Thay vì phải đoán và vất vả giỗ dành, một thiết bị tròn trịa, cao 15 cm sẽ phân tích tiếng khóc của trẻ sau đó thông báo lại cho những người lớn gần đó lý do tại sao bé khóc để nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu của bé.

chăm sóc trẻ sơ sinh
(Ảnh: ucchie79/Shutterstock)

2021 được xem là năm công nghệ cho trẻ sơ sinh của Nhật Bản khi liên tục có các sản phẩm và ứng dụng gia dụng ra đời giúp giảm gánh nặng cho các bậc phụ huynh khi nuôi con nhỏ. Chúng sử dụng hoàn toàn những thành tựu công nghệ mới nhất bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), máy học và big data, theo Mainichi.

Vào tháng 2, tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng Quốc tế (CES) được tổ chức từ xa – triển lãm công nghệ thường niên lớn nhất thế giới, một công ty Nhật Bản đã khiến cả thế giới ngạc nhiên với thiết bị tròn trịa, cao 15 cm được thiết kế để thu tiếng khóc của trẻ bằng micrô và phân tích nó, sau đó thông báo lại cho những người lớn gần đó biết lý do tại sao bé khóc.

Được phát triển bởi công ty công nghệ trẻ em First-Ascent Inc. có trụ sở tại Tokyo, thiết bị này có một AI ghi nhớ tiếng khóc của hơn 200.000 trẻ sơ sinh từ 150 quốc gia để giúp thiết bị có thể đưa ra các chỉ báo với 5 trạng thái cảm xúc hiển thị bao gồm đói, buồn ngủ, khó chịu, tức giận và buồn chán – theo định dạng tỷ lệ, chẳng hạn như “65% buồn ngủ, 35% không thoải mái.”

Khi được đặt gần giường của em bé, thiết bị cũng có thể được sử dụng như đèn chiếu sáng để thay tã vào ban đêm. Ánh sáng đèn sẽ thay đổi tùy theo điều kiện ánh sáng xung quanh, đồng thời giúp điều chỉnh nhịp sinh học của bé để bé dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Sản phẩm đã giành được Giải thưởng Sáng tạo và đã bắt đầu bán tại thị trường Nhật Bản vào ngày 30/7 với mức giá 43.780 yên (khoảng 9 triệu đồng).

First-Ascent ban đầu phát triển một ứng dụng điện thoại thông minh để ghi lại thông tin liên quan đến chăm sóc trẻ em, nhưng đã quyết định sản xuất thiết bị này khi nghe mọi người phàn nàn về việc “Con tôi không ngừng khóc và tôi không biết phải làm gì.”

Nói về kinh nghiệm nuôi dạy con cái của mình, Giám đốc điều hành Tomoyuki Hattori, người tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm cho biết: “Nhiều bậc cha mẹ gặp rắc rối với việc con họ quấy khóc và khó ngủ. Chúng tôi có thể giúp họ dựa trên các bằng chứng khoa học về tình trạng thể chất và cảm xúc của trẻ sơ sinh thay vì dựa vào trực giác và giác quan của cha mẹ.”

“Công nghệ trẻ em” bùng nổ ở Nhật Bản nhưng phải đối mặt với những thách thức từ các tiêu chuẩn nuôi dạy con cái 

Thuật ngữ “công nghệ trẻ em” lần đầu tiên được đề xuất tại CES tổ chức ở Mỹ vào năm 2016. Nó hỗ trợ nhiều lĩnh vực như mang thai, sinh con và trẻ sơ sinh, đồng thời có nhiều thiết bị và ứng dụng có thể được kết nối với điện thoại thông minh và Internet.

Một vài ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như khi người dùng nhập thời gian con họ đi ngủ trên ứng dụng “Lullaby” do Moon Creative Lab Inc. của Mitsui & Co., nó sẽ gợi ý thời điểm em bé dễ đi vào giấc ngủ nhất hàng ngày. Ngoài ra còn có một chức năng trả phí cho phép người dùng tư vấn trực tiếp với các chuyên gia như bác sĩ và nữ hộ sinh.

Các ví dụ khác bao gồm: “cảm biến tã” được gắn vào tã giấy để phát hiện độ ướt của tã và thông báo cho người lớn khi nào trẻ cần thay tã thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh; một ứng dụng khác sử dụng cảm biến để phát hiện chuyển động của trẻ sơ sinh khi ngủ và theo dõi nhịp thở của trẻ; hay một ứng dụng đề xuất thức ăn cho trẻ theo độ tuổi và tình hình phát triển của trẻ.

công nghệ trẻ em
(Ảnh: spass/Shutterstock)

Cuộc sống hiện đại đang khiến nuôi dạy trẻ trở thành vấn đề lớn với rất nhiều gia đình. Áp lực công việc, các mối quan hệ xã hội khiến phụ nữ có ít thời gian chăm sóc con hơn, chưa kể việc đôi khi không có sự giúp đỡ của người bạn đời khiến họ rơi vào khủng hoảng.

Gánh nặng tâm lý gia tăng nhanh hơn trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn tiếp tục lan rộng khiến con cái không thể tới nhà trẻ, trong khi các phụ huynh phải ở nhà nhiều hơn, stress vì không được ra ngoài. Midori Matsushima, phó giáo sư tại Đại học Tsukuba, đã khảo sát khoảng 5.000 phụ nữ mới sinh con trong khoảng 6 tháng, kết quả cho thấy có tới 1/4 người bị trầm cảm sau sinh – vượt xa mức trung bình khoảng 10% thường được biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia như ông Tetsuya Nagata, chủ tịch điều hành trang web thông tin công nghệ trẻ em có trụ sở tại Tokyo cũng khuyến cáo: “Không nên giao phó tất cả việc nuôi dạy trẻ cho công nghệ trẻ em, đó chỉ là một công cụ hỗ trợ. Nuôi dạy trẻ cần công sức, thời gian và tình cảm, nó làm tăng sự gắn kết ruột thịt và đảm bảo cho sự phát triển tốt của trẻ sau này”.

Thị trường ‘công nghệ trẻ em’ tại Nhật hiện được ước tính khoảng 1,8 tỷ đô la trong khi đạt 36 tỷ đô la tại Mỹ với rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Hoài Anh

Xem thêm: