Hồ Baikal nằm ở phía Nam Siberia của nước Nga – đây là hồ nước ngọt sâu nhất, trong nhất và có lượng nước nhiều nhất thế giới. Vào mùa đông, mặt hồ Baikal không chỉ đóng băng tạo thành một tấm gương sáng loáng, mà còn xuất hiện một cảnh tượng hiếm thấy được gọi là “Baikal Zen”.

“Baikal Zen” là một hiện tượng tự nhiên khi những viên đá cuội nằm thăng bằng trên những trụ băng rất nhỏ trên mặt hồ đóng băng. Những viên đá cuội này chỉ cách mặt hồ vài cm, trông có vẻ lung lay dễ đổ nhưng lại không rơi xuống. 

Baikal Zen 2
(Ảnh: Maria Mosyagina/Shutterstock)

Hiện tượng này trông như nhân tạo nhưng lại hoàn toàn tự nhiên, chỉ xảy ra ở hồ Baikal vào mùa đông trong một số điều kiện nhất định. Hiện vẫn chưa rõ hiện tượng này liệu có xảy ra ở các hồ khác hay không.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu hiện tượng hiếm gặp này nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa thể tìm được lời giải thích nhận được sự đồng tình thống nhất của mọi người.

Có người cho rằng “Baikal Zen” xảy ra là vì những viên đá cuội nằm trên mặt hồ đóng băng chịu sức nóng do ánh mặt trời chiếu xuống, khiến cho lớp băng bên dưới bắt đầu tan ra.

Tuy nhiên, nhiệt lượng không phải là nguyên nhân duy nhất tạo nên hiện tượng này. Nếu vì lý do này thì lớp băng bên dưới những viên đá cuội sẽ tan đều chứ không để sót lại trụ băng nhỏ giữ cho viên đá thăng bằng.

Baikal Zen 1
(Ảnh: Astashkina Zhanna/Shutterstock)

Những cơn gió lớn đôi khi xuất hiện ở hồ Baikal có lẽ cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong hiện tượng hiếm thấy này, vì gió ngăn không cho trụ băng tan. Khi phần lớn băng bên dưới những viên đá cuội đều tan và hình thành mặt lõm thì trụ băng ở trung tâm vẫn còn sót lại để giữ cho viên đá thăng bằng.

Vì sao lại có những viên đá cuội xuất hiện trên mặt hồ? Một nhiếp ảnh gia người Nga từng chụp ảnh “Baikal Zen” ở hồ Baikal cho biết, những viên đá cuội bị gió thổi bay xuống mặt hồ đóng băng và cuối cùng bị đóng băng ở vị trí mà chúng rơi xuống.

Thanh Trúc

Xem thêm: