Các nhà khoa học cho biết, cuộc sống hạnh phúc được tạo nên từ nhiều trải nghiệm tích cực với tần suất cao. Một trong số đó chính là việc trò chuyện với những người lạ mà chúng ta bắt gặp mỗi ngày. Điều này có thể giúp tâm trạng của bạn được cải thiện đáng kể.

noi chuyen voi nguoi la image
(Ảnh: Shutterstock)

Hãy thử hình dung bạn bước vào thang máy, cánh cửa đóng lại sau lưng. Khi thang bắt đầu di chuyển, bạn nhận ra trong đó chỉ có mình cùng một người lạ. Bạn sẽ làm gì trong tình huống này? Nhìn xuống phía chân mình, lấy điện thoại ra nghịch, giao tiếp bằng mắt hay bắt chuyện với người đó?

Nếu câu trả lời của bạn là sử dụng điện thoại di động, chọn tập trung vào thế giới số, bạn có lẽ cũng giống như đa số cư dân thành thị khác.

Nhiều người trong chúng ta thường có xu hướng né tránh trò chuyện, thậm chí tránh nhìn vào mắt người lạ. Cách dễ nhất để thực hiện điều này chính là cứ dán mắt vào điện thoại thông minh. Một nghiên cứu gần đây cho thấy điện thoại thậm chí có thể ngăn chúng ta mỉm cười với mọi người ở nơi công cộng.

Lợi ích của việc bắt chuyện với người lạ

Một số các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chúng ta sẽ bớt hạnh phúc nếu không được giao tiếp với mọi người xung quanh.

Vài năm trước, nhà tâm lý học Elizabeth Dunn tại Trường Đại học British Columbia (Canada) và đồng nghiệp Gillian M. Sandstrom đã tiến hành thử nghiệm để kiểm tra xem liệu các cuộc trò chuyện ngắn với người lạ có thể giúp cải thiện tâm trạng hay không. Họ yêu cầu những người tham gia chia làm hai nhóm và đến một quán cà phê đông khách để mua đồ uống, trong đó, một nhóm sẽ bắt chuyện với nhân viên thu ngân, nhóm còn lại thì không.

“Chúng tôi thấy rằng những người đến mua nước và trao đổi vài câu, đã rời Starbucks với tâm trạng tốt hơn; họ cũng cảm thấy sự gắn kết với cộng đồng nhiều hơn,” Dunn cho biết.

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng các cuộc gặp gỡ tình cờ với những người không thân thiết, như một người ở công viên hay nhân viên pha chế tại quán cà phê gần nhà, có thể giúp đem lại niềm vui mỗi ngày cho mỗi chúng ta.

>> Hãy trân quý giao tiếp truyền thống, công nghệ không thể truyền tải tất cả mọi thứ

Tuy nhiên, Hội chứng sợ xã hội (Social anxiety) có thể là nguyên nhân cản trở hình thức giao tiếp này, theo Nicholas Epley, nhà khoa học hành vi tại Trường Đại học Chicago (Hoa Kỳ).

Ngày nọ, khi đi trên tàu, ông đã phát hiện ra một nghịch lý: con người, một loài có tính xã hội, về cơ bản đang phớt lờ lẫn nhau. Tại sao? Ông tự hỏi bản thân mình, nếu việc giao tiếp với người khác làm cho con người trở nên hạnh phúc, vậy sao chúng ta lại hay né tránh?

Liệu người ta thích ngấu nghiến sự đơn độc hơn là nói chuyện với người lạ? Hay chúng ta đang để cho những giả định sai lệch trong đầu ngăn cản giao tiếp?

giao tiep image
(Ảnh: unsplash.com)

Một loạt các thử nghiệm đã chỉ ra rằng những hành khách đi tàu hay xe buýt đều cảm thấy vui vẻ hơn khi giao tiếp với những người khác, ngay cả khi họ tin rằng bản thân mình thích sự yên tĩnh hơn, ví dụ như ngồi đọc sách.

Họ thường lo sợ rằng người ngồi bên cạnh sẽ không thích nói chuyện với mình, từ đó khiến họ giữ khoảng cách, Epley cho biết. Tuy nhiên, trên thực tế, giao tiếp với người lạ lại thú vị và không khó khăn như chúng ta vẫn tưởng tượng.

Nếu việc bắt chuyện người lạ nghe có vẻ khó khăn, bạn có thể sẽ bớt căng thẳng khi biết rằng giao tiếp bằng mắt cũng mang lại lợi ích.

Không ai thích cảm giác vô hình trong mắt người khác. Người Đức thậm chí còn có cụm từ để mô tả cho việc này, gọi là “wie Luft Behandeln.” (tạm dịch: “như nhìn thấy không khí”)

>> 10 điều trong giao tiếp giúp bạn lập tức gây thiện cảm

Kipling Williams, nhà tâm lý học tại Đại học Purdue (Hoa Kỳ), đã nghiên cứu về cảm nhận của con người nói chung khi có một phụ nữ trẻ đi ngang qua trước mặt và có một trong các biểu hiện sau: giao tiếp bằng mắt, giao tiếp bằng mắt và mỉm cười, hoặc hoàn toàn phớt lờ. Ngay cả việc giao tiếp bằng mắt cũng tạo cho mọi người cảm giác hòa nhập và thân thuộc.

“Chỉ cần một cái nhìn thoáng qua, có thể không cần mỉm cười, cũng khiến chúng ta cảm thấy được kết nối với xã hội hơn”, Williams cho biết. Ngược lại, những người bị “nhìn như không thấy” cảm thấy bị xa lánh còn hơn nhóm đối chiếu.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể tránh được sự cô đơn và cảm thấy hạnh phúc hơn?

Điều này đơn giản hơn bạn nghĩ.

“Chúng ta không phải tốn nhiều công sức để thừa nhận sự tồn tại của ai đó,” Williams nói.

Bạn có thể bắt đầu trò chuyện với những người như nhân viên thu ngân trong cửa hàng tạp hóa, nhân viên pha chế tại quán cà phê gần nhà, Dunn cho hay. Dù sao thì bạn cũng phải tương tác với họ, vậy nên hãy cố gắng tạo ra một cuộc trò chuyện thân thiện.

Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại thông minh sẽ làm cho những người xung quanh cảm thấy bạn không muốn giao tiếp với họ. Vậy nên, hãy cất nó đi.

“Hạnh phúc cũng tựa như một chiếc lốp xe ô tô bị thủng vậy,” Epley ví von. “Chúng ta cần phải bơm lốp thường xuyên để giúp nó hoạt động tốt.”

Điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải giao tiếp với mọi người mọi lúc mọi nơi. Thay vào đó, Epley khuyên chúng ta nên chú ý hơn khi hoàn cảnh thúc giục chúng ta mở lời để khích lệ hoặc bắt đầu một cuộc trò chuyện với ai đó.

Tất nhiên, sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy ngại ngùng trong việc giao tiếp, nhưng hãy cố gắng vượt qua rào cản này bởi phần thưởng là rất xứng đáng.

Lần tới khi bạn bước vào thang máy, hãy cất điện thoại đi và giao tiếp với mọi người xung quanh, có thể chỉ cần nói “xin chào” hoặc “chào buổi sáng”. Hành động đơn giản này có thể giúp cho bạn và “người lạ” cảm thấy hạnh phúc hơn.

Theo NPR,
Phan Anh