Vừa chào đời cậu bé David Phillip Vetter đã phải sống trong bong bóng nhựa vô trùng. Nhờ phát minh của NASA mà mẹ của David đã được ôm con vào lòng lần đầu tiên khi cậu lên 5 tuổi.

bong bóng nhựa
Cậu bé David Phillip Vetter. (Ảnh: Jeremy112233 / Wikimedia Commons, CC0 1.0)

Sau 9 tháng nằm trong bụng mẹ, David Phillip Vetter chào đời và ngay lập tức được đặt vào trong một chiếc bong bóng nhựa. Đã hơn 50 năm kể từ khi câu chuyện về David xuất hiện trên mặt báo nhưng nó vẫn liên tục truyền cảm hứng và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người.

David Phillip Vetter chào đời vào tháng 9 năm 1971, tại Texas, Mỹ. Cậu là con thứ ba trong gia đình của ông bà Carol Ann và David. Họ có một con gái, Katherine và một con trai, David Joseph. Tuy nhiên, David Joseph đã sớm qua đời từ khi còn rất nhỏ vì mắc hội chứng SCID (hội chứng suy giảm miễn dịch tổ hợp nghiêm trọng). Thời gian trôi qua, cặp vợ chồng tiếp tục có tin vui nhưng bác sĩ cho biết đứa trẻ này có nguy cơ ra đời với 50% khả năng mắc SCID.

Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng David sẽ chỉ phải sống với bong bóng vô trùng trong thời gian ngắn, song song với đó họ sẽ nghiên cứu phương pháp chữa trị SCID. Họ nghĩ rằng cậu bé sẽ hết SCID khi lên 2 tuổi. Tuy nhiên, cuộc đời David không được may mắn như vậy, cậu đã phải sống cả đời trong chiếc bong bóng. Nếu rời khỏi đó, cậu sẽ có nguy cơ tử vong do nhiễm virus và vi khuẩn.

Các nhân viên của Trung tâm Bệnh viện Texas, nơi David trải qua 5 năm đầu đời, đã tự hỏi liệu việc nuôi dạy một đứa trẻ trong bong bóng là có đạo đức hay không, và cuối cùng họ đồng tình rằng đây là giải pháp tốt nhất.

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Bio Blossom (@bio.blossom) chia sẻ

Mọi thứ mà cậu bé sử dụng, như thức ăn, nước uống, tã lót, quần áo, sách, đều được khử trùng rồi đưa qua các khóa khí. Các thiết bị cách ly này được thiết kế bởi các kỹ sư của NASA. Sau này họ còn tạo ra một bộ đồ giống như phi hành gia cho David để giúp cậu tự do di chuyển.

Nhờ bộ đồ phi hành gia (trị giá 50.000 USD vào thời điểm đó) mà mẹ của David, bà Carol Ann, đã có thể bế và ôm con trai mình lần đầu tiên vào ngày 29/7/1977. Lúc đó David 5 tuổi.

Năm 1983, các bác sĩ đưa ra một giải pháp mới – truyền tủy xương từ những người hiến tặng không hoàn toàn phù hợp cho David. Katherine, chị gái của David, đã tình nguyện hiến tặng với hy vọng em trai mình sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Đáng buồn thay, 4 tháng sau, khi mới 12 tuổi, David Vetter đã qua đời vì ung thư hạch. Căn bệnh này xuất hiện do virus Epstein-Barr đã xâm nhập vào cơ thể David, tủy của chị gái cậu không có khả năng ngăn chặn loại virus này.

Bệnh viện Texas sau đó đã mở Trung tâm David – nơi chuyên nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến thiếu hụt miễn dịch. Nhờ câu chuyện của David mà Hoa Kỳ đã ban hành một số điều luật cho phép tổ chức các hội đồng sàng lọc trẻ sơ sinh. Hơn nữa, nhiều trẻ em mắc SCID được chẩn đoán sớm nay đã có cơ hội sống khỏe mạnh, bình thường. 

Một bác sĩ nổi tiếng đã chia sẻ rằng: “David đã mang đến cho chúng ta một bài học sâu sắc trong nhiều lĩnh vực y học, và cả trong cuộc sống”.