Là một người sử dụng kính lâu năm, bạn có bao giờ nhận thấy rằng mắt kính thường bị mờ, cho dù có lau thế nào cũng không thể lau sạch? Khi kiểm tra kỹ hơn sẽ thấy rằng mặt kính có nhiều vết xước nhỏ. Vậy nguyên nhân là gì?

shutterstock 433855741
Hầu hết các loại khăn được cung cấp là để bọc kính khi chúng ta đặt chúng vào hộp, nhằm tránh kính va chạm với hộp, chứ không phải dùng để lau tròng kính. (Ảnh: akiyoko/ Shutterstock)

Có gì trên bề mặt của tròng kính?

Nếu muốn biết tại sao tròng kính bị trầy xước, trước tiên chúng ta cần hiểu bề mặt của tròng kính được tạo thành như thế nào.

Mặc dù tròng kính trông rất trong suốt nhưng thực tế trên bề mặt của nó lại có nhiều lớp phủ cho các mục đích khác nhau. Trong số các lớp phủ này, một số có thể cải thiện khả năng truyền ánh sáng của thấu kính; một số có thể làm cho thấu kính chống mài mòn tốt hơn và kéo dài tuổi thọ sử dụng, hoặc để dễ dàng giữ sạch và tương đối yên tâm hơn khi sử dụng.

Do đó, trên thực tế, những gì chúng ta lau hàng ngày không phải là bản thân tròng kính mà là các lớp phủ khác nhau được gắn trên bề mặt của chúng. Chúng dường như được tích hợp với tròng kính, cho nên một khi chúng ta lau không đúng cách hoặc chất lượng của lớp phủ hay bản thân tròng kính không tốt, thì những lớp phủ này có thể bị mòn, từ đó dẫn đến trầy xước, thậm chí là rơi ra. Cuối cùng khiến kính hoàn toàn không thể tiếp tục sử dụng được.

Như vậy dùng tròng kính không tráng phủ có tốt hơn không? Đối với tròng kính, dù có lớp phủ hay không thì đều có nguy cơ bị mài mòn và trầy xước. Hơn nữa không có lớp phủ thì khả năng quang học của tròng kính cũng bị giảm đi rất nhiều.

Vết trầy của mắt kính đến từ đâu?

shutterstock 2173041765
Mắt kính bị mờ là do chất lượng của mắt kính kém hay là lỗi trong quá trình sử dụng hàng ngày của bạn? (Ảnh: Nicoleta Ionescu/ Shutterstock)

Ngoại trừ việc để kính rơi xuống đất, thì phần lớn việc xuất hiện nhiều vết trầy xước là do thao tác lau kính.

Khi mọi người thấy rằng có bụi hoặc dầu trên tròng kính thì thường không nhận ra hầu hết đều là dầu trên lông mi, lớp biểu bì trên mặt, cát mịn trong không khí và vẩy tế bào chết trên đầu. Đặc biệt là cát sỏi mịn, tuy trông có vẻ nhỏ nhưng thực chất lại rất cứng đối với lớp phủ này của kính. Do đó, phương pháp làm sạch sai tương đương với việc tăng tốc độ mài mòn của tròng kính.

Các dụng cụ lau kính cũng có thể gây hỏng tròng kính

shutterstock 1623609622
Miếng vải này không thích hợp để lau kính, vì nó rất thô (Ảnh: eyepark/ Shutterstock)

Bạn có dùng mảnh vải được tặng kèm khi mua kính để lau kính không? Hầu hết các loại khăn lau kính được cung cấp là để bọc kính khi chúng ta đặt chúng vào hộp. Điều này nhằm tránh kính va chạm với hộp, chứ không phải dùng để lau tròng kính. Hơn nữa, nói chung, vải này không thích hợp để lau kính, vì nó rất thô.

Có thể nói, loại vải chuyên dụng để lau kính đều có giá thành khá cao. Nếu bạn muốn biết liệu miếng vải này có thể được sử dụng để lau mắt kính hay không, bạn có thể hỏi nhân viên bán hàng.

Tương tự như vậy, bạn nghĩ đến việc dùng áo phông vải cotton, góc áo sơ mi, khăn mặt và khăn lau miệng để lau kính. Có vẻ như chất lượng của chúng khá tốt, tuy nhiên tất cả đều không thích hợp để lau kính. Khi chúng ta phóng đại các sợi vải của những vật liệu này, sẽ thấy rằng chúng rất thô ráp và nếu chúng được sử dụng trực tiếp để lau kính, ngay cả khi không có bụi trên bề mặt tròng kính, thì lớp phủ này cũng sẽ bị trầy xước theo thời gian.

Mọi người thường sử dụng một miếng vải lau kính để chà mắt kính theo vòng tròn giống như lau đĩa vậy. Sau một vài vòng, mắt kính cũng không được lau sạch. Bụi và các hạt nhỏ cũng vô hình được chà xát trên bề mặt kính như một vòng đu quay, đồng thời khiến chúng tiếp xúc sâu với nhiều lớp phủ, từ đó để lại các vết trầy.

Sự tác động phổ biến này thường làm cho bề mặt của mắt kính bị mài mòn và gây trầy xước. Đồng thời, do lớp phủ bảo vệ ngoài cùng bị hỏng nên lớp phủ bên trong và thấu kính dễ bị hư hại hơn. Một vòng luẩn quẩn như vậy, càng chà càng mòn, càng mòn càng lau không sạch. Nó sẽ rút ngắn tuổi thọ của tròng kính và khi nhìn sẽ không còn rõ ràng nữa. 

Vệ sinh tròng kính đúng cách

Cách lau kính đúng cách thật ra rất đơn giản. Đầu tiên, rửa sạch bụi bám trên bề mặt kính bằng nước sạch, sau đó dùng khăn lau kính hoặc khăn giấy mềm do người bán cung cấp để hút ẩm trên bề mặt kính.

shutterstock 1963047463
Lau kính đúng cách là rửa sạch bụi bám trên bề mặt kính bằng nước sạch, sau đó dùng khăn lau kính hoặc khăn giấy mềm do người bán cung cấp để hút ẩm trên bề mặt kính. (Ảnh: Phattara Away/ Shutterstock)

Nếu lông mi của bạn rất dài và bạn luôn bị dính dầu ở mặt bên trong của tròng kính hoặc vô tình làm dầu dính vào tròng kính khi ăn uống, thì bạn có thể rửa sạch tròng kính hai lần bằng nước trước khi sử dụng chất tẩy rửa pha loãng. Hãy dùng tay tạo bọt và thoa thật nhẹ nhàng lên bề mặt thấu kính. Sau đó rửa lại và thấm khô bằng khăn lau kính hoặc khăn giấy. Hãy nhớ rằng chỉ thấm nhẹ nhàng chứ không xoay tròn mặt kính nhé!

Nếu bạn cảm thấy không thể nhớ các quy trình này, hoặc cảm thấy phiền phức để rửa kính, thì bạn có thể mua máy làm sạch siêu âm và để nó làm mọi việc cho bạn nếu có điều kiện. Tuy nhiên việc lau khô vẫn là bạn phải tự làm.

Một lựa chọn khác là sử dụng khăn lau mắt kính chuyên dụng. Loại khăn ướt này rất dễ mang theo, có chất liệu giấy mềm và đi kèm với chất tẩy rửa trung tính có thể làm tan vết dầu hiệu quả. Tương tự, nên xử lý bụi trên bề mặt thấu kính trước khi lau, chẳng hạn như thổi bay hoặc mang theo bình xịt, xịt trước rồi mới lau.

Ngoài ra, hãy nhớ lau khô kịp thời tròng kính,  gọng kính, bản lề gọng và miếng đệm mũi sau khi rửa, khi đổ mồ hôi hoặc sau khi đi mưa để tránh rỉ sét.

An Chi/ Theo guokr.com