“Bạn làm con đau chắc vì bạn thích con thôi” – Trong hành trình nuôi daỵ con, có phải bạn đã từng ít nhất một lần nói với con mình câu đấy, đặc biệt nếu bạn có con gái? Có phải bạn đã nghĩ khi con bị tổn thương, giải thích như thế với con sẽ làm con cảm thấy đỡ tủi thân hơn?

Chúng ta hãy cùng đọc câu chuyện sau.

Có một cô bé nọ rất thích cậu bạn trai ở gần nhà, lúc nào cô bé cũng muốn kết thân với cậu. Một hôm, cậu bé đẩy cô bé ngã từ trên ghế xuống, sau đó cười lớn và chạy đi, để lại cô bé nước mắt lã chã, vừa hoảng sợ vừa buồn. Ngay lúc đó, mẹ cô bé chạy ra bế con lên và nói: “À, chắc anh đẩy con vì anh thích con thôi!”

Ngày hôm sau, khi vừa ra khỏi nhà, cậu bạn đấy chạy qua trước mặt cô bé và gọi cô bé là đồ xấu xí. Mẹ lập tức giải thích: “Không  sao đâu con, anh nói thế chắc vì anh thích con thôi!”

Lúc đấy trái tim cô bé dường như không thể chịu nổi nữa. Cô bé không hiểu những gì mẹ nói.

“Có thật là cậu bạn đấy thích con không, bởi vì con không cảm thấy thế?”

“Tại sao thích một ai đấy đồng nghĩa với việc làm người ấy đau?”

“Đấy có phải cách mọi người thể hiện tình cảm và nhân danh tình yêu họ có thể tùy ý làm đau người khác?”

Khi cô học cấp ba, cô đã hẹn hò với những người đối xử với cô tệ nhất.

Sau khi đi làm, cô đã kết hôn với người đàn ông thiếu tôn trọng cô nhất trong số những người cô đã gặp gỡ.

Bởi vì cô nghĩ đó là tình yêu. Và tình yêu được thể hiện khi đối phương làm đau và xúc phạm mình.

Vấn đề: Nhận thức tính nghiêm trọng

Bạo lực khi hẹn hò ảnh hưởng đến phụ nữ bất kể tuổi tác của họ, mà đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương là nhóm thanh thiếu niên. Trong một nghiên cứu về học sinh lớp 8 và lớp 9, 25% cho biết họ từng là nạn nhân của bạo lực khi hẹn hò, trong đó có 8% tiết lộ bị lạm dụng tình dục.

Chúng ta có thể không ngờ những chuyện như thế có thể xảy ra, nhưng những thông điệp mà chúng ta gửi đến con cái về việc tôn trọng ranh giới và bảo vệ chính mình đã hình thành nên niềm tin và khuôn mẫu về các mối quan hệ xã hội trong ý thức của con cái chúng ta.

“Có thể vì anh thích con thôi” là những từ nguy hiểm dường như sinh ra để vô tình dung túng cho hành vi bắt nạt dưới lớp vỏ tình cảm. Điều cần được nhận thức rõ là: bạo lực, xúc phạm, quấy rối và lạm dụng đều không được chấp nhận. Nếu không, con cái chúng ta khi trở thành nạn nhân, chúng sẽ chỉ có thể nghĩ: hoặc là bị đối xử như thế này cũng không có gì sai, hoặc là mình đáng bị đối xử như thế.

Dần dần, chúng coi việc bạo lực là chuyện đương nhiên, cho tới khi trưởng thành và kết hôn. Tai hại hơn, chúng có thể giáo dục con cái bằng cách tương tự.

girl 2096998 960 720
(Ảnh: Pixabay)

Giải pháp: Vậy cha mẹ nên nói gì với trẻ?

Dưới đây là những gì phụ huynh nên nhấn mạnh với trẻ.

  • Có giới hạn là chuyện tốt

Trẻ cần có quyền từ chối và nói “Không”. Khi cha mẹ muốn con ôm hôn một người họ hàng, nếu con không muốn, hãy tôn trọng con. Khi cù con làm con cười như nắc nẻ, và bỗng nhiên con bảo không thích nữa, hãy dừng lại. Đấy là những ví dụ đơn giản cho việc giúp con hình thành ranh giới giữa mình và người khác. Biết mình muốn hoặc không muốn gì, hay nói cách khác, là biết từ chối, là một kỹ năng quan trọng cho con khi bước vào đời, thay vì luôn lệ thuộc và nghe theo người khác.

  • Con có thể tránh xa những người làm con đau

Nói với con rằng cho dù là trẻ con hay người lớn, cũng đều có những người mà mình không thích, và việc biết rằng mình có thể không cần phải kết bạn và ở bên với những người làm mình bị tổn thương là chuyện bình thường.

  • Không đồng ý cũng không sao

Vấn đề này tương tự với dạy con quyền từ chối và thiết lập ranh giới. Ở đây muốn nhấn mạnh về việc con biết khi nào thì mình thực sự đồng ý với việc gì đấy, và biết cách thể hiện chúng ra. Trẻ con có bản năng rất mạnh, chúng rất nhạy cảm và thường xuyên lắng nghe cảm giác của mình về việc đang xảy ra. Cũng như người lớn, khi bị theo dõi, hay khi bị trêu ghẹo, họ sẽ cảm thấy trong người rất khó chịu.

Đồng ý không phải là khi đối phương mỉm cười, cho kẹo, dẫn đi chơi thì con sẽ đồng ý.

Đồng ý không phải từ “Có” đầy rụt rè và thiếu tự tin.

Đồng ý nên là khi con thực sự muốn thế.

Lời kết

Hành trình làm cha mẹ luôn có nhiều thử thách và những điều mới lạ phải học hỏi. Yêu thương và bảo vệ con chính là bản năng của các bậc phụ huynh, nhưng đôi khi chúng ta không thể lường trước được lợi ích hay tác hại của những gì ta nói với con khi chúng còn bé. Mong rằng bài viết này sẽ góp phần chấm dứt tình trạng lạm dụng và tăng nhận thức về tôn trọng quyền tự chủ của trẻ, để con cái chúng ta có thể lớn lên và trở thành những công dân hạnh phúc và tự tin.

children 1720484 960 720
(Ảnh: Pixabay)

Thùy An