“Nhân vô thập toàn”, lại cũng có người nói “Thất bại là mẹ thành công”. Hy vọng câu chuyện thú vị sau đây sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về hai câu danh ngôn kể trên.

Quá trình tìm kiếm công việc đòi hỏi chúng ta phải có một bản CV (hay sơ yếu lý lịch) hoàn hảo, có vô số những bài hướng dẫn viết CV trên mạng cam đoan sẽ giúp hồ sơ của chúng ta lọt được vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng.

Nhưng có một điều chúng ta không bao giờ dám đưa vào trong CV, đó chính là những thất bại của mình. Thế nhưng đây lại là điều một vị giáo sư đáng kính của trường Đại học Princeton trứ danh đã làm, và ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu đã thể hiện thái độ tích cực, cho rằng chúng ta đều nên cởi mở hơn với vấn đề này.

Vị giáo sư về tâm lý học và quan hệ công chúng Johannes Haushofer đã viết bản “CV Toàn Thất Bại” vài năm trước đây cho sinh viên của mình. Và rồi đến tháng 4 năm 2016, ông quyết định đưa tài liệu này lên mạng với hy vọng có thể khiến nhiều độc giả hơn nhận ra rằng chúng ta đều phải nếm trải thất bại trên con đường đến với thành công.

CV toàn thất bại của giáo sư đại học
Dr. Johannes Haushofer (Ảnh: buchman)

Trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, bản CV đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Tài liệu mà chúng ta sắp được xem sau đây ghi chép lại tỉ mỉ các lá thư từ chối, các lần xin học bổng thất bại, các chương trình học không được chấp nhận và những lần xin việc thất bại mà ông ấy đã phải trải qua từ cuối những năm 1990 cho đến khi đạt được những gì ông đang có ngày hôm nay.

Thất bại cuối cùng trong danh sách “toàn thất bại” này lại hết sức thú vị:

JOHANNES HAUSHOFER

CV Toàn Thất Bại

Hầu hết những cố gắng của tôi đều thất bại, nhưng những thất bại này thường vô hình, còn những điều thành công lại hữu hình. Tôi đã nhận ra rằng điều này đôi khi cho người khác ấn tượng rằng hầu hết mọi thứ tôi làm đều thành công. Chính vì vậy, họ có thể đã tự trách móc bản thân mình mỗi khi nhận lấy thất bại, thay vì hiểu rằng thế giới này tràn ngập những điều ngẫu nhiên, ai trúng ai trượt chẳng thể đoán định được, hoặc giả những người trong ban giám khảo hoặc các vị trọng tài đang khó ở trong người một ngày nào đó. Vì lẽ đó, bản CV Toàn Thất Bại này được viết ra để mọi người thấy rằng lý lịch của tôi cũng không hoàn hảo như tưởng tượng, đồng thời cũng để gợi mở một cách nhìn mới.

Ý tưởng này không phải của tôi, mà là từ một bài báo tuyệt vời trên tạp chí Nature của Melanie I. Stefan, Giảng viên tại Trường Y Sinh học tại Đại học Edinburgh. Bạn có thể tìm đọc bài viết gốc và các xuất bản trên trang web của bà, cũng như theo dõi bà trên địa chỉ Twitter @MelenielStefan.

Tôi cũng không phải là học giả đầu tiên cho đăng CV Toàn Thất Bại của mình. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều các ví dụ sớm hơn ở trên mạng.

Bản CV này thực ra vẫn chưa hoàn thiện – nó được viết ra từ ký ức của tôi và có thể thiếu rất nhiều chi tiết. Vậy nên nếu nó ngắn hơn CV Toàn Thất Bại của bạn, thì đó có thể là vì bạn có trí nhớ tốt hơn, hoặc bạn kiên trì cố gắng hơn tôi.

Các chương trình học tôi đã không được tham gia

2008 Chương trình Tiến sĩ Kinh tế, Trường Kinh tế Stockholm

2003 Chương trình Cử nhân Y khoa, Đại học Cambridge

Chương trình Cử nhân Y khoa, UCL

Chương trình Tiến sỹ Tâm lý, Đại học Harvard

Chương trình Tiến sỹ Thần kinh học và Tâm lý, Đại học Standford

1999 Chương trình Cử nhân Quan hệ Quốc tế, Trường Kinh tế London

Các vị trí công việc tôi đã không được nhận

2014 Giáo sư Trợ giảng tại Trường Harvard Kennedy

Giáo sư Trợ giảng tại Trường Kinh tế Nông Nghiệp và Nguồn lực Berkeley

Giáo sư Trợ giảng ngành Khoa học Trí Tuệ và Nhận thức MIT

Danh sách này chỉ bao gồm những trường nơi tôi đã được gọi phỏng vấn vào vòng trong; danh sách những nơi tôi đã phỏng vấn vòng đầu nhưng không được mời vào vòng sau và những nơi tôi không được mời phỏng vấn ngay từ đầu là rất dài và tôi sẽ viết nó ra khi có cơ hội. Danh sách này cũng cho thấy tôi đã không nộp đơn vào những trưởng điểm về kinh tế (như Harvard, MIT, Yale, Standford, Princeton, Chicago, Berkeley, LSE) vì một trong những người tư vấn cho tôi cảm thấy rằng họ không thể viết được một lá thư tham khảo đủ sức thuyết phục cho những trường thuộc tốp đầu kia.

Các giải thưởng và học bổng tôi đã không được nhận

2011 Giải thưởng Tiến sỹ về Mạng lưới Nghiên cứu quốc tế Thụy sĩ

2010 Viện sĩ, Đại học Harvard

Học bổng Viện Khoa học

Học bổng Nghiên cứu Đại học Zurich

2009 Học bổng sau Tiến sĩ Human Frontiers

2007 Giải thưởng Tinh thần-Trí tuệ-Hành vi (Đại học Harvard)

2006 Giải thưởng Tinh thần-Não bộ-Hành vi (Đại học Harvard)

2003 Học bổng Fulbright

Học bổng Haniel (Tổ chức Giá trị Quốc gia Đức)

Các bài viết đã không được đăng lên báo

2016 Tạp chí kinh tế Quý (Quarterly Journal of Economics – QJE), Kinh tế thực nghiệm

2005 Tạp chí kinh tế Mỹ (American Economic Review -AER) x2

2013 Tạp chí Viện Các ngành Khoa học Quốc gia (Proceedings of the National Academy of Sciences – PNAS), Kinh tế thực nghiệm, Khoa học, Thần kinh

2009 Tạp chí kinh tế Mỹ (American Economic Review -AER)

2008 Các tạp chí Khoa học, Thần kinh, Thần kinh học Tự nhiên, Tạp chí Khoa học thần kinh, Tạp chí Tầm nhìn

Các chương trình nghiên cứu tôi không được cấp vốn

2016 Chương trình nghiên cứu sức khỏe tinh thần MQ

2015 Chương trình nghiên cứu Russell Sage

2013 Chương trình nghiên cứu của Tổ chức Khoa học Quốc gia

2010 Chương trình nghiên cứu Đại học Zurich

Chương trình nghiên cứu Tổ chức Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ

2009 Chương trình Sáng kiến Tài chính

Chương trình Nghiên cứu Tổ chức Lao động Quốc tế

Chương trình Nghiên cứu 3ie

Thất bại của Thất bại

2016 Bản CV Toàn Thất Bại này còn thu hút được nhiều sự chú ý hơn cả toàn bộ công trình học thuật của tôi.

Chúng ta có thể cảm thấy lạ khi nghe nói những thất bại của ai đó lại còn nổi tiếng hơn cả thành công của họ, nhưng thực ra có một lý do hoàn toàn khoa học giải thích cho sự nổi tiếng của bản CV này.

Với những người mới bắt đầu bước đi trên con đường sự nghiệp, mặc dù chúng ta đều biết rõ những thất bại của bản thân mình, và có thể là cả thất bại của thân bằng hảo hữu, nhưng thật khó mà tưởng tượng được người mà chúng ta ngưỡng mộ lại cũng phải trải qua những điều tương tự.

1507885646.3892
(Ảnh: Unsplash)

Đây là một nhận thức sai lầm mà ông Haushofer đang cố gắng phá vỡ.

“Hầu hết những cố gắng của tôi đều thất bại, nhưng những thất bại này thường vô hình, còn những điều thành công lại hữu hình”, ông Haushofer nói với tờ Washington Post năm ngoái.

“Tôi đã nhận ra rằng điều này đôi khi cho người khác ấn tượng rằng hầu hết mọi thứ tôi làm đều thành công. Chính vì vậy, họ có thể đã tự trách móc bản thân mình mỗi khi nhận lấy thất bại, thay vì hiểu rằng thế giới này tràn ngập những điều ngẫu nhiên, ai trúng ai trượt chẳng thể đoán định được, hoặc giả những người trong ban giám khảo hoặc các vị trọng tài đang khó ở trong người một ngày nào đó…”

Haushofer không phải là học giả duy nhất có suy nghĩ này. Lúc đầu ông định viết bản CV Toàn Thất Bại của mình năm 2010 dựa trên cảm hứng từ một bài báo mà Melanie Stefan của trường Đại học Edinburgh công bố trên tạp chí Nature: Các bản CV toàn thất bại có thể giúp bạn nhận ra rằng thất bại chỉ là một phần của cuộc sống và không việc gì phải xấu hổ.

Melanie Stefan đã viết: “CV không phản ánh toàn bộ những cố gắng trên sự nghiệp học thuật của tôi – nó không đề cập đến những bài kiểm tra tôi đã rớt, những lần xin học bổng tiến sĩ bất thành, hay những bài báo không bao giờ được đăng. Tại những hội nghị, tôi chỉ nói về một dự án đã đơm hoa kết trái, chứ không nói về rất nhiều dự án khác đã thất bại.”

Nhưng việc nhận ra thất bại của người khác không chỉ giúp phá trừ nỗi xấu hổ bủa vây những thất bại và cơ hội chúng ta đã bỏ lỡ, mà còn tạo cảm hứng cho ta làm việc chăm chỉ hơn.

photo 1517048676732 d65bc937f952
(Ảnh: Unsplash)

Đầu năm nay, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Columbia đã chia hơn 400 sinh viên làm ba nhóm: nhóm thứ nhất được phát cho một tài liệu 800 từ nói về những thành công vĩ đại của Albert Einstein, Marie Curie và nhà điện hóa học Michael Faraday; một nhóm khác được kể cho nghe những trắc trở trong sự nghiệp của các nhà khoa học nói trên; còn nhóm thứ 3 được biết về những thất bại trên con đường học thuật và trong phòng thí nghiệm của họ.

Các sinh viên của nhóm thứ 2 và nhóm thứ 3, những người được học về thất bại của những người hùng khoa học trong mắt họ, cuối cùng đã thu được điểm số cao hơn những người chỉ được nghe về thành công.

Bec Crew đã báo cáo kết quả với chúng ta như sau:

Thay vì xem những khó khăn của một số bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại là bằng chứng cho thấy những người bình thường chẳng có chút cơ hội nào, vào thời điểm cuối của 6 tuần thử nghiệm, các sinh viên được học về những khó khăn trắc trở kể trên cuối cùng đã thể hiện tốt hơn nhiều nhóm chỉ được biết về những thành công của họ… Điều đáng ngạc nhiên là nhóm này thực ra đã học kém hơn so với trước khi tham gia vào thử nghiệm. ‘Những sinh viên chỉ được biết về thành tựu của các nhà khoa học đã học tập kém hơn. Họ tin rằng các nhà khoa học này bẩm sinh đã là thiên tài – còn họ thì không’, Anderson đã viết trên Quartz.

photo 1460518451285 97b6aa326961
(Ảnh: Unsplash)

Phải nói rõ một điều là không ai khuyến khích các bạn liệt kê những thất bại của mình vào trong bản CV xin việc lần tới – Haushofer chỉ viết bản CV Toàn Thất Bại của mình vì mục đích cá nhân và để truyền cảm hứng cho mọi người.

Nhưng ngày càng nhiều các tổ chức nghiên cứu đã đề xuất rằng chúng ta nên cởi mở hơn một chút với những thất bại, và việc hiểu rằng thậm chí những thần tượng học thuật cũng không hoàn hảo có thể sẽ giúp chúng ta rất nhiều trên con đường sự nghiệp của mình.

Theo Sciencealert
Quốc Hùng

Xem thêm: