Tết Âm lịch cổ truyền của người Việt Nam còn gọi là Tết Nguyên Đán. Đây được coi là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt. Tuy nhiên, do ngày Tết Nguyên Đán tính theo Lịch âm dựa trên văn hóa Trung Hoa, nên vô hình trung Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất ăn mừng ngày Tết này.

Nếu như với người Việt, dịp Tết sẽ được sửa soạn bắt đầu khoảng sau ngày 23 tháng Chạp, còn gọi là Tết ông Công ông Táo, và kéo dài đến khoảng ngày mùng 7 Tết, thì các quốc gia khác cũng có những phong tục đón Tết rất độc đáo và đầy ý nghĩa.

Trung Quốc

Với người Trung Quốc, Tết Âm lịch chính là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, là thời điểm các gia đình sum vầy tụ họp đầm ấm bên nhau sau một năm vất vả. Tết Âm lịch của người Trung Quốc diễn ra trong khoảng 15 ngày, trong đó 3 ngày đầu tiên của năm mới là quan trọng nhất.

Các quốc gia khác mừng Tết Nguyên Đán thế nào?
Một bức tranh vẽ cảnh Tết ở Trung Quốc vào thế kỷ 18 (Ảnh: Wikipedia)

Ngày Mùng 1 Tết được xem là ngày đón các vị Thần và cũng là thời điểm con cái bày tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ. Mùng 2 là ngày khởi đầu của năm mới và cũng là lúc phụ nữ có thể về thăm bố mẹ đẻ hay họ hàng thân thích. Mùng 3 là ngày hóa vàng, mọi người thường đi chùa cầu phúc vào ngày này.

Trong suốt những ngày Tết, người Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động náo nhiệt theo phong tục của từng vùng để có thể trừ bỏ những điều xui xẻo và đón chào một năm mới với nhiều may mắn tốt lành hơn. Mọi người còn cùng nhau ăn mì trường thọ, cá, sủi cảo, bánh chẻo, bánh niên cao và đường để hy vọng có một cuộc sống giàu có và ngọt ngào hơn.

Hàn Quốc

Tết Âm lịch ở Hàn Quốc còn gọi là Seollal, là dịp lễ lớn nhất trong năm và người dân thường mặc loại trang phục truyền thống của họ là Hanbok. Dịp Tết Âm lịch này, người Hàn Quốc tổ chức rất nhiều nghi lễ. Đầu tiên là Charye, một nghi thức thờ cúng nhằm tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Một nghi lễ không thể thiếu khác là Sebae, những người trẻ sẽ tới chúc thọ những người lớn tuổi trong gia đình và nhận tiền mừng tuổi.

 

Trong 3 ngày Tết, các gia đình Hàn Quốc thường làm các món ăn cầu kỳ, mâm cơm có thể lên đến hơn 20 món. Bên cạnh các món ăn quen thuộc như kimchi hay canh rong biển, nhất định phải có thêm món canh bánh gạo (Tteokguk). Canh bánh gạo có ý nghĩa mang lại sự may mắn và những thay đổi tốt đẹp cho một năm mới. Bất kỳ ai dù bận rộng đến mấy thì ngày Tết cũng sẽ trở về nhà và cùng gia đình ăn canh bánh gạo. Món canh bánh gạo gồm các nguyên liệu như bánh gạo, nước hầm, trứng thái chỉ, đậu hũ, thịt bò và hành.

Ngoài ra, họ còn tổ chức nhiều hoạt động đón mừng năm mới như ca hát hay chơi các trò chơi dân gian, bao gồm ném mũi tên, chơi đá cầu, chơi thả diều…

Mông Cổ

Tết Âm lịch ở Mông Cổ còn gọi là Tsagaan Sar hay Tết Tháng Trắng, và Tết Naadam. Tương tự như ở Việt Nam hay Trung Quốc, đây chính là dịp để các gia đình sum vầy và quây quần bên nhau, báo hiệu mùa đông dài đã kết thúc để chuyển sang một mùa xuân mới.

 

Trước Tết, người Mông Cổ sẽ tiến hành dọn dẹp thật sạch nhà cửa cũng như chuồng trại, thậm chí còn dùng sữa ngựa để rửa bát trong đêm Giao thừa. Trong suốt 3 ngày đầu năm mới, mọi người sẽ mặc trang phục dân tộc, có thể tụ họp lại nhà của người cao tuổi nhất trong làng rồi cùng nhau trò chuyện và ăn các món như đuôi cừu, thịt cừu, bánh buuz (một loại bánh giống bánh bao), các sản phẩm làm từ sữa ngựa và uống rượu airag.

Singapore

Hơn nửa dân số của Singapore là người Hoa nên Tết Âm lịch cũng chính là một dịp lễ quan trọng của người dân nơi đây. Người Singapore thường tiến hành mua sắm quần áo mới và dọn dẹp nhà cửa trong tháng Chạp. Bữa cơm tất niên được coi là một dịp vô cùng đặc biệt để mọi người ôn lại một năm cũ đã qua, và tất yếu bữa ăn tất niên không thể thiếu món cá, bởi người ta quan niệm rằng ăn cá có thể mang đến cho họ một năm mới dư dả và thịnh vượng.

 

Tương tự như ở Trung Quốc, Tết Âm lịch của Singapore diễn ra trong khoảng 15 ngày với nhiều lễ hội như Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao hay Lễ hội đường phố Chingay được tổ chức từ trước đó. Tuy nhiên, hai ngày đầu năm mới được xem là quan trọng nhất. Các gia đình sẽ tới thăm người thân bạn bè hoặc tham gia các hoạt động mừng năm mới. Trẻ em và người lớn tuổi sẽ được nhận phong bao lì xì hoặc những quả quýt chín mọng, tượng trưng cho sự may mắn tràn đầy.

Tây Tạng

Tết Âm lịch ở Tây Tạng gọi là Tết Losar, thường kéo dài ít nhất 3 ngày cho đến nửa tháng. Lo theo tiếng Tạng là năm, còn sar mang nghĩa mới. Ngày Tết Losar bắt nguồn từ những ngày hội của người Tạng thời kỳ tiền Phật giáo, về sau trở thành ngày lễ của toàn thể người dân Tây Tạng. Đây cũng là dịp những người thân trong gia đình quây quần, nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn ngon, mặc những bộ trang phục đẹp nhất và cùng nhau đi lễ chùa Phật.

 

Dịp Tết Losar, người Tây Tạng tiến hành các nghi lễ thông qua nhiều điệu múa, như múa mũ đen, múa kiếm… Những người đàn ông trong gia đình phải đảm nhiệm vai trò cúng bái để đuổi tà ma và sự xúi quẩy, còn những người phụ nữ thì chuẩn bị bếp núc. Khi cúng tổ tiên và cầu mùa màng tươi tốt, trên bàn thờ gia đình nhất định phải có món món bột kiều mạch trộn với váng sữa, đường và sữa chua.

 

Nổi tiếng với truyền thống hiếu khách, người tây Tạng cũng làm rất nhiều bánh nướng để đãi khách, chẳng hạn như món dresi gồm gạo ngọt trộn bơ, nho khô và khoai tây củ nhỏ hay bánh phồng ngọt và mặn với nhiều kích cỡ khác nhau.

Một điểm đáng chú ý là vào ngày 29 tháng Chạp Âm lịch, còn gọi là Gutor, tất cả các gia đình không phân biệt giàu nghèo sẽ chỉ ăn một món sủi cảo đón năm mới có tên là gutuk, món bánh này sẽ có nhiều loại nhân tượng trưng cho các ý nghĩa khác nhau. Ăn xong, mọi người cùng tham gia nghi lễ xua đuổi tà ma năm cũ.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: