Trẻ con thường thích cho mọi thứ vào miệng và nếm chúng. Đây hẳn là cách trẻ tự mình khám phá thế giới. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là trẻ có thể ăn phải những chất có hại cho cơ thể. Các bố mẹ có con nhỏ hãy lưu ý những điểm sau để bảo vệ bé yêu của mình nhé.

nuốt phải hạt hút ẩm
(Ảnh minh họa: Ole.CNX/ Shutterstock)

Cuộc sống bận rộn, bố mẹ không phải lúc nào cũng có theo sát con từng chút một, trong trường hợp không may trẻ cho một số chất độc hại vào miệng, sẽ rất nguy hiểm cho trẻ. Do đó, các bố mẹ cần trang bị sẵn một số kiến thức sơ cứu cho trẻ nhỏ.

Con gái của bạn tôi mới 2 tuổi rất hiếu động và thích khám phá mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, tình huống bất ngờ đã xảy ra khi cô bé vô tình ăn phải chất hút ẩm. Bố của bé đã rất hoảng sợ khi nhìn thấy điều này, anh vội vàng lấy điện thoại gọi cấp cứu, trong khi mẹ bé khá bình tĩnh mặc dù cũng đang rất lo lắng. Cô đã nhanh chóng dọn sạch chất hút ẩm vương vãi xung quanh, sau đó cho bé liên tục uống sữa. Đây chính là cách sơ cứu mà cô từng đọc được trên các trang báo.

Sau khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ đã yêu cầu mẹ đưa bé đi kiểm tra toàn diện, kết quả kiểm tra cho thấy cô bé không gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Cả gia đình và bác sĩ đều thở dài nhẹ nhõm. Trường hợp không có biện pháp xử lý kịp thời, nếu bị bỏng thực quản, trẻ có khả năng gặp nguy hiểm về tính mạng. 

Thường xuyên tìm hiểu các kiến thức nuôi dạy con thật sự rất hữu ích, điều này chẳng phải đã cứu được mạng sống của con của chúng ta sao?

1. Nên làm gì nếu trẻ vô tình nuốt phải chất hút ẩm?

Có 2 loại chất hút ẩm, gồm chất hút ẩm trong thực phẩm và chất hút ẩm Silica gel. Nếu là chất hút ẩm trong thực phẩm thì rất nguy hại. Sau khi trẻ vô tình nuốt phải chất hút ẩm, phản ứng đầu tiên của nhiều bậc cha mẹ là gây nôn cho trẻ.

Tuy nhiên, cách mà các bố mẹ thường lựa chọn lại là dùng que dài để gây nôn. Thực tế là phương pháp này không được khuyến khích vì có thể gây tổn thương đến thực quản của trẻ.

Nếu gặp tình huống này, các bố mẹ hãy nhanh chóng cho trẻ uống sữa. Sữa có thể gây nôn trớ, sữa cũng có thể ngăn chất hút ẩm gây bỏng thực quản của trẻ.

Nếu là hạt hút ẩm Silica gel thì các bố mẹ yên tâm nhé. Vì hạt hút ẩm Silica gel sẽ không bị tiêu hóa bởi dạ dày nên bố mẹ không phải quá lo lắng. Tuy nhiên, bạn cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm để được kiểm tra toàn diện.

2. Để ý góc bàn nhọn

Góc bàn trong nhà thường nhọn, nếu trẻ bị ngã vào góc bàn dạng này thì hậu quả sẽ rất tai hại. Nó có thể chỉ là trầy xước một chút da, cũng có thể chảy máu hoặc thậm chí còn có các hậu quả nghiêm trọng khác nữa. Nếu muốn tránh vấn đề này, bố mẹ có thể chọn một số bàn có các góc bo tròn.

Còn nếu ở nhà đã lắp đặt bàn có góc nhọn, bạn có thể mua một số vật dụng bọc các góc bàn lại nhé.

3. Ổ cắm điện

thiết bị sưởi
(Ảnh: Fotos32/ Shutterstock)

Ổ cắm có thể là thứ nguy hiểm nhất trong nhà. Trẻ nhỏ vốn chưa có nhiều hiểu biết rõ ràng về những vấn đề nguy hiểm này mà thậm chí còn tò mò, thích sờ chạm hoặc chọc ngón tay vào ổ cắm. 

Tuy nhiên, chúng ta đều biết tai nạn liên quan đến điện là khó lường trước được. Bạn nên che hoặc bọc ngoài ổ cắm điện, tốt nhất là đặt ổ cắm ở những nơi cao vượt quá tầm tay của trẻ. Như vậy bạn sẽ không còn phải lo lắng con mình sẽ lại nghịch ngợm thứ nguy hiểm này nữa.

4. An toàn trong nhà tắm

Đối với những đứa trẻ rất nhỏ thì mực nước 5cm cũng có thể khiến trẻ bị ngạt thở. Do vậy, bạn cần lưu ý không bao giờ để trẻ một mình với bồn tắm hoặc gần nơi có nước chỉ trong một vài phút để trả lời điện thoại hoặc đi tìm kiếm thứ gì đó. 

Các chai dầu gội, sữa tắm, đặc biệt là chất tẩy rửa nhà tắm…cần để lên chỗ cao, tránh để trẻ tò mò chạm tay hoặc nuốt vào bụng.

Bồn cầu cũng cần đóng nắp lại, ghế ngồi trong nhà tắm nên lựa chọn loại vững chắc, an toàn.

5. Nhiệt kế

nuốt phải hạt hút ẩm
(Ảnh: Kakteen/ Shutterstock)

Việc theo dõi thân nhiệt của trẻ là rất cần thiết. Do đó, nhiệt kế là vật dụng dường như không thể thiếu ở mỗi gia đình có con nhỏ. Loại nhiệt kế truyền thống được làm bằng thủy ngân, có thể đo nhiệt độ cơ thể một cách chính xác, độ chính xác cao hơn các loại súng đo nhiệt độ hiện nay.

Tuy nhiên, thủy ngân lại là một loại chất độc, nếu chẳng may để nhiệt kế rơi xuống đất, bố mẹ cần xử lý kịp thời và lưu ý không dùng tay chạm trực tiếp vào các mảnh vỡ của nhiệt kế.

Bạn cần đảm bảo rằng vệ sinh sạch sẽ xunh quanh chỗ nhiệt kế bị vỡ. Nếu bé sơ ý chạm vào thủy ngân còn sót trên sàn sẽ khiến bé có thể bị ngộ độc. Bạn cũng nhớ cất nhiệt kế đi sau khi sử dụng nhé.

Ngoài những mặt hàng nguy hiểm kể trên, thực tế trong nhà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như bếp gas, bình nước nóng… Đối với những vật dụng nguy hiểm này, bố mẹ cần để ở nơi cao, đảm bảo không cho bé chạm vào.

Khi ở nhà, bạn hãy cố gắng chú ý đến cử động của trẻ mọi lúc, suy cho cùng, con trẻ bé bỏng cần sự bảo vệ của cha mẹ.

Mộc Lan (t/h)