa hậu. Đừng chỉ nhìn mà hãy nghe cô ấy nói và theo dõi những gì cô ấy làm. Chả cần vương miện, với trí tuệ và bản lĩnh cô ấy sẽ là một nhà lãnh đạo tương lai” – Hoa hậu Lan Khuê.

Anastasia Lin - “Hoa hậu của các hoa hậu” - Kỳ cuối: "Không hận!"
Anastasia Lin trong bộ phim “Lưỡi dao rỉ máu” (Ảnh: Anastasia Lin, Facebook Video)

Bác sĩ: Cô từ bỏ tuyệt thực chưa?

Nữ tù nhân: Ông có vợ hay con gái không? Nếu họ bị đổi xử thế này ông sẽ cảm thấy ra sao? Ông làm bác sĩ là để làm việc này sao?

Bác sĩ: Sao cô phải khổ sở thế này?

Nhân viên an ninh: Hẳn là cô hận chúng tôi lắm.

Nữ tù nhân: Không hận.

Nữ tù nhân: Bởi vì các anh mới chính là nạn nhân thực sự. Các anh nghĩ rằng mình chỉ đang hoàn thành công việc mà thôi. Nhưng tương lai khi sự thật được phơi bày, và con cái các anh hỏi rằng: “Thời điểm Pháp Luân Công bị bức hại cha đã làm gì?”, thì các anh làm sao trả lời đây?

Đó là một trích đoạn trong bộ phim “Lưỡi dao rỉ máu” mà Anastasia Lin vào vai nữ diễn viên chính – một bà mẹ trẻ tập Pháp Luân Công phải đối mặt với nguy cơ bị mổ cướp nội tạng. Đây không chỉ đơn thuần là một trích đoạn khó khăn nhất trong phim, mà có lẽ nó cũng hàm chứa nguyên nhân khiến Lin bước lên diễn đàn quốc tế để nói về tội ác mổ cướp nội tạng sống do chính quyền Trung Quốc thực hiện.

Anastasia Lin tâm sự rằng, “bản thân tôi, con người thực của tôi, thấy ghê tởm những kẻ đang hành hạ tôi trong phim… nhưng câu chuyện này lại được viết dựa trên lời kể của một nhân chứng có thật”. Điều khiến cô chấn động chính là việc những con người đang ngày ngày phải đi giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, lại có đủ dũng khí và thiện niệm để tha thứ cho những kẻ tra tấn mình.

Anastasia Lin - “Hoa hậu của các hoa hậu” - Kỳ cuối: "Không hận!"
Một cảnh tra tấn trong phim “Lưỡi dao rỉ máu” (Ảnh: Anastasia Lin, Facebook Video)

Theo Lin, mặc dù biết rõ nguy cơ bị bắt, bị mổ cướp nội tạng, những người tập Pháp Luân Công vẫn “dám liều cả mạng sống của mình để lên tiếng thay những người đồng bào đang phải chịu đựng đau đớn” dưới một chính quyền đàn áp tự do tín ngưỡng. Chính vì thế, Lin đã muốn cất lên tiếng nói thay họ, bất chấp việc cô có thể bị từ chối tham dự cuộc thi Miss World, bất chấp việc cha cô ở Trung Quốc phải chịu sức ép cực lớn từ phía chính quyền.

Một vài ngày trước vòng chung kết Hoa hậu Thế giới 2016 được tổ chức vào ngày 18/12 vừa qua, cha của Anastasia Lin đã gửi cho cô một tin nhắn với vỏn vẹn một câu: “Cha không thể chịu nổi nữa”. Có vẻ như chính quyền Trung Quốc đã sử dụng cha Lin như một con tin để cô phải “biết cách giữ im lặng” trong suốt cuộc thi lần này.

Anastasia Lin - “Hoa hậu của các hoa hậu” - Kỳ cuối: "Không hận!"
(Ảnh: Anastasia Lin, Facebook Video)

Trước đó, chính quyền Trung Quốc cũng từng sử dụng những nhà tài trợ để gây sức ép lên tổ chức Hoa hậu Thế giới, buộc tổ chức này phải hủy quyền tham dự Miss World 2016 của Anastasia Lin. Tuy nhiên, trước áp lực của nhiều hãng truyền thông lớn như Wall Street Journal, New York Times, Washington Post, tổ chức Hoa hậu Thế giới đã tiếp tục để Lin tham dự.

Chủ đề Anastasia Lin lựa chọn là “Hãy chấm dứt mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm ở Trung Quốc”, một chủ đề phù hợp với tôn chỉ cuộc thi: “Sắc đẹp vì mục đích cao cả” (Beauty with a purpose).

Video thuyết minh dự thi Miss World 2016 của Anastasia Lin (phụ đề tiếng Việt):

Khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2016 hạ màn cũng là lúc Anastasia Lin bước vào một hành trình mới: “Hoa hậu mang sứ mệnh truyền bá cái đẹp. Còn gì đẹp hơn là làm từ thiện và cứu mạng con người? Tôi hy vọng mình có thể đóng góp được nhiều công sức hơn. Tôi sẽ đi khắp nơi trên thế giới để nói về tội ác mổ cướp nội tạng này.”

Anastasia Lin - “Hoa hậu của các hoa hậu” - Kỳ cuối: "Không hận!"
Anastasia Lin tại diễn đàn tự do Oslo (Ảnh: Anastasia Lin, Facebook Video)

Và để kết thúc loạt bài Chân dung Anastasia Lin – “Hoa cậu của các hoa hậu”, xin gửi tới độc giả lời kết trong bài diễn thuyết của cô tại diễn đàn tự do Oslo. Đó là lời nhắn nhủ trước những con người kiên định tín ngưỡng, đang dũng cảm đi giữa lằn ranh sống chết hàng ngày ở Trung Quốc:

“Chúng ta hãy cùng làm gì đó để xứng đáng với sự hy sinh và lòng dũng cảm của họ. Bạn không cần phải là diễn viên thì mới hiểu được tình cảnh của những con người ấy. Bạn không cần phải là diễn viên thì mới có thể chia sẻ câu chuyện của họ.”

Quang Minh

Xem thêm: