Trong giải đấu World Cup 2018, mặc dù Nhật đã bị loại trước Bỉ với tỉ số 2-3, tuy nhiên sau trận đấu người ta thấy hình ảnh cổ động viên Nhật dù xúc động rơi nước mắt vẫn dọn dẹp rác trên khán đài, phòng thay đồ được trả lại vô cùng sạch sẽ, gọn gàng sau khi đội tuyển Nhật Bản rời đi, người Nhật đã giành được sự tôn trọng của cả thế giới.

Tại một trường tiểu học, một người mẹ sống ở Nhật trong một thời gian dài đã chia sẻ những điều cô quan sát được. Hai đứa con của cô ấy hiện đang theo học tại các trường tiểu học công lập gần nhà. Theo quan điểm của cô, việc làm của đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản cũng như cổ động viên Nhật là thói quen tự nhiên, tồn tại trong các việc làm nhỏ nhặt thường ngày cũng như trong nền giáo dục Nhật Bản.  

Đội tuyển bóng đá Nhật Bản làm như vậy là điều hiển nhiên

Nhật đã thất bại trong trận đấu với Bỉ, con gái lớn của tôi rất thất vọng, bởi vì điều đó có nghĩa là nó sẽ phải làm bài tập giống như mọi ngày, giáo viên chủ nhiệm đã nói, nếu Nhật thắng Bỉ, vậy thì sẽ không cần làm bài tập của hai ngày này.

Đối với trận đấu này, tôi vốn không có am hiểu gì, sáng sớm thức dậy giúp con gái xem kết quả để xác định hôm nay nó có phải làm bài tập hay không mới thấy tỉ số trận đấu là 2-3.

Nhưng sau đó, tôi đã xem được hình ảnh lúc đội tuyển bóng đá Nhật cũng như người hâm mộ rời khỏi World Cup được bạn bè đăng tải trên Wechat: Các cầu thủ đã dọn dẹp gọn gàng phòng thay đồ, còn để lại tờ giấy nói lời cảm ơn bằng tiếng Nga; còn cổ động viên nén nỗi buồn khi đội tuyển Nhật bị loại để dọn rác trên khán đài.

Các bình luận nói rằng, hình ảnh trên khán đài sân vận động đã “khiến mọi người cảm phục”, thể hiện được phẩm chất đáng quý của cầu thủ cũng như cổ động viên Nhật Bản.

Sau khi xem xong, tôi lại cảm thấy những việc như vậy với người Nhật mà nói có lẽ là điều rất bình thường. Nói một cách khác, họ làm như vậy là chuyện tất nhiên, hoàn toàn không liên quan gì tới việc thắng thua.

Vậy thì tại sao với người Nhật, làm những chuyện đó lại là điều hiển nhiên? Nhật Bản đã làm thế nào để giáo dục trẻ em cách quan tâm, chăm sóc và biết ơn người khác.

Để trả lời 2 câu hỏi này thực không dễ, tôi đã thử tìm câu trả lời từ những phương diện, những câu chuyện khác nhau. Nói một chút tới cảm nhận của người mẹ về nền giáo dục chuẩn mực của Nhật Bản. (2 đứa con của tôi đều theo học tại trường tiểu học công lập Nhật ở gần nhà).

1. Sự chu đáo, tỉ mỉ

Con gái lớn của tôi có chuyến du lịch mùa thu, buổi sáng lại quên mang bình nước theo, sau khi tôi phát hiện ra liền mang tới trường cho nó. Lúc đó, ngài hiệu trưởng với bộ đồ Tây chỉnh tề đang đứng trước cổng chào hỏi từng người (kể cả những người qua đường).

Mặc dù đã qua thời gian vào lớp, ông ấy vẫn đứng ở đó, đúng lúc hiệu trưởng chuẩn bị đi thì gặp một học sinh tới trễ, ông đã nói với em học sinh đó: “Chào buổi sáng! Cố lên!”

Vốn dĩ ông hiệu trưởng muốn đứng đợi những học sinh tới trễ.

Đối với những học sinh không biết giải thích thế nào về việc mình đi trễ, thì câu nói “Chào buổi sáng! Cố lên!” thể hiện sự quan tâm nhiều hơn so với việc phê bình “Nhanh lên nào, đã trễ học rồi!”

Những đứa trẻ nhận được sự động viên, sau này cũng sẽ biết cách khích lệ người khác. Những đứa trẻ nhận được sự quan tâm, ngày sau cũng sẽ biết quan tâm người khác.

Người Nhật rất coi trọng nghi thức, lễ nghĩa. Và chào hỏi được xem là một nét văn hóa độc đáo của họ.

2. Sự chăm sóc

Trường tiểu học của con gái tôi tháng nào cũng ra một số báo. Trang đầu tiên của mỗi kỳ báo sẽ có phụ trương đặc biệt: Chim én năm nay tới rồi!

Năm nay, những con chim én đã tới xây một cái tổ ở cổng chính. Từ bên dưới, có thể nhìn thấy 3 con chim non đang hưng phấn ăn những con mồi. Cha mẹ của chúng đi quanh trường tìm kiếm đồ ăn, côn trùng, mang về tổ đút cho chim non ăn.

Có một lần, én cha và én mẹ còn bay vào phòng học của các em học sinh lớp 5. Những đứa trẻ nhìn thấy sự chăm sóc tỉ mỉ của chúng dành cho én con, tất cả các em đều mỉm cười.

“Tổ én đáng yêu đó được xây khi nào vậy? Hy vọng có thể cùng với các bạn học sinh âm thầm bảo vệ tổ én này. Năm nay, nhờ các bạn nhỏ chăm sóc nhiều hơn.”

Khi mà đọc được những lời này, trong lòng tôi cảm thấy rất ấm áp, bản thân tôi cũng muốn tận mắt nhìn thấy tổ én. Chăm sóc tổ én, các em nhỏ sẽ thấy được quá trình trưởng thành, cũng như nuôi dưỡng của gia đình én.

Những chú én tới thăm trường học, nhà trường để học sinh bảo vệ những chú chim này, cả hai đều quan tâm chăm sóc lẫn nhau.

3. Sự biết ơn

Mỗi năm trường học ở Nhật đều tổ chức những bữa ăn giữa cha mẹ và con cái dành cho học sinh năm nhất. Học sinh cùng với người nhà sẽ tập trung tại phòng thể dục, học kiến thức về dinh dưỡng và quy tắc ăn uống, sau đó cùng thưởng thức bữa trưa của trường.

Nghe nói, một bộ dụng cụ ăn của học sinh (bao gồm 1 đôi đũa gỗ, 1 bát cơm bằng sứ, 1 bát canh bằng sứ, một đĩa sứ) khoảng 5.000 Yên.

Các bà mẹ biết được điều này đều rất ngạc nhiên, một bộ dung cụ ăn rất gọn nhẹ, đơn giản không ngờ lại đắt như vậy.

Các chuyên gia dinh dưỡng giải thích rằng: Từ rất lâu đã sử dụng bát nhựa – loại bát không vỡ, nhưng sau này lại quyết định sử dụng đồ sứ – một vật liệu dễ vỡ, chính bởi vì dễ vỡ, nên sẽ giáo dục được trẻ nhỏ cách biết ơn và trân trọng những vật dụng có giá trị.

Lúc ăn trưa, tất cả các em đều đeo khẩu trang, cẩn thận lấy đĩa thức ăn bưng tới bàn; các em lấy cơm xong sẽ không ăn ngay, đợi cho tất cả các bạn có nhiệm vụ xới cơm đều đã ngồi xuống, cùng nhau nói: “Con bắt đầu ăn ạ” mới ăn.

“Tôi bắt đầu ăn đây” (いただきます)là câu nói quen thuộc trước khi bắt đầu bữa ăn của người Nhật, thể hiện sự trân trọng với chính thức ăn cũng như những người đã cung cấp và làm nên đồ ăn.

Cuộc sống của chúng ta được tạo nên từ sự sống của những sinh vật khác, cũng được tạo nên do sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Một bữa ăn có được là nhờ nguồn nguyên liệu, nhờ người trồng trọt, chăm sóc, phải bỏ công sức, tâm huyết và tình yêu thương vào đó, vậy nên chúng ta phải thể hiện lòng biết ơn.

4. Sự trân trọng

Tôi thường xuyên nhận được thư tư vấn tâm lý từ nhà trường. Có một lần, trong thư viết một đoạn như sau:

Lúc chúng ta mở tủ lạnh, là để xem trong đó có những gì, hay để kiểm tra trong đó đã thiếu mất thứ gì?

Nếu chúng ta mang theo tâm trạng là tìm kiếm xem có gì, dùng để nấu cơm, sẽ cảm thấy cảm kích: “Ồ, vẫn còn nguyên liệu để nấu ăn!”, nhưng nếu mở tủ lạnh với suy nghĩ kiểm tra xem đã thiếu thứ gì, bạn sẽ chỉ chú ý tới thứ bị mất, sẽ không thể nhanh chóng để làm ra một bữa ăn ngon, cũng sẽ không thấy cảm kích vì bất cứ điều gì.

Đối với trẻ nhỏ cũng như vậy.

Trước tiên hãy chú ý tới khả năng vốn có của bé, khuyến khích, khen ngợi những điều đó, rồi mới xem tiếp, nếu bé muốn làm một việc nào đó vậy cần thiếu những gì.

Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, trong tủ lạnh không phải lúc nào cũng có đầy đủ các loại thực phẩm như ta mong muốn. Tự bỏ công sức tận dụng mọi thứ có sẵn, như vậy chúng ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.

Tôi rất thích những lời này. Từ đó về sau, mỗi lần mua thức ăn nấu cơm tôi đều nhớ “trước tiên phải xem có những gì”.

Nếu như mỗi bậc làm cha mẹ đều ghi nhớ ưu tiên “xem xem bản thân và con cái của mình đang có những gì” thay vì lo lắng bổ sung những thứ “không có”, “không được”, phải chăng sẽ dễ dàng có được cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc hơn.

5. Sự nỗ lực

Vào mỗi cuối học kỳ kết thúc, các bé sẽ mang về một bảng đánh giá tổng hợp chính thức, trong đó phần “giảng dạy” sẽ chiếm vị trí quan trọng nhất (ở mỗi môn học), có rất nhiều mức độ đánh giá, chia thành 3 mức “làm rất tốt”, “làm tốt” và “cần cố gắng thêm chút nữa”.

Con gái giải thích cho tôi, cô giáo nói:

  • “Làm tốt” chính là “đã cố gắng đạt tới mức cần thiết”
  • “Làm rất tốt” chính là “đã làm tốt trên khả năng có thể”
  • “Cố gắng thêm chút nữa” chính là “nếu cố gắng thêm một chút nữa sẽ càng tốt hơn”

Mặc dù vào mỗi cuối học kỳ sẽ có khá nhiều bài kiểm tra, nhưng mà điểm số không viết vào bảng đánh giá tổng hợp. Các bé cũng sẽ tự xem bảng đánh giá. Điều mà được xem trọng hơn điểm số chính là sự nỗ lực.

Một trái tim biết nỗ lực và phấn đấu vì người khác là một điều đáng được bảo vệ và trân trọng.

Yến Nhi

Xem thêm: