Cho đến thời điểm hiện tại, đây là bé gái sơ sinh nhỏ nhất thế giới được ghi nhận, chào đời khi mới được hơn 23 tuần thai, nặng 245 gram – kích thước chỉ bằng một quả táo lớn.

Em bé này có biệt danh “Saybie” (gia đình mong muốn được ẩn danh để bảo vệ sự riêng tư của họ), được sinh ra tại San Diego (Mỹ) vào tháng 12/2018, theo thông tin từ Bệnh viện Sharp Mary Birch Hospital for Women & Newborns – nơi em bé chào đời.

Hiện tại, sau 5 tháng chào đời, bé Saybie vẫn khỏe mạnh và được phép xuất viện với cân nặng 2,5 kg.

Bé Saybie được sinh mổ chỉ sau 23 tuần và 3 ngày thai sau khi mẹ em trải qua các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng.

“Đó là ngày đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi”, mẹ của Saybie nói trong đoạn video do bệnh viện phát hành. “Huyết áp của tôi rất, rất cao. Họ phải để con bé sinh ra thật nhanh. Tôi cứ nói với họ rằng con bé sẽ không qua khỏi, nó chỉ mới được 23 tuần tuổi.”

Gia đình được thông báo rằng họ có thể sẽ chỉ có 1 giờ ở bên Saybie trước khi cô bé chết. “Nhưng 1 giờ đó biến thành 2 giờ, biến thành 1 ngày, biến thành 1 tuần”, người mẹ nói.

Theo hồ sơ về những em bé sống sót nhỏ nhất của cơ quan Tiniest Babies Registry thuộc Đại học Iowa, cân nặng cực thấp khi mới sinh của Saybie còn nhẹ hơn 7 gram so với em bé giữ kỷ lục “em bé nhỏ nhất” trước đó được sinh ra ở Đức vào năm 2015. Vào tháng 2 năm nay, các bác sĩ báo cáo sự ra đời của bé trai sơ sinh nhỏ nhất chỉ nặng 268 gram được sinh ra tại Bệnh viện Đại học Keio.

May mắn thay, bé gái Saybie đã không phải trải qua hầu hết các vấn đề y tế nào gọi là “micropreemy” (những em bé sinh trước 28 tuần) có thể bao gồm chảy máu não và các vấn đề về phổi và tim.

“Chúng tôi đã làm mọi thứ tốt nhất có thể, còn sau đó thì thực sự phải phụ thuộc vào các em bé của chúng ta”, một y tá tại bênh viện cho biết, “Một số em bé thực sự có sức mạnh để vượt qua những gì mà chúng phải trải qua và phát triển bên ngoài tử cung.”

Bệnh viện này cũng chuyên chăm sóc các em bé sinh trước 28 tuần tuổi, tuy nhiên, các em bé này có thể phải đối mặt với những thách thức khi chúng lớn lên, bao gồm các vấn đề về thị lực, kỹ năng vận động tinh và khuyết tật học tập.

Trong vài năm tới, bé Saybie cần thường xuyên đến bệnh viện để được thăm khám và theo dõi sức khỏe định kỳ.

Thanh Vân

Xem thêm: