Chọn cách sống nhẫn nại, thiện lương, gian hàng nhỏ trên căn gác khuất của người phụ nữ nghèo có chồng thực vật không lúc nào thiếu bóng khách hàng.

Chị Zhao Yanjie kết hôn với anh Chang Linan, một công nhân lao động vào năm 1998 mà không biết rằng những chuỗi ngày cơ cực đầy sóng gió đang đợi chị phía trước. Gia đình 4 người sống trong một căn hộ 60 m2 nằm trên tầng hai của một tòa nhà kiểu cũ ở quận Thiết Tây, Thẩm Dương, Trung Quốc. Vài tháng sau khi sinh con trai, cha mẹ chồng cô bắt đầu đổ bệnh nặng. Vậy là ngày nào của chị cũng đầu tắt mặt tối khi một tay nuôi nấng con thơ, một tay chăm sóc cha mẹ già.

Năm tháng qua đi, sau khi hai cụ qua đời vào năm 2006 và 2009 thì cũng là lúc anh Chang Linan bị xuất huyết não dẫn đến liệt tứ chi, không nói được vào năm 2010. Người chồng trai tráng năm nào giờ sống đời thực vật, thoi thóp nằm đó tồn tại nhờ uống thuốc nhỏ giọt và thức ăn lỏng.

Zhao Yanjie3
Chị Zhao Yanjie đã 11 năm chăm người chồng nằm thực vật. (Ảnh: QQ news)

Để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con trai học đại học, chị Zhao đi làm đủ nghề từ dọn phòng bán thời gian, thêu tranh chữ thập… nhưng thu nhập hạn chế. Để tiết kiệm chi phí, chị Zhao tự học tiêm, đặt ống thông dạ dày và chăm sóc chồng. Những bữa ăn cũng vì thế mà tối giản quanh năm, thường là bánh bao hấp và dưa chua tự làm… Cơ cực là thế nhưng chị ít khi than thở với người ngoài, chỉ một mình chịu đựng, cố gắng nuôi con và chăm sóc chồng thật tốt.

Năm ngoái, khi con sắp tốt nghiệp đại học, chị Zhao quyết định mở một hiệu tạp hóa nhỏ để có thêm thu nhập. Chị cầm 1.000 tệ tiết kiệm bắt xe buýt đến chợ đầu mối mua đồ uống, bia, bánh mì, mì gói và các loại thực phẩm khác, viết thêm vài dòng chữ lên tấm xốp treo dưới nhà và cửa hiệu nhỏ trên căn gác 2 hình thành như thế.

nuôi chồng
Gian hàng nhỏ của chị Zhao. (Ảnh: QQ news)

Ngày khai trương 8/3/2020, chị đợi từ sáng đến chạng vạng tối vẫn không có vị khách nào. Sau chút hoảng hốt thì khi đang cho chồng ăn, chị Zhao nghe có người gõ cửa. Chị chạy ra mở thì một người đàn ông đội mũ bảo hộ bước vào.

Người đàn ông này tên là Li Qingtao, giám đốc sản xuất của một công ty xây dựng. Nơi ông làm việc chỉ cách nhà của chị vài chục mét. Tối hôm đó ông Li làm thêm giờ, định mua gì ăn thì phát hiện có bảng hiệu nhỏ trên tầng hai đối diện công trường nên tiến lên gõ cửa.

Ông Li chọn một thùng mì ăn liền, xúc xích, giăm bông. Khi thanh toán tiền, ông mới nhớ không có tiền mặt, điện thoại đã tắt nguồn, cũng không cầm theo cục sạc.

“Tôi dùng điện thoại di động của cô để gọi điện nhờ người mang tiền đến được không? Hoặc cô thêm WeChat rồi tôi chuyển tiền sau?”

“Không sao, đợi hôm khác anh mua gì thì đưa luôn cũng được”, chị Zhao nói rồi lấy đồ đưa cho ông Li bằng cả hai tay.

Trưa hôm sau, khi chị Zhao đang thay tã cho chồng thì có tiếng bước chân ồn ào. Chị lao ra mở cửa. Hơn một chục công nhân đã xếp hàng từ tận cầu thang. Ông Li là người dẫn đầu đoàn người.

Bà chủ quán vui vẻ chỉ vào đống hàng hóa bày trên bàn: “Ai muốn mua gì thì tự chọn nhé, tôi thay tã cho chồng rồi đến tính tiền”. Hôm đó, chị bán được 316,5 tệ. Từ hôm ấy, ngày càng nhiều công nhân tìm đến cửa hàng của chị Zhao mua hàng.

Zhao Yanjie2
Những người công nhân xây dựng luôn ưu ái cửa hàng nhỏ của chị Zhao. (Ảnh: QQ news)

“Chị Zhao là một người phụ nữ tốt. Chồng chị ấy nằm liệt 10 năm mà chị ấy vẫn chăm sóc chu đáo. Nếu là tôi, không biết có được thế không”, các công nhân hay kể cho nhau nghe về bà chủ quán, rủ nhau ủng hộ chị.

“Mọi người đằng nào cũng đi mua cơm ăn trưa, vậy mua cơm hộp ở nhà chị Zhao đi, để chị ấy có thêm chút thu nhập”, lời đề nghị của ông Cheng Yanfeng – quản đốc của công trường xây dựng đã khiến các công nhân đồng lòng đề nghị chị Zhao bán thêm cơm và tích cực ủng hộ.

Tháng 8 năm ngoái, chị Zhao ngã ở cầu thang khi đang vác đồ về nhà, bị gãy xương trái. Giám đốc Li biết chuyện đã cho công nhân luân phiên nghỉ hàng tuần phụ giúp chị Zhao, đồng thời đề nghị mọi người thu gom giấy vụn, lon và chai nước giải khát để người phụ nữ này bán, có thêm thu nhập.

Giờ đây tuy tuổi tác đã nhiều, công việc cũng bận rộn, thân thể cũng chưa hoàn toàn bình phục sau cú ngã nhưng chị Zhao rất vui vì có thể nỗ lực kiếm những đồng tiền chân chính và và luôn có những người bạn tốt bên cạnh.

“Tôi từng bi quan, nhưng giờ đây, tôi hiểu cuộc sống không chỉ có đau khổ và chịu đựng. Tôi tin tương lai luôn có thể tốt hơn”, người phụ nữ nói.

Hoài Anh (Theo QQ News)

Xem thêm: