Ngày nay, các bà mối trong hôn nhân truyền thống được thay thế bằng những buổi hẹn hò trực tuyến, những sự kiện hẹn hò chớp nhoáng và thậm chí có hẳn những thị trường mai mối hôn nhân. Ở Trung Hoa cổ xưa, cha mẹ sẽ là người đi tìm người bạn đời phù hợp và môn đăng hậu đối cho con gái hoặc con trai của họ. Và thường sẽ có một bà mối làm trung gian – ví như bà mối trong truyện cổ “Hoa Mộc Lan” vậy.

thệ ước hôn nhân
(Ảnh minh họa: Zhaozan/Shutterstock)

Khổng Tử, một nhà tư tưởng danh tiếng trong lịch sử Trung Hoa, đã nói rất nhiều về hôn nhân truyền thống. Hệ tư tưởng Nho giáo ở Trung Quốc cổ đại cho rằng vai trò của người chồng và người vợ nên bổ sung cho nhau – như âm dương vậy.

Trong văn hóa Trung Hoa, hôn nhân được coi trọng và tôn vinh ngay từ thuở đầu tiên, văn hóa truyền thống của đất nước này mong muốn các cặp đôi “cưới trước yêu sau”, với hy vọng hai người sẽ dần dần tìm hiểu nhau sau khi kết hôn.

Quá trình mai mối theo phong cách truyền thống bắt đầu với nhiều cuộc trao đổi về gia thế của cha mẹ cô dâu và chú rể cũng như mối quan hệ xã hội giữa hai gia đình. Họ tin vào quan điểm “Môn đăng hậu đối”. Tuy vậy, tất cả quá trình này diễn ra mà không có bất kỳ ý kiến đóng góp nào từ phía cô dâu và chú rể tương lai.

Các bậc phụ huynh, những người hiểu rõ nhất bản tính của cặp đôi, cùng những điểm mạnh và điểm yếu của họ, đã quyết định điều gì là tốt nhất cho họ khi tiến tới hôn nhân.

Câu chuyện dân gian sau đây từ thời nhà Thanh mô tả cách người xưa tuân thủ một thệ ước hôn nhân – điều này thể hiện đức tính của một người – và bản chất tốt đẹp mới thực sự là quan trọng chứ không phải hình dáng bên ngoài của một người nào đó.

Chàng trai tốt bụng tài giỏi tên là Han Yunmen với tiền đồ rộng mở có hôn ước với một cô gái họ Tề. Tuy nhiên, không lâu sau khi hai bên gia đình hứa hôn thì cô gái bị mù cả hai mắt. Cha mẹ cô gái nói: “Han Yunmen rất thông minh và có năng lực. Để cháu nó phải lấy một cô gái mù thì không được hợp lý cho lắm”. Cha mẹ của cô gái cũng chấp nhận chăm sóc con mình cả đời. Nghe vậy, ngay cả cha mẹ của chàng trai trẻ cũng đồng ý hủy hôn.

Tuy nhiên, Han Yunmen tin rằng “hôn ước là điều mà người ta nên tôn trọng và tuân thủ suốt cuộc đời của mình“. Quan niệm đúng đắn và sự chính trực đã định hướng cho quyết định của chàng trai trẻ. Anh vẫn cưới cô gái theo phong tục thời bấy giờ.

Theo phong tục, gia đình cô gái phải tặng con một của hồi môn. Vì vậy, nhà họ Tề đã cử một cô hầu gái xinh đẹp làm của hồi môn. Thấy vậy, chú rể buồn bã từ chối món quà. “Rất khó để con người kiềm chế được ham muốn của mình. Con không muốn cô hầu gái này ở trong nhà để vợ chồng con có thể sống hòa thuận với nhau”, Han Yunmen giải thích.

Những năm sau đó, Han Yunmen và vợ mình hết mực ân cần chăm sóc cho nhau và càng ngày càng hiểu nhau, họ sống một đời hạnh phúc và hòa thuận. Han Yunmen được thượng cấp tin tưởng và giao cho chức quan cao nhất phụ trách giáo dục trong tỉnh nhà. Đôi phu phụ này nổi tiếng khắp vùng vì tình cảm chung thủy son sắt và trở thành kiểu mẫu cho các cặp vợ chồng khác.

Đáng buồn thay cho người Trung Quốc ngày nay, chế độ cộng sản từ những năm 1950 đã cấm các cuộc hôn nhân sắp đặt truyền thống. Thay vì các cặp đôi tìm kiếm sự chấp thuận của cha mẹ, giờ đây họ cần sự cho phép của ĐCSTQ để kết hôn. Các luật mới “đã loại bỏ việc lấy vợ lẽ, sính lễ và sắp đặt hôn nhân… Các chiến dịch tuyên truyền được triển khai nhằm khuyến khích tự do hôn nhân”, và giờ đây việc ly hôn là hợp pháp – điều này làm suy yếu nghiêm trọng mô hình gia đình truyền thống Trung Quốc, khiến nó không thể tiếp tục đóng vai trò là một quyền lực độc lập trong xã hội.

Tuy nhiên, ngày nay, một số bậc cha mẹ Trung Quốc đang quay lại con đường cũ – cố gắng sắp xếp hôn nhân cho con. Các “chợ hôn nhân” mọc lên ở Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi các bậc phụ huynh tập trung ở các công viên địa phương vào mỗi cuối tuần để trưng bày thông tin cá nhân của con cái họ trên một dãy ô đầy màu sắc với hy vọng tìm được cho con tình yêu và một người bạn đời lý tưởng. Thông tin chi tiết về vị trí công việc, mức lương và quyền sở hữu nhà được đưa ra cho tất cả mọi người xem.

cho hon nhan
(Ảnh qua Sohu)

Dưới tiêu chuẩn đạo đức cao trong xã hội truyền thống, đã có nhiều cuộc hôn nhân được sắp đặt thành công trong lịch sử Trung Quốc. Như Khổng Tử từng nói: “Cái gì cũng có cái đẹp, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy được”. Không phải lúc nào số phận cũng có những kết thúc có hậu cho chúng ta, nếu chúng ta cứ hướng ngoại mà tìm kiếm hạnh phúc. Chỉ những cặp vợ chồng sắp tổ chức kỷ niệm đám cưới vàng mới biết bí mật của một cuộc hôn nhân hạnh phúc – vì vậy, xét cho cùng thì sự tham gia của cha mẹ vào văn hóa hôn nhân có thể không phải là một điều xấu.

Theo The Epoch Times
Mai Huyền biên dịch

Xem thêm: