Bài viết của một bà mẹ Trung Quốc

Từ trước đến nay, tuy con tôi lớn lên ở Nhật, nhưng tôi chưa từng hiểu được vì sao mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình ở Nhật lại mật thiết như vậy, họ xem việc giáo dục thường ngày cũng quan trọng như điểm số.

Cho đến một ngày tôi đi dự cuộc họp phụ huynh cho con trai và được nghe một cựu hiệu trưởng 80 tuổi kể về câu chuyện trưởng thành của một doanh nhân nổi tiếng ở Nhật, từ đó tôi mới hiểu ra.

Câu chuyện mà vị hiệu trưởng kể xảy ra sau Thế chiến thứ II đã giúp mọi người thấy được cách giáo dục con cái trong gia đình truyền thống của nước Nhật trước đây một cách rất sinh động. Người mẹ trong câu chuyện rất hiền từ, dịu dàng, lý trí, kiên quyết, gánh vác trách nhiệm một cách không hề oán hận và âm thầm hy sinh đã khiến tất cả các phụ huynh có mặt ở đó cảm động sâu sắc, khiến chúng tôi vô cùng hoài niệm và khát khao. Có lẽ Trung Quốc của ngày xưa cũng như thế chăng?!!!

Đứa trẻ quấy khóc đòi mua bánh

Cựu hiệu trưởng kể rằng kinh tế của Nhật sau Thế Chiến thứ II vô cùng khó khăn, đa phần các gia đình đều rất nghèo, được ăn no đã là rất tốt rồi, nếu không phải ngày lễ tết thì bàn cơm ở nhà hiếm khi có thịt, câu chuyện này đã xảy ra trong bối cảnh như thế. Được biết đây là câu chuyện mà Giám đốc công ty tư vấn Seijirō từng trải qua khi còn bé. Hành động bất ngờ của người mẹ đã ảnh hưởng đến cả đời ông.

Vào một ngày nghỉ hè năm lớp 4, mẹ ông Seijirō đưa ông đi mua đồ, khi sắp về nhà, ông nghe thấy có tiếng người ta đang chiên bánh trong cửa tiệm, mùi thịt thơm bốc ra ngoài hấp dẫn lắm, ông không tự chủ được nên dã dừng bước. Ở trong lớp ông đã nghe bạn nói là ở ngoài đường có bán bánh rán, mọi người hình như đều từng ăn rồi, chỉ có mình là chưa ăn, khi đó ông cảm thấy rất xấu hổ, ba bữa ăn một ngày ở nhà chỉ có rau muối ăn với cơm, vì vậy ông rất buồn, rất mất thể diện.

Thế nên ông lớn tiếng gọi mẹ, nói rằng mình muốn ăn bánh rán, nhất quyết đòi mẹ mua. Mẹ ông dịu dàng nói nhà mình không có điều kiện, nếu thật sự mua về thì sẽ bị bố mắng. Dù vậy lúc đó ông lại oán thán với mẹ rằng các bạn trong lớp đều ăn rồi, chỉ có mình con là chưa từng ăn, dù chỉ thử một lần thôi cũng được, nhất định bắt mẹ mua về.

Bánh rán ở đây là loại bánh làm bằng thịt bò và khoai tây, món này ở Nhật ngày nay là món rất phổ thông, ai cũng dễ dàng mua được, ăn mỗi ngày cũng không cảm thấy có gì là xa xỉ, nhưng Nhật Bản trong giai đoạn sau Thế Chiến II thì ăn loại bánh này là rất xa xỉ. Vì vậy các gia đình bình thường không ăn nổi, sẽ không tùy tiện mua về ăn.

Nhưng khi người mẹ nghe con trai than thở, bà nhìn con một lúc lâu rồi như thể đã hạ quyết tâm rất lớn, bà lại vô cùng kiên định nói: “Con thật sự rất muốn ăn đúng không, vậy được rồi”. Thế là bà không hề do dự bước đến cửa tiệm mua 6 cái bánh.

Bài học về chiếc bánh nhân thịt ngày bé của một doanh nhân Nhật
(Ảnh minh họa/Internet)

Lời trách mắng của người bố và sự nhẫn nhịn của người mẹ

Quả nhiên sau khi bố về nhà, nhìn thấy trên bàn ngoài những món rau muối thường ngày ra lại còn có thêm một đĩa bánh rán, ông lập tức nổi trận lôi đình với vợ: “Sao lại tiêu tiền như vậy chứ, chẳng nghĩ gì đến hậu quả…” Lúc này cậu con trai mới biết việc này lại đáng sợ như thế, rất lo mẹ sẽ nói ra sự thật, như vậy thì sự phẫn nộ và trừng phạt đáng sợ của bố sẽ nhằm vào mình.

Bất ngờ là việc đó không hề xảy ra, mẹ chỉ âm thầm chịu đựng bị bố quở trách, không hề phản bác lại một câu nào, cũng không tỏ ra oan ức, chỉ yên lặng nghe, mắt nhìn đầu gối, không hề nói một lời nào, rất bình tĩnh.

Hiển nhiên là ngay khi quyết định mua, mẹ ông đã biết sẽ có hậu quả này, mẹ cũng biết rằng đây là quyết định của bản thân, chưa bàn với chồng mà đã tự mình quyết, bị trách mắng cũng phải, mẹ không hề có bất cứ lời bào chữa vô ích nào, mẹ đã quyết định thì sẽ phải chịu trách nhiệm với hậu quả, không oán được bất cứ ai, đồng thời cũng tôn trọng địa vị và sự tôn nghiêm của chồng trong gia đình, đây chính là thái độ của mẹ khi quyết định và chịu toàn bộ trách nhiệm. Mẹ ông đã gánh toàn bộ hậu quả vì con mà không hề oán thán.

7 người vì sao chỉ có 6 cái bánh?

Thế nhưng điều gây xúc động đến rơi nước mắt lại xảy ra sau đó, điều này đã chứng minh tình yêu thương không vị kỷ của người vợ và đã khiến người bố đang tức giận cảm động.

Khi người bố đang tức giận trách mắng mẹ thì đột nhiên ông nhận ra trong đĩa chỉ có 6 cái bánh, bởi vì trong nhà có 5 đứa con, tổng cộng là có 7 người, điều này có nghĩa là người vợ không hề mua bánh cho mình, chỉ mua phần cho chồng và con. Tiếng la mắng bỗng im bặt, bố lặng lẽ chia bánh của mình làm đôi, chia cho mẹ một nửa, sau đó yên lặng ăn phần còn lại.

Điều này có nghĩa là bố đã đồng ý ăn rồi, không còn tức giận nữa, khi đó trong nhà chỉ khi bố ăn rồi, cả nhà mới được động đũa, thế nên dù không cần nói gì cả, mọi người đã hiểu động tác cho miếng bánh vào miệng của bố nghĩa là đã thông qua rồi, có thể ăn được rồi. Và rồi cả nhà yên tâm, vui vẻ ăn hết bữa tối vô cùng ngon miệng này.

Sau bữa cơm, mẹ nhìn con trai bằng ánh mắt tràn đầy tươi cười và nói với con, quá tốt rồi, ngon ăn lắm, không hề có một chút quở trách nào cả.

Một đời khắc ghi bài học không cần nói thành lời của mẹ

Từ đó cậu bé này đã ghi nhớ sâu sắc bài học về tình yêu thương không vị kỷ và cách chịu trách nhiệm không hề oán hận mà mẹ đã dạy, thái độ thừa nhận và chịu trách nhiệm của mẹ đã khắc ghi trong lòng cậu, mẹ đã cho cậu con trai một bài học đầy tình yêu thương mà không cần nói ra bằng lời.

Kể từ khi ấy, cậu đã hiểu rằng làm người không được tùy hứng, không được không màng đến hậu quả, một khi đã quyết định thì phải dũng cảm chịu trách nhiệm, không được trốn chạy, cũng không được tìm cớ để thoái thác, đổ lỗi cho người khác. Nhờ đó mà cả đời ông đã biết yêu thương không vị kỷ, biết chịu trách nhiệm và không oán thán người khác.

Sự kiên nghị cùng sự âm thầm chịu đựng của người mẹ đã khiến ông khắc ghi suốt đời và tạo nên sự thành công của ông sau này.

Nghe xong câu chuyện này tôi mới hiểu thì ra những bài học từ tấm gương của bố mẹ trong cuộc sống hàng ngày lại chính là nhân tố thiết yếu cho sự thành công của con trẻ.

Cựu hiệu trưởng nói với các phụ huynh rằng giáo dục trong gia đình và giáo dục ở nhà trường giống như hai bánh của một chiếc xe vậy, nghiêng sang bên nào đều sẽ dẫn đến việc xe mất cân bằng, con đường mà chiếc xe đi giống như đời người, sự trưởng thành của con trẻ cần có sự giáo dục toàn diện của cả nhà trường và gia đình, chỉ có như vậy thì chiếc xe cuộc đời này mới lướt đi an toàn, vững vàng trên con đường đời phía trước. Nếu không sẽ xảy ra rất nhiều sự cố, hoặc nghiêm trọng thì sẽ gây lật xe giữa đường.

Cuối cùng tôi đã hiểu được vì sao Nhật Bản lại xem trọng việc giáo dục trong cuộc sống hàng ngày, dạy cách làm người như thế rồi!

Theo Epochtimes
Ngọc Trúc biên dịch

Xem thêm: