Nhiều phụ huynh Trung Quốc bức xúc khi thấy con mình không được ưu tiên hơn những đứa trẻ khác qua hình ảnh trên camera giám sát lớp học và liên tục phàn nàn với giáo viên mầm non.

Tại văn phòng làm việc ở Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, cô Luo Huan 29 tuổi vừa xong một phần công việc buổi sáng và ngay lập tức mở điện thoại lên để xem tình hình cô con gái Lili 2 tuổi đang làm gì ở lớp. Bà mẹ một con luôn không yên tâm như vậy. Vài tháng trước, sau khi thấy con gái mình không còn nghịch ngợm như ngày thường mà trầm lặng một cách kỳ lạ, cúi đầu xuống và nắm chặt tay. Cô Lou đoán con đã làm gì sai, không dám lên tiếng và đã quyết định cho con chuyển trường.

Cô Luo không phải là người duy nhất quan sát con mình ở trường. Xu hướng lắp đặt camera giám sát trong các lớp học đã trở lên tăng vọt trong vài năm qua – khi một loạt các vụ lạm dụng trẻ em trong các trường mẫu giáo trên khắp Trung Quốc đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng, các phụ huynh muốn sát sao hơn với con và đề phòng các vụ lạm dụng, bạo lực trẻ em xảy ra với con mình, theo Sixth Tone.

camera lớp học
(Ảnh: cô Luo Huan cung cấp cho Sixth Tone)

“Nếu không có thiết bị ghi hình ở đó, sẽ có rất nhiều điều xảy ra mà tôi không biết. Những đứa trẻ khác chỉ học cách bò sau 6-7 tháng. Con gái tôi đã có thể leo lúc 4 tháng và bắt đầu biết đi ở tháng thứ 8. Chỉ một thời gian ngắn sau sinh nhật đầu tiên, con bé đã leo lên cầu trượt cho trẻ mới biết đi. Nó không thích ngủ trưa, thích chơi và luôn tìm cái gì đó để làm”, cô Lou kể.

Đó là lý do tại sao biểu hiện mệt mỏi của con gái, không cười hay đùa giỡn khiến cô Luo khó chịu.

Đối với những bậc cha mẹ như cô Luo, việc có thể dõi theo con cái mang lại cho họ cảm giác an toàn nhưng việc phát trực tiếp mọi hoạt động của trẻ từ học, ăn, chơi, ngủ trưa vẫn chưa thực sự xoa dịu nỗi sợ hãi của các bậc phụ huynh.

“Trong một lần xem video, tôi phát hiện một cô giáo đang nằm cuộn tròn trên chiếc giường nhỏ trong giờ ngủ trưa của bọn trẻ. Cô ấy ôm một cậu bé vào lòng trong khi đang lướt điện thoại. Điện thoại liên tục cọ vào mặt bé trai đang ngủ”, cô Lou nói.

Vào thời điểm đó, bà mẹ 29 tuổi quyết định không báo cáo sự việc trên nhóm dành cho phụ huynh, vì có thể cô đã hiểu nhầm những gì mình nhìn thấy trên màn hình. Nhưng cô không thể ngừng lo lắng…

Một buổi sáng, cô Luo bật điện thoại và thấy bé Lili ra khỏi phòng tắm của trường một mình, nhưng với dáng đi lạch bạch, rõ ràng là cô bé đã vô tình làm ướt mình. Cô đã nghĩ tới chuyện báo cho các giáo viên trong nhóm WeChat, nhưng cô lại nghĩ: “Mình có nên chờ xem không? Có phải mình đã quá vội vàng khi đánh giá các giáo viên?”. Vài giờ sau, không có giáo viên nào nhận ra dáng đi vụng về của bé Lili, và con gái cô cũng không yêu cầu sự giúp đỡ. Cuối cùng, cô Luo đã đưa sự việc lên nhóm trò chuyện.

Một hôm khác, bé Lili đến trường trong trang phục thể dục. Nhưng khi đón cô bé, cô Lou thấy con không mặc quần tập nữa. Bà mẹ đã hỏi con gái về những chuyện đã xảy ra. Bé Lili vừa khóc vừa nói: “Tất cả bạn khác đều nói quần tập này xấu.”

Khi được hỏi, giáo viên nói rằng vì những đứa trẻ ở độ tuổi bé Lili đã có thể tự đi vệ sinh nên cô đã cởi giúp cô bé chiếc quần. Câu trả lời khiến cô Luo càng lo lắng hơn khi cô giáo đã thay quần của con bé trước mặt cả lớp.

Việc quá sát sao như vậy gặp phải sự phản đối của một số chuyên gia giáo dục mầm non. Nhưng hầu hết các nhà trẻ và trường mẫu giáo tư nhân đồng ý gắn camera để làm yên lòng các ông bố, bà mẹ, họ không muốn mất các khách hàng.

Tất nhiên, ngoài những lợi ích mang lại, xu hướng này cũng khiến các giáo viên mầm non đôi khi thấy khó xử. Hình ảnh góc rộng từ camera giám sát ở trên cao khiến không ít giáo viên mầm non khó chịu vì có hàng trăm “con mắt” đang nhìn chằm chằm vào mình, sau đó là các lời nhắn gửi, khen, chê, phàn nàn trong nhóm chat phụ huynh.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, cô Lin Yue, hiện là hiệu trưởng tại một trường mẫu giáo ở Tế Nam, đã liệt kê một số nhận xét từ phụ huynh trong các cuộc trò chuyện nhóm.

“Tại sao giáo viên cho những đứa trẻ khác ăn mà không phải con tôi? Tại sao cô giáo không bao giờ hỏi han con tôi? Tại sao cô giáo chỉ nắm tay đứa trẻ thân thiết nhất mỗi khi đi chơi xa? Con tôi vặn mình và xoay người trong giờ học, rõ ràng là nó cần đi vệ sinh. Tại sao giáo viên không nhận thấy điều đó?” v.v…

Theo kinh nghiệm của cô Lin, những yêu cầu như vậy từ phụ huynh thường muốn giáo viên phải quan tâm con họ hơn. Bà cho biết hầu hết ông bố, bà mẹ trong nhóm chat đều có thái độ tích cực, nhưng đôi khi không tránh khỏi mâu thuẫn. Quá mệt mỏi vì những yêu cầu khắt khe, cảm giác bị quấy rầy, xúc phạm, nhiều giáo viên mầm non đã chọn nghỉ việc.

Cô Lin cho biết một số bậc cha mẹ thấy con mình xoay người trên ghế và ngay lập tức kết luận rằng chúng cần đi vệ sinh, điều này không phải lúc nào cũng đúng. “Đó chỉ là sự hiểu biết mà họ hình thành dựa trên việc quan sát con cái ở nhà”, cô Lin chia sẻ.

Hiệu trưởng này cho hay các giáo viên mầm non có cách riêng để giải quyết vấn đề của trẻ nhỏ nên đôi khi video giám sát có thể dẫn đến hiểu lầm. Ví dụ, nếu một vài đứa trẻ bật khóc cùng một lúc, phụ huynh sẽ khó chịu khi cô giáo ưu tiên đứa trẻ khác hơn con mình.

Một số ông bố, bà mẹ khác thì giữ mối ác cảm với giáo viên mà không rõ lý do. Tại hầu hết trường mẫu giáo trên khắp Trung Quốc, ai cũng muốn con mình được chú ý nhiều hơn, nhưng khả năng của các cô giáo thì có giới hạn. Nên sẽ tốt hơn nếu các phụ huynh luôn bình tĩnh và có sự thông cảm với các giáo viên, trẻ con cũng cần được va vấp, rèn luyện, việc cưng chiều con quá mức đôi khi cũng không hẳn đã tốt.

Hoài Anh

Xem thêm: