Việc phong tỏa biên giới giữa Singapore và Malaysia khiến nhiều cặp vợ chồng không thể gặp mặt dù chỉ cách nhau một cây cầu dài hơn 1 km bắc qua eo biển.

Glen Chee (50 tuổi), luật sư người Singapore đứng bên lan can cầu tàu, nhìn xa xăm về phía cây cầu chia cắt anh và vợ qua eo biển Singapore. Vợ anh hiện ở Malaysia và hai quốc gia láng giềng này hiện đã phong tỏa biên giới đến tháng thứ 8 do dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Insider.

Trước khi Covid-19 bùng phát, anh Chee chia tay vợ Candy Cheong (30 tuổi) và rời khỏi nhà ở Malaysia để tới Singapore làm việc và trở về vào tối thứ 6. Giờ đây tất cả những gì anh Chee có thể làm là đứng nhìn ánh đèn lấp lánh của bang Johor (Malaysia) từ xa. Với anh, 1 km rất gần nhưng giờ lại quá xa để vượt qua.

Cầu Ô Thước
(Ảnh: Wikipedia)

Bên kia biên giới, cô Cheong cũng bị mắc kẹt. Cô đã quyết định ở lại Johor để chăm sóc mẹ già ốm yếu ngay trước khi Malaysia áp đặt lệnh phong tỏa và giờ cảm thấy tiếc nuối vì nhẽ ra nên đưa mẹ qua Singapore với chồng.

Lần cuối cùng anh Chee gặp vợ là trong chuyến công tác tới Malaysia vào tháng 12 năm ngoái. Điều khiến anh Chee cảm thấy bi quan hơn là việc ngay cả khi các biện pháp kiểm soát di chuyển ở Malaysia được dỡ bỏ, vợ anh sẽ không thể đi lại trừ khi cô ấy có giấy phép lao động ở Singapore. Điều này có nghĩa là nếu muốn gặp nhau, anh phải đi sang Malaysia và trải qua tổng thời gian cách ly 28 ngày để trở lại Singapore – quá đủ để anh mất việc.

Chee nói rằng anh và vợ có thể gặp nhau ở quốc gia thứ 3 nếu các hạn chế đi lại được nới lỏng hơn, nhưng đó không phải là giải pháp hợp lý, lâu dài.

“Có sự căng thẳng về tâm lý và tình cảm, chưa kể đến rất nhiều nỗi cô đơn, đến từ việc phải xa những người thân yêu quá lâu”, anh Chee nói.

Câu chuyện của anh Chee không phải là hiếm gặp ở biên giới hai quốc gia láng giềng này. Trước khi đại dịch bùng phát, khoảng 450.000 người qua lại biên giới giữa Singapore và Johor mỗi ngày. Giờ đây, với các lệnh nghiêm ngặt được áp dụng, Singapore đã hạn chế đáng kể khả năng đến Johor của mọi người khiến hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng.

***

Jenzen Chow, 31 tuổi, chuyên gia tư vấn rượu vang ở các nhà hàng, khách sạn có lẽ là người thấm nhất điều này. Lệnh phong tỏa đã làm rạn nứt nghiêm trọng cuộc hôn nhân kéo dài 9 năm của anh.

Đại dịch buộc anh phải làm công việc với mức lương thấp hơn và yêu cầu ở lại Singapore. Việc phải một mình chăm nom 3 đứa con, căng thẳng về tài chính và mối quan hệ vợ chồng vốn đã có nhiều bất ổn khiến vợ anh vượt quá sức chịu đựng, và cô đã đệ đơn xin ly hôn cách đây 2 tháng. Cặp đôi hiện sống ly thân trong khi chờ đợi thủ tục ly hôn của họ được xử lý. Anh Chow gặp các con 2 lần/tuần vào ngày nghỉ.

“Cô ấy là mối tình đầu. Tôi vẫn yêu cô ấy. Nhưng bây giờ, cô ấy không còn muốn liên quan đến tôi”, anh Chow nói khi mở khóa điện thoại để hình nền vợ cũ.

cách ly tại nhà
(Ảnh minh họa: LL_studio/Shutterstock)

Còn với Vincent Soon (34 tuổi), anh đang rất đau đầu, chạy đôn chạy đáo để tìm cách trở về Malaysia khi ngày lâm bồn của người có vợ chỉ còn 3 tháng.

Anh Soon và vợ đã sống xa nhau gần 6 tháng. Anh làm việc trong ngành hậu cần, kỳ làm việc ngắn giống mọi khi vào tháng 4 đã kéo dài đến tận bây giờ mà chưa biết khi nào kết thúc do phong tỏa.

“Tôi đã nộp đơn xin thông hành với chính phủ Malaysia nhiều lần và liên tục bị từ chối vì ‘không có đủ giấy tờ. Tôi sợ không thể về Malaysia trước khi con chào đời, sợ vợ tôi phải trải qua mọi thứ một mình”, anh Soon nói.

Singapore và Malaysia vẫn đang thảo luận về việc nới lỏng các hạn chế đi lại. Hai quốc gia đã có trải nghiệm đại dịch rất khác nhau.

Trong đợt bùng phát Covid-19, Malaysia ghi nhận 2,25 triệu ca bệnh và hơn 26.000 người chết. Đây là tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, Singapore, quốc gia duy trì lệnh kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, ghi nhận dưới 100 trường hợp tử vong vì Covid-19, dù con số có xu hướng gia tăng do biến thể Delta.

Hoài Anh

Xem thêm: