Nuôi dạy con cái trong thời hậu đại dịch là một thách thức. Ngay cả với một người thành đạt như Esther Wojcicki thì nhiệm vụ này cũng không hề dễ dàng.

5d587a29e08f0.r 1566097645414.0 0 2089 1037
Nhà giáo dục Esther Wojcicki. (Nguồn: Ảnh của bà Esther Wojcicki)

Với đường lối giáo dục đúng đắn của Esther cùng sự quyết tâm của các con, cả 3 người con của bà đều lớn lên với một sự nghiệp vững chắc trong tay. Susan là giám đốc điều hành của YouTube, Janet là bác sĩ và Anne là người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của 23andMe. Ba người phụ nữ tự tin đứng ở vị trí dẫn đầu trong những lĩnh vực vốn bị nam giới áp đảo. 

Khi viết cuốn sách “How to Raise Successful People” (Làm thế nào để nuôi dạy những người thành công), Esther nhận được rất nhiều câu hỏi về các phương pháp nuôi dạy con khác nhau. Nhưng theo bà, điều mà mọi người thực sự muốn chính biết là: “Phong cách nuôi dạy con tồi tệ nhất là gì?”.

Dựa trên kinh nghiệm và nghiên cứu của bản thân, Esther tin rằng “Helicopter parenting” (Phụ huynh trực thăng) là tệ hại nhất.

Phụ huynh trực thăng là gì?

Phụ huynh trực thăng (helicopter parents) là khái niệm chỉ các ông bố bà mẹ luôn lởn vởn như chiếc trực thăng xung quanh con cái để giám sát và bảo vệ chúng một cách thái quá. Các cha mẹ trực thăng thích làm sẵn mọi thứ hộ con, nhu cầu của các con sẽ được đáp ứng trước cả khi chúng nhận ra mình có nhu cầu đó. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự nuông chiều đó sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng tự kiểm soát, giải quyết vấn đề, tự điều chỉnh xung đột của trẻ và tạo ra một mối quan hệ kỳ lạ giữa cha mẹ và trẻ.

Các cha mẹ trực thăng nghĩ rằng cách làm của họ là có lợi cho con nhưng thực tế lại không phải như vậy. Họ đang vô tình khiến con trở nên thụ động, ngại chấp nhận rủi ro, luôn cần sự giúp đỡ và thiếu tính sáng tạo.

Phương pháp nuôi dạy con hiệu quả nhất là tạo ra sự cân bằng

Mặt khác, cha mẹ cũng không nên để con tự lập theo hướng quá cực đoan. Bạn không thể để một đứa trẻ 5 tuổi tự đi mua sắm hoặc một đứa trẻ lên 10 tự làm bữa tối. Bạn cần đưa ra cho chúng những thử thách phù hợp với lứa tuổi. Mục đích của những nhiệm vụ nhỏ này là để con cảm thấy tự hào, hãnh diện về những gì bản thân tự thực hiện. Chúng sẽ quen dần với các kỹ năng hướng tới sự độc lập và cũng học được cách giúp đỡ mọi người trong nhà.

Ví dụ như khi làm bữa sáng, bạn có thể bảo con đổ ngũ cốc và sữa ra. Khi nấu bữa tối, bạn hãy để con rửa rau, bóc trứng. Những đứa trẻ lớn hơn một chút có thể tập làm salad, làm món trứng rán (dưới sự giám sát của người lớn). Nếu bạn không bao giờ dạy con nấu ăn, chúng cũng sẽ tự mặc định bản thân không có khả năng nấu gì cả trừ khi có người đứng cạnh hướng dẫn. Hầu hết trẻ em đều không biết cách tự làm bất cứ thứ gì cho bản thân chúng. Esther ước gì đó không phải sự thật, nhưng thực tế đúng là như vậy.

Bí quyết đơn giản để nuôi dạy những đứa trẻ thành công

Cả cha mẹ và giáo viên đều nên trao quyền cho trẻ để chúng  phát triển thành những con người độc lập, chủ động, tự tin. Esther khuyên chúng ta nên dạy con theo phương pháp TRICK – Trust, Respect, Independence, Collaboration và Kindness.

– Trust (niềm tin): Trước tiên, niềm tin phải bắt nguồn từ cha mẹ. Nếu bạn cảm thấy tự tin về những quyết định của mình thì hãy đặt cả niềm tin đó vào những đứa trẻ. Hãy trao quyền và tin tưởng rằng con có thể tự làm được những thứ vừa sức với chúng. 

– Respect (tôn trọng): Mỗi đứa trẻ đều có một tài năng, tiềm năng tự nhiên, trách nhiệm của cha mẹ là nuôi dưỡng những tài năng, tiềm năng đó. Bạn không nên áp đặt con phải giống ai đó, phải trở thành ai đó, phải theo ngành nghề gì, mà hãy tôn trọng quyết định của con. 

– Independence (độc lập): Để nuôi dạy một đứa trẻ học cách độc lập, cha mẹ cần trao cho chúng sự tin tưởng và tôn trọng tuyệt đối. Những đứa trẻ độc lập sẽ biết cách đương đầu với nghịch cảnh, thất bại và buồn chán – những khía cạnh không thể tránh khỏi trong cuộc sống.

– Collaboration (cộng tác): Cộng tác có nghĩa là trẻ được phép tham gia vào các hoạt động trong gia đình, trong lớp học hoặc tại nơi làm việc. Về phần cha mẹ, điều đó có nghĩa là bạn nên khuyến khích con đóng góp ý kiến vào các cuộc thảo luận, quyết định và thậm chí là kỷ luật.

– Kindness (sự tử tế): Lòng tốt thực sự bao gồm lòng biết ơn và sự tha thứ, cống hiến cho mọi người và nhìn nhận thế giới bằng con mắt cởi mở chứ không chỉ nghĩ ích kỷ cho bản thân mình. 

Cha mẹ hãy dành cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi và ngừng giám sát con cái quá mức. Hãy đứng bên cạnh dẫn dắt để con có thể tự độc lập bước đi. Bạn có thể bắt đầu bằng cách để con quyết định chúng muốn làm vào cuối tuần này, thậm chí để con lên kế hoạch cho cả gia đình. Bạn có thể tưởng tượng ra con sẽ hào hứng thế nào khi được toàn quyền quyết định không?

(Ghi chú: Esther Wojcicki là một nhà giáo dục, nhà báo và tác giả cuốn sách “How to Raise Successful People”. Bà cũng là người đồng sáng lập Tract – nơi bà đưa triết lý dạy học với học sinh là trung tâm ra khắp thế giới).

Minh Minh (Theo CNBC)