Bruce, một con vẹt Kea có mỏ bị khuyết một phần ở New Zealand, đang khiến các nhà nghiên cứu thích thú về trí thông minh xuất sắc của nó.

Khu bảo tồn thiên nhiên tiếp nhận chú vẹt Bruce vào năm 2013, dù còn nhỏ nó đã bị mất phần trên của mỏ do sự tấn công của một loại ký sinh trùng. Nhưng chú vẹt núi cao quý hiếm này đang khiến các nhà khoa học thán phục vì hành vi thích nghi kỳ lạ của nó khi nó biết chọn sử dụng những viên sỏi và cành cây có hình dạng thích hợp để tạo ra một chiếc mỏ giả thay cho chiếc mỏ bị tật, theo The Guardian.

“Bởi vì hành vi của Bruce là nhất quán và lặp đi lặp lại, nó được coi là có chủ đích và sáng tạo”, Amalia Bastos, nghiên cứu sinh tại Đại học Auckland ở New Zealand đã công bố công trình nghiên cứu của mình trên tạp chí Scientific Reports .

bruce parrot 02
Chú vẹt Bruce sử dụng một mẩu gỗ thay cho mỏ. (Ảnh: Animal Minds / Đại học Auckland)

Cô Bastos bị thu hút bởi chú vẹt Bruce sau khi những người trông coi vườn thú tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Willowbank ở Christchurch nhận thấy những thói quen độc đáo của nó, không giống như bất kỳ thói quen nào họ từng quan sát. Cô Bastos nói: “Chúng tôi cần phải chứng tỏ rằng nó chủ ý làm điều này.”

Trong 9 ngày quan sát, nhóm của cô đã thấy rằng chú vẹt Bruce dành 90% thời gian đi tìm những viên sỏi ưng ý và trong 95% trường hợp khi nó đánh rơi một viên sỏi, nó sẽ nhặt lại hoặc thay thế bằng một viên sỏi mới – tất cả đều cho thấy rõ ràng việc nó đang cố chọn ra một công cụ phù hợp để thực hiện những công việc hàng ngày. Hơn nữa, không có con vẹt nào khác quanh vẹt Bruce đang làm điều này.

Vet
Chú vẹt dùng sỏi làm “‘công cụ lao động”. (Ảnh: Animal Minds / Đại học Auckland)

Kiểu thực hành tương tự cũng được thấy khi chú vẹt Bruce đi tìm thức ăn. “Nó sẽ nhặt một miếng cà rốt và đẩy nó vào một mảnh kim loại hoặc đá cứng để chia nhỏ ra, một lần nữa đây là hành vi kiếm ăn mà chúng ta chưa từng thấy ở các loài chim khác”, cô Bastos nói. “Đó không phải là sử dụng công cụ, nhưng đó là một cách thú vị khác mà nó đã áp dụng để thích nghi với tình trạng khuyết tật của mình.”

Theo các nhà nghiên cứu của Aukland, đây không phải là báo cáo đầu tiên được ghi nhận về việc vẹt biết sử dụng các công cụ, nhưng nó rất hiếm trong tự nhiên, nhất là khi không có sự huấn luyện.

Vẹt từ lâu được coi là một trong những loài chim có chỉ số thông minh cao nhất và có khả năng bắt chước lại lời nói như con người. Các nhà thần kinh học tại ĐH Alberta (Canada) từng xác định được một mạch thần kinh đặc biệt trong não bộ của loài vẹt. Họ tin rằng đây chính là nguyên nhân đằng sau trí thông minh vượt trội của chúng và phát hiện lần này một lần nữa chứng minh chúng có một bộ não vô cùng đặc biệt.

Hoài Anh

Xem thêm: