Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra, điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của Zuo Zuo. Cậu bé sinh ra với căn bệnh tự kỷ thiệt thòi hơn nhiều so với những đứa trẻ khác nhưng lại may mắn được thiên phú cho tài năng âm nhạc hơn người. 

Mới đây, tài năng đánh đàn piano của cậu bé tự kỷ Zuo Zuo (4 tuổi, đến từ  tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc) đang gây xôn xao mạng xã hội. 

Zuo Zuo vốn bị bệnh tự kỷ nên chắc chắn cậu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong suốt quá trình trưởng thành. Do vậy mà mẹ của cậu bé vô cùng hạnh phúc vì con trai được thiên phú tài năng âm nhạc. Bà hy vọng Zuo Zuo sẽ tiếp tục chơi piano khi lớn lên và bà sẽ là hậu phương vững chắc luôn ủng hộ tình yêu âm nhạc của cậu. 

Mẹ của Zuo Zuo chia sẻ rằng cậu bé không hề tỏ ra yêu thích âm nhạc cho đến năm lên 3 tuổi. Để xác định xem con có thực sự quan tâm đến âm nhạc hay không, bà đã mua một bộ bàn phím điện cho con tùy ý sử dụng. Tài năng của cậu bé dần được bộc lộ và cậu hoàn toàn bị hút hồn bởi món “đồ chơi” mới.

“Con trai tôi tỏ ra rất thích thú. Nó luyện tập với bộ bàn phím điện mỗi ngày”, người mẹ nói với Shanhai Video.

Người mẹ cũng nói thêm rằng Zuo Zuo rất giỏi ghi nhớ các bài hát. Nếu giai điệu không quá phức tạp, cậu có thể chơi lại bản nhạc từ trí nhớ sau khoảng 10 lần luyện tập. Hiện tại, cậu bé 4 tuổi có thể chơi hơn 40 bài hát.

Không những thế, Zuo Zuo còn có tài năng bịt mắt đánh đàn. Câu chuyện của cậu hiện đang được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Trung Quốc. 

“Con trai tôi đã từng bịt mắt rồi chơi một số giai điệu có độ khó cao”, người mẹ kể lại.

Khi hay tin con trai phải sống với chứng tự kỷ suốt đời bà rất đau lòng. Nhưng giờ bà đã thấy nhẹ nhõm hơn vì cậu bé đã tìm thấy một niềm đam mê lớn – âm nhạc.

“Cảm giác của tôi lúc này là khi Thượng đế đóng lại một cánh cửa, Ngài sẽ mở ra cửa sổ ở một chỗ khác. Nó mang lại cho tôi hy vọng”, người mẹ nói.

Câu chuyện của cậu bé truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Hàng triệu cư dân mạng đã để lại lời nhắn chúc cậu nhiều sức khỏe, may mắn và luôn hạnh phúc với người bạn đồng hành mang tên “âm nhạc”. 

Tự kỷ ở Trung Quốc là một vấn đề rất phức tạp. Theo thông tin từ The Post vào năm 2021, các trung tâm giáo dục ở các thành phố lớn (như Bắc Kinh) có thể chăm sóc rất tốt cho người bị tự kỷ. Nhưng họ thường trở nên dè dặt, tự ti khi phải rời khỏi trung tâm vì họ sẽ không nhận được nhiều sự hỗ trợ nữa.