Ingvar Kamprad là người sáng lập IKEA, hiện là tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới. Bắt đầu từ việc chuyên bán các mặt hàng giá rẻ ở Thụy Điển, sau 10 năm, ông đã thành lập công ty đa quốc gia với sản phẩm chính là đồ nội thất giá rẻ nổi tiếng thế giới.

Ông Kamprad từng là người giàu có nhất Thụy Điển và nằm trong top những người giàu nhất thế giới liên tục nhiều năm, nhưng ông luôn duy trì, ủng hộ sự tiết kiệm và được mệnh danh là “người Thụy Điển cần cù nhất, tiết kiệm nhất”.

Ông Ingvar Kamprad, người sáng lập IKEA. (Ảnh qua telegraph.co.uk)
Ông Ingvar Kamprad, người sáng lập IKEA. (Ảnh qua telegraph.co.uk)

Tình hình tài chính

Theo xếp hạng của Forbes, Ingvar Kamprad đứng thứ 13 trong danh sách những người giàu có nhất thế giới với 18,5 tỷ USD vào năm 2004; vị trí thứ 6 vào năm 2005 với 23 tỷ USD; đứng thứ 7 trong số 10 người giàu có nhất thế giới năm 2008 và vươn lên vị trí thứ 5 vào năm 2009. Tài sản của ông đạt mức 34 tỷ USD vào năm 2015, sở hữu IKEA, Quỹ tiền tệ Stichting INGKA Foundation, ngân hàng IKANO và Interogo v.v…

Ông Kamprad sinh ra tại tỉnh Småland, miền tây Thụy Điển vào năm 1926, hiện ông đã 89 tuổi. Ông nội của Kamprad là người Đức di dân, sở hữu nông trường chủ yếu trồng cây gỗ lớn nhất trong vùng. Ông ngoại của Kamprad lại là thương gia giàu có nhất vùng, kinh doanh đất đai và nông trường. Có thể do chịu sự ảnh hưởng từ gia đình, mẹ của ông Kamprad cũng rất giỏi kinh doanh, bà cho khách du lịch thuê nông trường của gia đình vào mùa hè, thu về được một khoản không nhỏ.

>> Nhìn lại sự nghiệp của tổng thống Donald Trump trong làng giải trí

5 tuổi đã biết bán diêm

Từ nhỏ, ông Kamprad lớn lên ở nông trường Elmtaryd của gia đình, thiên bẩm đã là một thương gia. Năm 5 tuổi, ông đã biết bán diêm cho bạn bè. Lớn hơn một chút, ông bắt đầu đạp xe đi khắp vùng để bán diêm. Ông Kamprad phát hiện ra việc nhập một số hàng giá rẻ từ thủ đô Stockholm về, tuy bán ở địa phương chỉ được giá khá thấp, nhưng cũng có lời. Thế nên từ khi đó, Kamprad đã bắt đầu mua đi bán lại nhiều sản phẩm có thể sinh lợi nhuận, từ bật lửa, thiệp Giáng sinh, vật trang trí cây thông, các loại hoa cho đến bút bi và bút chì v.v… Có khi ông còn đạp xe mang số cá câu được bán đi nơi khác.

“Mua bán lớn” lần đầu tiên năm 11 tuổi

Ông Kamprad cho biết, bắt đầu từ thời mẫu giáo, ông đã có mong muốn kiếm tiền mạnh mẽ, ông đã hạ quyết tâm sau này phải làm thương nhân, điều này có liên quan đến cha ông – ông Fedor. Ông Fedor được giáo dục trong môi trường lâm nghiệp, ông có rất nhiều ý tưởng, suy nghĩ, nhưng luôn không thực hiện được vì thiếu tiền.

Ông Kamprad nhớ lại, khi còn nhỏ ông thường đi dạo cùng cha trong rừng. Năm ông 10 tuổi, có một lần cha ông chỉ một mảnh đất rừng và nói với ông rằng: “Cha muốn làm một con đường ở đây, nhưng phải tốn rất nhiều tiền”. Kể từ khi đó, ông Kamprad nghĩ rằng sau này phải kiếm thật nhiều tiền để giúp cha thực hiện kế hoạch của ông ấy.

Năm 11 tuổi, ông kiếm được một khoản tiền nhờ vào việc bán hạt giống, ông đã bỏ chiếc xe đạp cũ mà mẹ cho để mua một chiếc xe đạp mới và một cái máy đánh chữ, đó là vụ “mua bán lớn” đầu tiên trong đời ông.

>> 6 doanh nhân nổi tiếng thế giới từng làm phục vụ, rửa chén, giữ xe…

17 tuổi mở công ty, chuyên bán hàng giá rẻ thu hút khách hàng

Năm 1943, lúc này ông Kamprad 17 tuổi, cha ông đã tặng cho ông một khoản tiền để khen thưởng thành tích học tập. Ông Kamprad đã dùng khoản tiền này để mở công ty kinh doanh IKEA của riêng mình.

IKEA được đặt tên theo chữ cái đầu tiên của tên người và địa danh: “I” lấy từ tên Ingvar của ông, “K” là họ Kamprad, “E” và “A” lần lượt là nơi ông sinh ra, nông trường Elmtaryd của gia đình ông và nông trường Agunnaryd gần đó.

Ban đầu, IKEA đơn thuần là công ty tại nhà, giao hàng qua bưu điện, không có cửa hàng. IKEA bán bất cứ món hàng nào mà ông Kamprad nghĩ là có thể thu hút được khách hàng. Những thứ mà IKEA từng kinh doanh có bút chì, ví, khung hình, đồng hồ đeo tay, nữ trang, vớ ni lông v.v…

Năm 1950, ông Kamprad nảy ra ý tưởng về đồ nội thất có thể lắp ráp được, đây chính là “vũ khí bí mật” cho sự thành công của IKEA. Được biết, sáng kiến này của ông Kamprad xuất phát từ kinh nghiệm ở trường trung học.

Khi theo học ở trường trung học kinh doanh Gothenburg, ông thường hay đi dạo các cửa hàng trong giờ giải lao, quan sát cách họ kinh doanh. Có một lần, ông nhìn thấy nhân viên trong một cửa hàng bán giày phải leo lên leo xuống để tìm giày có màu khác, bối rối đến nỗi toát cả mồ hôi. Ông nghĩ rằng làm như vậy vừa mất sức vừa phí thời gian. Chính từ việc này, ông bắt đầu nghĩ xem phải làm thế nào mới có thể vận chuyển được hàng cho khách một cách đơn giản và tiết kiệm nhất. Ông sắp xếp tất cả cửa hàng IKEA theo một cách: bày toàn bộ hàng hóa lên kệ để khách hàng tự chọn, đồ nội thất được đóng gói gọn lại để dễ vận chuyển, khi về nhà khách hàng chỉ cần tự lắp ráp theo hình là được. Ý tưởng ban đầu về đồ nội thất theo kiểu tự lắp ráp đã hình thành như vậy, đến nay đã được sử dụng hơn nửa thế kỷ.

Năm 1951, ông Kamprad quyết định dừng việc bán những sản phẩm khác, tập trung sản xuất và kinh doanh đồ nội thất giá rẻ, lúc này mới chính thức xuất hiện IKEA có ý nghĩa như hiện nay. Cùng năm đó, IKEA đã phát hành catalogue sản phẩm đầu tiên. Hai năm sau, ông mua lại cửa hàng gỗ Älmhult và biến nó thành phòng trưng bày đồ nội thất. Năm 1955 đã xuất hiện bao bì thô theo ý tưởng của nhà thiết kế Gillis Lundgren. Năm 1955, IKEA đã bắt đầu kinh doanh đồ nội thất tự thiết kế.

Năm 1958, ông Kamprad mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở thành phố Almhult gần đó, cửa hàng đồ nội thất rộng 6.700 m2 này trở thành cửa hàng trưng bày đồ nội thất lớn nhất Bắc Âu lúc bấy giờ của IKEA, cũng là mẫu chuỗi cửa hàng “kiểu kho” và đây chính là trụ sở của công ty IKEA.

Năm 1963, ông Kamprad mở cửa hàng bên ngoài Thụy Điển đầu tiên ở thủ đô Oslo của Na Uy. Từ đó, quy mô của IKEA luôn không ngừng mở rộng. Năm 1965, cửa hàng nội thất Kungens Kurva ở Stockholm đi vào hoạt động. Thiết kế của cửa hàng này được lấy cảm hứng từ bảo tàng Solomon R. Guggenheim ở New York.

(Ảnh: aftonbladet.se)
(Ảnh: aftonbladet.se)

>> Trên thế giới chỉ có 1% người đạt đến “cảnh giới trí tuệ”

“Người cần cù, tiết kiệm nhất Thụy Điển”

Cả đời ông Kamprad đều chăm chỉ làm việc. Năm 2002, ông trở thành người giàu nhất Thụy Điển. Tuy có khối tài sản khổng lồ, nhưng ông Kamprad luôn chủ trương, duy trì việc tiết kiệm, ông được mệnh danh là “người cần cù, tiết kiệm nhất Thụy Điển” và cũng có người gọi ông là “triệu phú bủn xỉn”.

Câu nói mà ông Kamprad tâm đắc nhất là: “Chỉ cần chúng ta chịu bắt tay vào làm thì việc gì cũng sẽ tốt lên. Cuộc sống của chúng ta chính là lao động, công việc là bất tận”. Ông cho rằng chính sự cần cù làm việc đã tạo nên IKEA. Nhưng cũng bởi vì chăm chỉ làm việc, không quan tâm đến gia đình đã khiến ông gặp phải thất bại trong hôn nhân năm 1960.

Năm 1963, ông kết hôn cùng một cô giáo người Ý và có ba con trai.

Ông Kamprad thường hay đi du lịch Thụy Sĩ bằng xe buýt, dù cho ông đi xe lửa thì cũng ngồi ghế hạng hai, và khi đi máy bay cũng chỉ ngồi hạng phổ thông. Ông Kamprad cũng tránh mặc đồ tây, cuộc sống của ông không khác gì với người bình thường, ông thích đi chợ mua rau, trái cây vào buổi chiều là lúc giá cả khá rẻ.

Tiết kiệm cũng trở thành văn hóa tập đoàn của IKEA. Với sự sắp xếp của ông Kamprad, hàng triệu nhân viên của IKEA trên toàn thế giới đều luôn chọn ngồi ghế phổ thông khi đi công tác, bình thường ra ngoài cũng đi xe buýt chứ không dùng taxi.

Hiện nay, ông Kamprad đã không còn tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh của tập đoàn IKEA nữa, ông sống cuộc sống “bán về hưu” hạnh phúc ở Thụy Điển. Nhưng là một người không thể ngồi chơi không, ông vẫn thường hay đến các cửa hàng IKEA trên khắp thế giới. Ông Kamprad còn tham gia vào đại hội thường niên của IKEA. Được biết mỗi lần họp, ông đều bắt tay với gần một nghìn nhân viên.

1 quảng cáo sáng tạo của IKEA:

Theo Secret China
Mai Nguyên

Xem thêm: