Cuộc sống không phải là chiến trường, đâu cần phải tranh đua cao thấp. Trong gia đình, khi chúng ta càng bao dung thì càng hạnh phúc; giữa vợ và chồng càng bao dung thì tình cảm càng bền chặt; giữa láng giềng càng bao dung thì tình cảm càng khăng khít; giữa bạn bè càng bao dung thì tình bạn càng thân thiết; giữa đồng nghiệp, càng bao dung thì sự nghiệp càng suôn sẻ. 

bí quyết hạnh phúc
Giữa con người với nhau càng thấu hiểu càng ít hiểu lầm, giữa lòng người càng bao dung sẽ càng ít tranh chấp. (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Cho dù giữa các thành viên trong gia đình thỉnh thoảng xảy ra hiểu lầm, tranh chấp thì chúng ta cũng cần bao dung với họ. Bởi vì, dù gì thì họ cũng là người thân ruột thịt của mình. Do đó, không có điều gì là không thể tha thứ và bỏ qua được, chỉ cần chú ý giao tiếp có chừng mực thì có thể khiến mọi người thực sự bao dung lẫn nhau. Đôi khi các thành viên trong gia đình xảy ra tranh cãi vì mọi người không dành thời gian để hiểu nhau hơn mà thôi.

Có một số việc cần phải nhẫn nhịn, học cách kiểm soát cơn tức giận và đối mặt với sự không hài lòng. Đôi khi bạn không đồng ý với những người thân trong gia đình, bạn không cần luôn phản đối một cách thô bạo, hãy kiên nhẫn, lắng nghe lời họ nói trước, sau đó chia sẻ về ý kiến ​​​​của bản thân. 

Đôi khi, cha mẹ đưa ra ý kiến với bạn, có thể đây là một cách khác để họ quan tâm đến bạn. Nhưng bạn lại không thể hiểu tấm lòng và sự quan tâm của họ. Mà ngược lại, bạn luôn đóng sầm cửa và bỏ đi một cách tức giận và kết quả là cả hai bên đều tổn thương.

Khi chung sống với người khác, bạn cần phải nhẫn chịu ba phần, nhường nhịn ba phần thì mối quan hệ mới có thể trở nên hài hoà và lâu dài.

Làm người thì cần tinh tường một nửa –  nhường nhịn một nửa, làm việc thì yêu cầu một nửa – tuỳ ý một nửa. Đừng quá xét nét trong mọi việc. Người xưa có câu “nước trong quá thì không có cá”, một người quá khắt khe sẽ khó mà có được bạn bè. Biết nhường nhịn tâm sẽ càng rộng lớn, biết bao dung thì tâm sẽ càng độ lượng.

shutterstock 780617566
Biết nhường nhịn tâm sẽ càng rộng lớn, biết bao dung thì tâm sẽ càng độ lượng. (Ảnh: sashamolly/ Shutterstock)

Học cách khoan dung và nhượng bộ là một loại tài sản quý giá. 

Có một câu chuyện từ triều đại nhà Thanh như sau:

Vào thời Khang Hy nhà Thanh, có một Đại học sĩ tên là Trương Anh. 

Một ngày nọ, Trương Anh nhận được lá thư ở quê nhà gửi đến. Trong thư kể rằng gia đình hiện đang vì ba thước đất làm tường mà phát sinh tranh chấp với gia đình hàng xóm. Sự việc kéo dài trong thời gian lâu mà vẫn chưa giải quyết được. Hai gia đình đã ra công đường vì không ai chịu nhượng bộ. Người thân đã viết thư cho Trương Anh để giải thích toàn bộ câu chuyện và muốn ông sử dụng quyền lực của mình để giải quyết mối tranh chấp này.

Sau khi đọc bức thư, Trương Anh thản nhiên mỉm cười và viết một bức thư hồi đáp cùng một bài thơ: 

“Thiên lý tu thư chích vi tường

Nhượng tha tam xích hựu hà phương?

Vạn lý trường thành kim do tại

Bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng.”

Tạm dịch nghĩa: Từ ngàn dặm gửi thư chỉ vì một bức tường, nhường họ ba thước có sao đâu? Vạn Lý Trường Thành còn ở đó mà Tần Thủy Hoàng nay đâu còn.

Sau khi nhận được hồi âm, gia đình đã nghe theo lời khuyên của Trương Anh và ngừng tranh cãi với hàng xóm. Thay vào đó, họ rút lui và nhường lại ba thước đất. Người hàng xóm vô cùng xúc động và cũng lùi lại ba thước. Cuối cùng hai bên gia đình đều xây tường lùi vào ba thước và chỗ đất mà họ tranh chấp trở thành “hẻm rộng sáu thước”. Câu chuyện này được truyền tụng nhiều đời đến tận ngày nay.

Cổ nhân có câu “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao”. 

Khi gặp chuyện phiền phức, nếu con người có thể nhường nhịn bao dung lẫn nhau, tâm đại lượng hơn một chút thì tự nhiên sẽ chung sống hòa thuận. 

Minh Tâm, Vision Times

  • Mời xem video: Có thể “buông bỏ” mới có thể “đắc được”