Trong một thế giới mà đâu đâu cũng là công nghệ như hiện nay, thật hiếm có khi nào chúng ta cảm thấy thật sự buồn chán. Lướt Instagram một chút, check Facebook một chút, xem Youtube ít phút, vừa đi thang máy vừa xem lại mấy tin nhắn gần đây, v.v… thế nào bạn cũng có việc vui để làm.

Embed from Getty Images

Nhưng việc trải nghiệm sự buồn tẻ có thể thực sự giúp bạn thành công, đấy là những gì diễn giả của diễn đàn TED Talk kiêm người dẫn chương trình phát thanh cá nhân Manoush Zomorodi và nhiều khoa học gia khác đã cùng thảo luận trong nhiều  năm qua tiết lộ.

Năm 2017, trong bài diễn thuyết trên diễn đàn TED Talk có tiêu đề “Sự buồn chán có thể mang đến những ý tưởng vĩ đại nhất” của mình, Zomorodi đã giải thích mối liên hệ giữa sự buồn chán với sức sáng tạo và đổi mới.

Để tìm hiểu xem điều gì xảy ra trong bộ não chúng ta khi buồn chán, Zomorodi đã tìm đến các nhà thần kinh học và tâm lý học nhận thức.

Trong bài phát biểu của mình, cô nói: “Sự buồn chán đã kích thích một chế độ trong não bộ chúng ta có tên gọi là ‘dạng thức mặc định'”. Mặc dù cơ thể chúng ta tiến nhập vào trang thái tự động vận hành khi làm những công việc thường ngày như gấp quần áo hay đi bộ tới văn phòng, nhưng lúc đó bộ não vẫn đang hoạt động chăm chỉ.

Sandi Mann, nhà nghiên cứu sự buồn chán, đã giải thích chi tiết việc này trong một đoạn tin nhắn thoại như sau: “Một khi bạn bắt đầu mơ mộng và để cho tâm trí mình mông lung, thì suy nghĩ của bạn đã bắt đầu vượt một chút ra khỏi [sự kiểm soát của] ý thức, tiến nhập một chút vào tiềm thức, và cho phép diễn ra nhiều hình thức kết nối khác nhau”. Hay có thể hiểu là sự buồn chán đó giúp bạn thoát ra khỏi lối mòn tư duy và khiến bạn có thể thực hiện được nhiều kết hợp mới lạ mà trước đây bạn không tạo ra được.

Phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) có thể cho chúng ta thấy chính xác điều gì đang diễn ra khi bạn buồn chán.

Bộ não của bạn bắt đầu kết nối các ý tưởng khác nhau và giải quyết các vấn đề khi nó bắt đầu tiến hành quá trình “lên kế hoạch tự truyện”, Zomorodi nói.

Cô giải thích thêm: “Đó là khi chúng ta nhìn lại cuộc đời mình, ta nhớ đến những khoảng khắc quan trọng, ta tự kể chuyện, rồi đặt ra mục tiêu và phác thảo những bước đi cần thiết để đạt được chúng.”

Nhưng việc không ngừng lướt điện thoại hoặc làm nhiều việc cùng một lúc ngăn trở bộ não của bạn thực hiện chức năng này. Khi làm việc, “chúng ta thư giãn trên đi văng trong khi cập nhật một tài liệu trên Google Doc hoặc trả lời thư điện tử”, vị diễn giả của TED nói.

Cô cho hay mặc dù mọi người có thể gọi đó là “vừa làm vừa chơi mà vẫn xong việc”, thế nhưng nhà thần kinh học Daniel Levitin lại không cho là như vậy.

Levitin giải thích rằng mỗi lần bạn chuyển sự chú ý của mình từ việc này sang việc khác, thì bộ não phải sử dụng các chất dinh dưỡng trong não bộ để tiến hành một lần chuyển đổi hóa-thần kinh (neurochemical) để hoàn thành công việc.

“Vậy nên nếu bạn cố gắng làm nhiều việc một lúc, ví như 4 hay 5 việc cùng lúc, thì bạn không phải thực sự đang làm 4 hay 5 việc cùng một lúc đâu, vì bộ não không hoạt động như vậy”, ông nói. “Thay vào đó, bạn chuyển thật nhanh từ cái này sang cái kia, và tiêu hao hết năng lượng thần kinh của mình”.

Nhà sáng lập Amazon Jef Beros cũng đồng ý như vậy. Trong một cuộc nói chuyện với người anh trai Mark của mình tại Hội nghị LA17, vị CEO này nói rằng ông hiếm khi kiểm tra điện thoại của mình. Bezos cũng tiết lộ rằng ông không hướng sự chú ý của mình tới nhiều thứ cùng một lúc.

“Tôi không thích làm nhiều việc cùng lúc”, ông nói. “Nó làm phiền tôi. Nếu tôi đang đọc thư điện tử, thì tôi muốn thực sự đọc thư điện tử của mình mà thôi”.

buồn chán
(Ảnh qua realitatea.net)

Zomorodi khuyên tất cả mọi người rằng hãy đơn giản là dành thời gian để thơ thẩn một chút. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm thiểu đáng kể thời gian phung phí cho mạng Internet hay điện thoại. Kết quả là, tinh thần của bạn bị chiếm dụng ít hơn, bạn nhìn mọi việc sáng suốt hơn và còn đặt ra được các mục tiêu cho bản thân mình.

Cô ấy khuyên chúng ta lần tới khi kiểm tra điện thoại, hãy tự hỏi bản thân mình: “Thực ra tôi đang tìm kiếm điều gì từ việc này?”

“Nếu đó là để phân tán bạn khỏi công việc trí óc nặng nhọc hiện tại của mình, thì thay vào đó hãy nghỉ một chút”, Zomorodi nói. “Hãy nhìn ra ngoài cửa sổ và hiểu rằng khi không làm gì cả, bạn đang thực sự ở trong trạng thái làm việc hiệu quả và sáng tạo nhất”.

Theo cô, khi mới nghe điều này thì nó có vẻ kỳ cục và không được lọt tai cho lắm, nhưng nghiên cứu khoa học thực sự khẳng định rằng buồn chán có thể giúp bạn thành công.

Theo CNBC
Quốc Hùng

Xem thêm: