Năm 2015, Jeremy Schneider đã nắm trong tay 2 triệu USD sau khi bán công ty của mình. Sau 6 năm, anh đã tăng gấp đôi khoản tiền này nhờ đầu tư vào các tài sản có rủi ro thấp như trái phiếu và bất động sản. 

Anh Schneider, người Mỹ, không chọn làm việc ở một công ty lớn. Dù tốt nghiệp thạc sĩ ngành khoa học máy tính tại Đại học Michigan, nhưng anh đã từ chối lời mời làm kỹ sư phần mềm của Microsoft.

Thay vào đó, Schneider muốn tự làm chủ. Anh đi từ một sinh viên tay trắng thành một người khởi nghiệp trắng tay khi cố gắng gây dựng công ty riêng. Schneider tự đặt kế hoạch rằng nếu không đủ tiền mua bảo hiểm y tế sau một năm khởi nghiệp thì anh mới đi xin việc khác. 

Thế nhưng cũng phải mất đến 3 năm thì anh mới có thể đủ sống nhờ công ty của mình. 

Anh đã xây dựng Rentlinx – một trang web quảng cáo về bất động sản cho thuê. Trong vòng 3 năm đầu tiên, anh phải sống tằn tiện, lái chiếc xe cũ 16 năm tuổi và ở chung phòng với nhiều người khác.

Mười hai năm sau, vào năm 2015, anh bán công ty, bỏ túi 2 triệu USD ở tuổi 34. Trước khi nghỉ hưu, anh ở lại công ty thêm 2 năm nữa. Hiện Schneider đã 40 tuổi. Anh không cần làm việc toàn thời gian nhưng vẫn có tài chính dư giả nhờ các kênh đầu tư đơn giản, rủi ro thấp. Hiện, khối tài sản của anh đã tăng gấp đôi.

Dù chưa có trong tay 2 triệu đô, bạn vẫn có thể tham khảo các nguyên tắc đầu tư sau của Schneider, bởi vì mức lợi nhuận trên 16% một năm với rủi ro thấp là một con số tương đối tốt. 

Dưới đây là các nguyên tắc đầu tư của anh: 

1. Mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn 

Anh Schneider dùng 90% tài sản của mình để đầu tư vào các quỹ chỉ số thị trường chung, 10% vào các khoản đầu tư rủi ro cao.

Danh mục quỹ đầu tư theo chỉ số của anh gồm 60% quỹ chỉ số cổ phiếu Hoa Kỳ, 30% quỹ chỉ số cổ phiếu quốc tế và 10% quỹ chỉ số trái phiếu. Schneider giảm thiểu rủi ro và chi phí bằng cách tránh mua cổ phiếu riêng lẻ và không giao dịch ngắn hạn trong ngày. Anh không đầu tư vào các quỹ tương hỗ chủ động và không thuê cố vấn. 

Còn 25 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu nên Schneider không lo lắng về sự biến động ngắn hạn của thị trường. Anh chỉ quan tâm đến việc danh mục đầu tư của mình sẽ phát triển dần theo thời gian như thế nào. Anh giảm thiểu rủi ro dài hạn bằng cách đầu tư vào các quỹ ngày mục tiêu (target-date fund) được quản lý chặt để giảm rủi ro khi kề cận tuổi nghỉ hưu.

Schneider nói: “Những thứ xảy ra trong năm nay sẽ không còn ý nghĩa gì trong 30 năm nữa. Vì vậy, bạn cứ đi về phía trước và giữ vững lập trường”.

2. Luôn bỏ tiền vào tài khoản hưu trí

Theo luật ở Mỹ, các tài khoản hưu trí được lợi về thuế nhưng lại không được rút ra sớm (nếu rút sớm thì bị phạt thuế).

Khi mới 17 tuổi, cha đã dạy Schneider về tài khoản hưu trí và cách thức hoạt động của lãi suất kép. Vì mở tài khoản hưu trí từ khi còn trẻ nên giờ anh đã tích lũy được khoảng 148.000 USD. Tùy thuộc vào giới hạn đóng góp hàng năm, anh Schneider luôn đầu tư hết mức có thể vào tài khoản hưu trí này.

3. Luôn tiêu ít hơn số tiền kiếm được

Schneider đặt giới hạn rút tiền tối đa của mình dưới 4% danh mục đầu tư, bao gồm cả bất động sản. Trung bình, anh sống thoải mới với mức dưới 2% số tiền đầu tư. 

Khi cần tiền, anh sẽ rút tiền theo đúng thứ tự ưu tiên như sau: Đầu tiên là thu tiền từ thu nhập bất động sản, thứ hai là từ cổ tức quỹ chỉ số (anh được trả khoảng 34.000 USD trong năm 2020), cuối cùng mới là bán cổ phiếu để bù vào số tiền thiếu.

Anh ấn định dòng tiền thu nhập mỗi tháng là 5.000 USD. Anh sử dụng ứng dụng để theo dõi chi phí hàng tháng và giá trị tài sản ròng của mình suốt 6 năm qua.

4. Đầu tư vào bất động sản

Schneider đầu tư vào các dự án phát triển bất động sản từ năm 2018 để cân bằng danh mục quỹ chỉ số của mình. Anh ta không tự mua, xây dựng hoặc bán tài sản mà đầu tư vào một quỹ bất động sản hợp vốn. Chiến lược này đã cho phép anh kiếm được 1/3 thu nhập từ các khoản đầu tư bất động sản của mình. Anh ước tính lợi nhuận hàng năm về tỷ suất sinh lợi dài hạn là 10%.

Mục tiêu tài chính tiếp theo của Schneider là duy trì cuộc sống giản dị và vẫn tiếp tục đầu tư vào các quỹ sinh lời. Anh muốn duy trì sự tự do về tài chính suốt đời và đạt đến mức có thể hào phóng cho đi. 

Anh dự định quyên góp 20% doanh thu từ công ty tư vấn tài chính của mình vào các hoạt động cộng đồng. Từ tháng 10 năm ngoái cho đến nay, anh đã quyên góp 50.000 USD cho các tổ chức từ thiện..

Minh Trí (Theo Insider)

Xem thêm: