Nếu bạn thường xuyên tập luyện thể dục nhưng với một tâm thái miễn cưỡng, cố làm cho xong và sau đó không thấy được kết quả như mong muốn hoặc bạn lúc nào cũng suy nghĩ tiêu cực về sức khỏe của mình và cảm thấy tình trạng của mình ngày càng đi xuống thì đã đến lúc bạn cần phải nghĩ đến việc thay đổi tư duy của mình. Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford, Hoa Kỳ đã tiết lộ mối liên hệ khá bất ngờ giữa sức khỏe và suy nghĩ của con người.

Cách suy nghĩ quyết định sức khỏe của bạn
(Ảnh: Unsplash)

Các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu của 61.000 người trưởng thành trong suốt 21 năm với hàng chục phương pháp được tiến hành, bao gồm việc khảo sát thời gian luyện tập thể dục, thu thập cảm nhận của mỗi người về khối lượng luyện tập của họ so với những người cùng độ tuổi. Trong khoảng thời gian đó, cũng có những người đã qua đời vì bệnh tật.

Các nhà khoa học cũng phân tích nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của những người tham gia khảo sát, và phát hiện ra rằng những người cho rằng họ không luyện tập nhiều bằng bạn bè của họ thường có tuổi thọ ngắn hơn so với những người tin rằng họ luyện tập nhiều hơn, trong khi thực tế khối lượng tập luyện của hai người là như nhau.

Tác động này giữ nguyên ngay cả khi các yếu tố khác đã được xem xét, như sức khỏe của người được khảo sát, hay việc người được khảo sát có hút thuốc hay không.

Việc tập luyện tất nhiên có tác dụng với sức khỏe của bạn, nhưng nghiên cứu này lại cho thấy rằng cảm nhận của bạn về việc tập luyện cũng tạo ra sự khác biệt. Bà Octavia Zahrt thuộc Đại học Stanford đã bị thúc đẩy bởi chính trải nghiệm cá nhân của bà để thực hiện nghiên cứu này. Trong thời gian Octavia Zahrt học đại học tại California, bà thấy quanh mình hầu hết mọi người đều ra sức tập luyện.

Khi còn ở London, bà tự thấy cơ thể mình khá cân đối nhờ việc đạp xe và tập luyện đều đặn. Nhưng so với những người bạn mới ở California, bà tự nhiên cảm thấy cơ thể mình không hoàn hảo.

Bà băn khoăn liệu cảm giác ít tích cực hơn người khác có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe hay không – và bà đã đúng.

Bà phát hiện ra rằng nguy cơ tử vong đối với những người tự cho rằng họ kém tích cực hơn người khác cao tới 71% so với những người tin rằng họ tập luyện chăm chỉ hơn.

unsplash running1
(Ảnh: Unsplash)

Nhận định này có vẻ như hoang đường, nhưng nó có thể được giải thích như sau:

Thứ nhất, khi chúng ta cho rằng mình không tích cực, chúng ta cảm thấy căng thẳng. Dồn dập tiếp nhận các thông điệp về sức khỏe và thấy mọi người xung quanh đang luyện tập tối ngày có thể khiến chúng ta lo lắng nhiều hơn, và loại căng thẳng kéo dài này có thể phá hủy sức khỏe của chúng ta.

Thứ hai, nó còn có thể hạ thấp động lực của bạn. Có lẽ nếu bạn nghĩ rằng mình rất tích cực, thì hình ảnh khỏe mạnh của bạn sẽ khích lệ bạn tập luyện nhiều hơn để phù hợp với hình ảnh đó. Ý tưởng này được ủng hộ bởi một nghiên cứu từ năm 2015. Nghiên cứu cho thấy nếu bạn tin rằng mình không cân đối được như các bạn bè của mình, khả năng bạn tập luyện là sẽ ít hơn.

Quan tâm tới những chỉ số chung hay biết được mọi người xung quanh mình ưa thích làm gì là một việc khá thú vị. Nhưng cũng có khả năng, nếu quá để ý tới điều đó, chúng ta lại cảm thấy nhụt chí và cuối cùng là bỏ cuộc.

Một cách giải thích nữa liên quan tới hiệu ứng “giả dược”. Ví dụ, niềm tin của con người về sức mạnh của thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc giảm đau trong cơ thể con người. Khi bạn thường nghĩ những điều tiêu cực, hiệu quả sinh  lý của việc điều trị sẽ bị giảm. Vì vậy, với những người thật sự rất tích cực tập luyện nhưng lại không nhận ra điều đó, có thể hiệu quả tập luyện của họ cũng bị giảm sút ít nhiều.

Hãy thử lấy ví dụ về những người phục vụ khách sạn. Công việc hàng ngày của họ, bao gồm việc đi lên đi xuống cầu thang, bê vác các vật nặng, lau dọn phòng vệ sinh, hút bụi, thay ga giường,… tương đương với một khối lượng thể dục khá lớn. Nhưng một nghiên cứu năm 2007 cho thấy những người này không hề tính đó là rèn luyện thể dục. Khi đó, bà Alia Crum, giáo sư của đại học Stanford đã nói cho một nửa số nhân viên khách sạn biết rằng họ đang tập luyện được nhiều như thế nào, và điều đó có ích gì cho sức khỏe của họ.

Bốn tuần sau, nhóm nhân viên này phản hồi rằng họ đã giảm cân và tình trạng huyết áp cao cũng thuyên giảm. Khi họ coi công việc của họ như một cơ hội để tập luyện, họ đã nhận được những tác động sức khỏe tích cực. Có lẽ, họ bắt đầu hút bụi một cách tràn đầy năng lượng, và đây có thể là một trong những hiệu ứng của tác dụng “giả dược”.

Những điều này nhắc tôi nhớ tới các phát hiện năm 2003 về việc cảm nhận của chúng ta về tuổi tác có tác động như thế nào tới sức khỏe của chúng ta. Trong nghiên cứu Whitehall II, 7.000 cán bộ công chức đã được hỏi theo họ, tuổi trung niên kết thúc và tuổi già bắt đầu ở độ tuổi nào. Khi bà Hannah Kuper và giáo sư Sir Michael Marmot phân tích dữ liệu, họ phát hiện ra rằng những người nghĩ rằng tuổi già bắt đầu ở tuổi 60 hoặc ít hơn có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với những người đưa ra đáp án là 70 tuổi hoặc lớn hơn.

Câu trả lời cho câu hỏi đơn giản này phản ánh ít nhiều tình trạng sức khỏe của một người. Có thể có những người trả lời rằng tuổi già bắt đầu ở tuổi 60 bởi họ cảm thấy bản thân họ già do đã yếu đi. Hoặc có thể họ cảm thấy họ không còn nhiều thời gian nữa và họ tập luyện ít hơn, điều đó vô hình chung đã tác động ngược lại sức khỏe của họ. Hoặc có thể họ cảm thấy căng thẳng và lo lắng về tuổi già, và điều này cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.

Cả ba cách giải thích trên đều gợi ý với chúng ta rằng sức khỏe của chúng ta chịu ảnh hưởng bởi cách chúng ta suy nghĩ tích cực hay tiêu cực. Vì vậy, ngoài việc rèn luyện vận động, chúng ta cũng đừng quên tập luyện cho mình cách suy nghĩ tích cực nhé!

Tác giả: Claudia Hammond
Theo BBC
Nhật Hạ biên dịch

Xem thêm: