Người xưa có một câu nói rất trí tuệ rằng “Tái ông thất mã, yên tri phi phúc” (Tái ông mất ngựa, sao biết không phải là phúc), ngụ ý rằng trong hoành cảnh đặc biệt nào đó thì việc xấu cũng có thể trở thành việc tốt.

Dưới đây là câu chuyện ấm lòng về “một chén tào phớ – vị khách tàn tật quên trả tiền và ông chủ tốt bụng” khiến mọi người xúc động:

Khách bỏ đi mà chưa trả tiền, ông chủ không chạy theo đòi tiền

Vào một buổi sáng, ông chủ đang chuẩn bị tào phớ như thường lệ, xung quanh có mấy người khách vừa đến.

Lúc này có một người mẹ tàn tật ở chân đưa một cậu bé bước vào, cô gấp gáp bảo ông chủ mang cho họ một chén tào phớ và màn thầu rồi tìm một chỗ ngồi xuống.

Khi ông chủ bưng món lên cho họ, ông nghe thấy người mẹ đang giục con trai ăn sáng mau lên.

Thì ra ngày hôm nay là thứ hai, trường của cậu bé đều sẽ tổ chức lễ, vì thế người mẹ đã nhắc nhở con đừng đi muộn.

Cậu bé cũng rất vâng lời, mau chóng ăn hết bữa sáng, người mẹ kéo con đứng dậy, không trả tiền mà đi thẳng ra ngoài.

Vợ của ông chủ muốn đuổi theo nhưng bị ngăn lại, bà vợ tò mò hỏi chồng: “Ông có quen người mẹ tàn tật này à?”. Ông chủ chỉ lắc đầu. Bà vợ nghi ngờ hỏi: “Nếu đã không quen vậy tại sao không đòi tiền của bà ta?”

Ông nói: “Họ có việc gấp, đây là có lý do cả mà”. Mấy người khách ngồi ăn bên cạnh cũng gật đầu nói: “Thấy họ có vẻ gấp gáp thế, chắc chắn là quên rồi đấy!”

Khi đó có một cô gái trẻ gọi tính tiền, cô gái tốt bụng muốn trả thay cho người mẹ quên trả tiền kia, nhưng ông chủ khoan dung này chỉ lắc đầu và dứt khoát: “Không cần, không cần!”.

Mấy người bên cạnh đều đang cảm động trước nghĩa cử cao đẹp này thì khi đó bà vợ đứng bên cạnh lại buồn phát khóc. Bà vợ của ông chủ vừa khóc vừa nói: “Tôi đâu có muốn làm kẻ hẹp hòi đâu”, rồi khóc to lên và kể câu chuyện của bà, thì ra gia đình họ thật ra cũng chẳng giàu có gì, lại thêm con gái bị bệnh tim bẩm sinh, vì thế họ phải sống rất cực khổ để kiếm tiền cho con gái chữa bệnh sớm, cuộc sống rất khổ cực.

Bà nói hành động của bà bây giờ có vẻ như “một kẻ nhỏ nhen tính toán chỉ vì một chén tào phớ, một cái màn thầu”, thế nhưng bác sĩ cũng nói với họ rằng bệnh của con gái bà cần phải chữa càng sớm càng tốt, để muộn e là hậu quả rất nghiêm trọng.

Ông chủ và vợ chỉ biết cố gắng làm việc, thức khuya dậy sớm để kiếm tiền thì mới có thể chữa bệnh cho con sớm được.

Người mẹ tàn tật nọ quay trở lại cửa hàng…

Nỗi khổ không ai hay biết của người vợ khiến những người nghe bà nói cảm thấy trong lòng nặng trĩu, có một người đàn ông trung niên xúc động lấy ra một trăm đồng đưa cho ông chủ và nói: “Không cần thối lại, cứ xem như đây lòng tốt của tôi”, hy vọng bản thân ông có thể giúp được gì đó cho người ta.

Thế nhưng ông chủ luôn nghĩ cho người khác này thật sự không thể nhận không tiền của người khác, ông vội vàng cảm ơn rồi vẫn thối tiền lại cho người kia.

Trùng hợp thay, chính vào lúc này, người mẹ tàn tật vừa rồi quay lại, cô nói với mọi người rằng: “Vừa rồi con trai có hỏi tôi, vì sao ăn mà không trả tiền cho người ta”, rồi bà giải thích rằng trí nhớ của mình không được tốt lắm, thật sự là không nhớ là tính tiền hay chưa, thế nên bà quay lại để hỏi ông chủ.

Ông chủ mỉm cười, nhẹ nhàng trả lời: “Quả thật là cô chưa đưa tiền cho tôi”. Người mẹ này cũng tò mò  hỏi: “Vì sao lúc đó ông không đòi tôi?”

Việc này khiến người mẹ tàn tật suy nghĩ mãi mà không hiểu nổi.

Ông chủ tốt bụng, suy nghĩ cho người khác trước

Lúc sau, ông chủ mới nói ra suy nghĩ của mình, ông khoan dung giải thích với cô ấy: “Cô là một người mẹ bị tàn tật, trong mắt người khác thật sự chẳng sung sướng gì, con của cô ít nhiều cũng sẽ có cảm giác tự ti!”

Ông thông cảm cho người mẹ này có lẽ là bởi vì buổi sáng gấp gáp cho nên có thể nhất thời quên trả tiền, “Nếu tôi chạy theo cô đòi tiền thì cô sẽ bị ngượng lắm. Có thể cô không có cảm giác đó nhưng lòng tự tôn của con trai cô sẽ không chịu đựng nổi”.

Thì ra ông chủ này cũng là người làm cha, ông nghĩ đến tâm hồn ngây thơ của con trẻ, sở dĩ ông không để vợ đuổi theo đòi tiền là vì để tôn trọng đứa trẻ cũng như người mẹ cực khổ này.

Mọi người đều cảm động…

Mọi người nghe vậy đều buông đũa trong tay xuống, nhiệt liệt vỗ tay hoan hô ông chủ khoan dung này.

Sự tinh tế và lương thiện của ông chủ này cũng khiến người mẹ tàn tật đỏ hoe mắt, cô xúc động cúi người trước ông chủ, vô cùng cảm kích cảm ơn ông: “Ông thật sự là một ông chủ rất tuyệt vời, tôi thay con trai cảm ơn ông!”

Sau sự việc ấm áp này, ngày hôm đó ông chủ nọ và vợ cũng không để tâm đến nữa mà tiếp tục bận rộn làm việc kiếm sống.

Sáng sớm ngày hôm sau, bên ngoài cửa hàng chật kín người. Ông chủ chỉ vừa mới mở cửa thì bên ngoài đã có đầy người đứng chờ làm cho ông hết hồn còn tưởng là xảy ra chuyện gì đó. Sau đó hỏi thăm thì ông mới biết thì ra mọi người đều đến để chờ ăn tào phớ của ông.

Tiệm tào phớ này đã mở được hai năm mà chưa từng náo nhiệt thế này bao giờ. Tuy ông chủ vô cùng kinh ngạc, nhưng ông và vợ đều nhanh chóng chuẩn bị món cho khách.

Và thế là việc kinh doanh cửa hàng tào phớ này càng ngày càng phát đạt, những người đến ăn thậm chí còn đông đến chật cả tiệm, phải xếp hàng đợi. Ngày hôm sau khi mở cửa tiệm, ông chủ vui mừng khi phát hiện ra đoàn người còn nhiều hơn ngày hôm qua nữa, rốt cuộc là có chuyện gì vậy nhỉ?

Thông qua mạng xã hội, mọi người đều biết đến lòng tốt của ông chủ này.

Ông tò mò hỏi một người khách trung niên thì mới biết: những vị khách này biết được sự nhân từ của ông chủ tiệm tào phớ thông qua trang weibo của một phóng viên, vì thế nên đặc biệt đến thăm.

Thì ra người mẹ tàn tật quên trả tiền hai ngày trước là một phóng viên, cô ấy đã viết câu chuyện kia ra, thu hút phản hồi của rất nhiều cư dân mạng, mọi người đều hy vọng có thể dùng tình yêu thương để báo đáp ông chủ tiệm tào phớ này.

Vì một chén tào phớ nhỏ và một cái màn thầu cùng lòng tốt và sự quan tâm đối với người khác của ông chủ nên ông mới được báo đáp như ngày hôm nay.

Hoa sen
(Ảnh: Bappa Pabitra/Shutterstock)

Sự hy sinh của ông bà xứng đáng với sự báo đáp này!

Người mẹ tàn tật nọ sau này cũng lại đến mua tào phớ, nhưng khi vợ chồng ông chủ hết lời cảm ơn cô thì cô lại cảm kích nói: “Không cần cảm ơn tôi, hai người nên tự cảm ơn chính mình, bởi vì tình thương mà hai người đã bỏ ra, cho nên mới có được sự báo đáp này!”

Tiệm tào phớ ban đầu như thể “mất tiền một chén tào phớ và một cái màn thầu” nhưng cuối cùng lòng tốt không cần trả ơn của ông chủ lại mang đến kết quả không ngờ và đã cứu được con gái của họ sớm hơn.

Câu chuyện đầy tình yêu thương ấm áp này cũng là một minh chứng của câu “Tái ông thất mã, yên tri phi phúc” và “Thiện hữu thiện báo”.

Thanh Trúc (Sưu tầm và biên dịch)

Xem thêm: