Canaries in a Cold War (tạm dịch: Những chú chim hoàng yến trong Chiến tranh Lạnh) là bộ phim tài liệu kể về hành trình đến Washington vào mùa đông năm 2021 của ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ, James H. White, với hy vọng viết một bài hát về Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh, nhằm phản ánh sự lạm dụng và vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Canaries in a Cold War
Phim tài liệu Canaries in a Cold War (Những chú chim hoàng yến trong Chiến tranh Lạnh). (Ảnh chụp màn hình video)

Ở đó, James White gặp ba chị em gái, những người đã nhiều năm chịu sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sau khi nghe những câu chuyện đau lòng của họ, James White đã bay đến London, nơi anh tiếp tục phát hiện ra một mạng lưới truyền thông phức tạp và nham hiểm đã bị chính quyền Trung Quốc mua chuộc để đưa những thông tin bị kiểm duyệt và lừa dối.

Cho rằng đây là “sự che đậy lớn nhất trong lịch sử hiện đại”, James White nhớ lại cuộc gặp gỡ của mình với ba chị em cùng cách họ phải chịu đựng và vượt qua các hình thức tra tấn tàn bạo tại nhà tù Trung Quốc chỉ vì họ tu luyện Pháp Luân Công. 

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện Phật gia của Trung Quốc được hàng chục triệu người ở Trung Quốc và trên thế giới thực hành kể từ khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992.

Tuy nhiên đến tháng 7/1999, ĐCSTQ đã bắt đầu một chiến dịch lớn để xóa bỏ môn tu luyện được đông đảo người dân yêu mến và thực hành này. Cuộc bức hại đã khiến ​​hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tới hàng thập kỷ, với hàng nghìn người bị tra tấn đến chết, và con số này vẫn đang gia tăng cho đến hiện nay.

Bị treo trong nhiều giờ, trói trên ‘giường chết’ và bị đánh đập

Câu chuyện đầu tiên từ người chị cả, Ma Chunmei, hiện đang sống ở Virginia với chồng là Kim Eng. Cô Chunmei bị bắt lần đầu tiên và giam trong tù 45 ngày sau khi đến quảng trường Thiên An Môn để phản đối một cách ôn hòa cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Sau đó, cô lại bị bắt và giam giữ trong 1 năm. Cô đã bị tra tấn, bức thực và bị ép lao động khổ sai 19 giờ mỗi ngày.

“4 hoặc 5 nữ cảnh sát đã đánh tôi,” cô kể họ đã đấm liên tục vào mặt cô khiến cô bị chảy máu mũi và miệng. Ba chị em cũng cho biết họ đã bị treo hàng giờ lên trần nhà với đôi chân lủng lẳng trên mặt đất, và bị giật bằng dùi cui điện trong vài giờ trong khi bị trói trên cái gọi làgiường chết

Trong hình thức tra tấn này, tay nạn nhân bị còng vào đầu giường và chân bị trói bằng dây nylon. Sau đó, các sợi dây được quấn chặt quanh cơ thể từ chân đến ngực khiến nạn nhân rất khó thở. Người đó thường không thể đi hoặc thậm chí đứng sau khi trải qua cực hình này. 

Người chị thứ hai, Chunlin, đã bị bắt 5 lần sau khi biểu tình ôn hòa ở Đại Liên và cũng bị tra tấn, ngược đãi và cưỡng bức lao động vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong một lần bị tra tấn, cô bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu cứng trong suốt một tuần cho đến khi phần mông của cô chuyển sang màu tím đen.

Hai chị em cũng kể về chuyện 18 học viên nữ bị đưa vào phòng giam nam, nơi họ bị hãm hiếp. Một phụ nữ trẻ thậm chí còn có một đứa con do hậu quả của những vụ lạm dụng này nhưng không biết ai là cha đứa trẻ. 

Ngoài ra, họ còn bị lấy một lượng máu lớn, một điều bất thường đối với các thủ tục y tế thông thường như kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, lượng máu lớn này phù hợp với các xét nghiệm cần thiết cho việc lấy nội tạng

Đồng lõa bằng sự im lặng

Sau khi nghe câu chuyện của ba chị em, James White đã đến London, nơi anh gặp Sir. Geoffrey Nice, người chủ trì Tòa án độc lập về Trung Quốc. Tòa án có trụ sở tại Vương quốc Anh này được giao nhiệm vụ điều tra “Báo cáo về hàng nghìn khách du lịch đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng”.

Theo trang web của Tòa án độc lập, quy mô của ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc, cùng với các bằng chứng khác, cho thấy ĐCSTQ có liên quan đến việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng và bán nội tạng từ các tù nhân lương tâm bị sát hại để kiếm lời. Các nạn nhân chính của sự tàn bạo này là thành viên của các nhóm bị chính phủ bắt giữ tùy tiện vì lý do chính trị – chẳng hạn như người tập Pháp Luân Công, người Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người theo đạo Thiên Chúa. 

Sau khi công bố kết luận của tòa án, chính phủ Trung Quốc đã cấm Sir. Geoffrey Nice và các thành viên tòa án khác đến Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả của tòa án phù hợp với thực tế là hàng nghìn học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị nhắm mục tiêu và giết để lấy nội tạng ở Trung Quốc ngày nay.

James White cũng nhấn mạnh về cuộc gặp gỡ với ông Ethan Gutmann ở Los Angeles, một nhà báo điều tra. Ngoài việc thu thập bằng chứng về việc mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công, ông Gutmann còn điều tra sự che đậy có hệ thống và tội ác diệt chủng mà người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm khác ở Trung Quốc phải trải qua. 

Ông Gutmann cho rằng các phương tiện truyền thông đang đồng lõa che đậy cái mà ông mô tả là “lò thiêu hàng loạt” mà các tù nhân lương tâm phải chịu đựng trong các nhà tù ở Trung Quốc. 

ĐCSTQ có một bề dày “thành tích” trong việc nhắm mục tiêu vào các tín ngưỡng tôn giáo và các nhóm thiểu số để đồng bộ hóa bạo lực với hệ tư tưởng vô thần của nó. Theo điều tra từ Liên Hợp Quốc, hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vẫn bị bỏ tù trong các trại tập trung trên khắp các vùng xa xôi hẻo lánh ở miền tây Trung Quốc. 

Bộ phim cũng làm sáng tỏ cách thức 90% các hãng truyền thông Mỹ thuộc sở hữu của 6 tập đoàn có quan hệ kinh doanh sâu sắc với Trung Quốc, dẫn đến việc giảm mức độ đưa tin về những hành động tàn bạo mà ĐCSTQ đã gây ra. 

“Tuy trở nên lớn mạnh nhờ nguồn vốn và đầu tư từ phương Tây nhưng ĐCSTQ đang dần khiến hệ thống của chúng ta quay lưng lại với chính chúng ta,” James White nói trong bộ phim. 

‘Một dự án đầy thử thách’ 

Đạo diễn của bộ phim, ông Mathias Magnason, cho biết dự án là sự nỗ lực cam go và phải mất 6 tháng để chỉnh sửa và hoàn thành. “Sau khi hoàn thành cảnh quay ở New York, Washington và London, bộ phim đã vượt quá ngân sách và câu chuyện đã phát triển lớn hơn nhiều so với dự định ban đầu của tôi,” ông Magnason nói với Vision Times. 

Nhưng tầm quan trọng của việc kể câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho đoàn làm phim vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành dự án. 

Ông Magnason cho biết: “Câu chuyện được thành hình trong quá trình này đã truyền cảm hứng và đưa tôi đến đích”, ông cũng nói thêm rằng: “Khi chúng ta nghe về những vụ vi phạm nhân quyền xảy ra ở Trung Quốc, chúng ta thường nghĩ nó không có liên quan gì đến chúng ta, nhưng tôi nghĩ bộ phim này sẽ thay đổi tư tưởng đó.”