Nếu như con của bạn bướng bỉnh, luôn khiến người lớn tức giận, đánh cũng không được, nói cũng không nghe, vậy thì với những đứa trẻ như thế, rốt cuộc bạn nên làm thế nào?

trẻ bướng bỉnh
(Ảnh: shutterstock.com)

Để đạt được “mục đích” nào đó của mình, trẻ từ 3-8 tuổi thường sẽ học cách dùng 4 cách như sau:

Đầu tiên: Gào khóc

Để có được điều mình muốn, gào khóc là cách mà trẻ thường dùng nhất. Và rất nhiều bậc phụ huynh sợ nhất là ‘chiêu’ này của con. Hễ trẻ bắt đầu gào khóc thì cha mẹ lập tức đầu hàng, chẳng những đáp ứng yêu cầu của trẻ vô điều kiện mà còn thường hay “hết mình” hoàn thành “nhiệm vụ”.

Thứ 2: Nài nỉ

Trẻ con làm nũng rất đáng yêu, khi trẻ nài nỉ cha mẹ điều gì đó thì không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể chịu được sự “tấn công dịu dàng” của con.

Thứ 3: Lẽo đẽo đi theo

Trẻ rất quen thuộc với chiêu “cuộc chiến lâu dài”. Mục đích là muốn dùng sự “quấy rầy” để khiến cha mẹ đáp ứng yêu cầu của mình và sẽ không ngừng chừng nào chưa đạt được mục đích!

Cuối cùng: Giận dỗi, không thèm nói chuyện, đập phá đồ đạc, không ăn cơm…

Khi trẻ giận dỗi, thường sẽ tác động đến người lớn, bởi vì trẻ đã nắm được ‘bí quyết tâm lý’, những bậc phụ huynh không kiên nhẫn thì chỉ có thể giơ tay đầu hàng.

8 cách thông minh để ứng xử với trẻ bướng bỉnh

– Yên lặng nhẹ nhàng

Đây là cách áp dụng với những trẻ đang bướng bỉnh nổi giận gây sự. Khi trẻ gây sự, kích động, cảm xúc đang tăng cao, có khi thậm chí là gào khóc, nếu người lớn chịu đựng dùng cách dịu dàng, vuốt ve, khuyên bảo thì sẽ càng khiến trẻ khóc to hơn. Nếu người lớn tỏ thái độ thô bạo, đánh mắng trẻ thì cũng vẫn không thể ngừng được sự bướng bỉnh của trẻ.

Cách im lặng nhẹ nhàng yêu cầu cha mẹ phải giữ thái độ bình tĩnh đề nghị trẻ ngừng khóc, để trẻ yên tĩnh lại, lúc này không cần phải thuyết phục trẻ lập tức thừa nhận sự bướng bỉnh của mình là không đúng. Hãy đợi sau khi trẻ bình tĩnh lại thì mới nhẹ nhàng giáo dục khuyên răn trẻ.

Ví dụ khi trẻ gây sự, gào khóc không ngừng, cha mẹ cứ để mặc con một lúc, sau đó cho con uống nước, để con hít thở, giúp trẻ bình tĩnh lại, điều kiện cần là có thể giữ trẻ ở trong phòng, cha mẹ ra ngoài một lúc. Nếu trong phòng có nhiều người thì hãy đưa trẻ vào một phòng trống, đóng cửa lại, nhưng đừng khóa cửa, hãy nói với con tự đi ra sau khi bình tĩnh lại. Chú ý giọng của bạn phải kiên quyết, nhưng đừng chỉ trích. “Cách ly” con ra chỉ là để trẻ hiểu rằng mình gây sự, bướng bỉnh sẽ ảnh hưởng đến người khác học tập và nghỉ ngơi chứ không phải là đang phạt con. Đợi trẻ bình tĩnh lại thì rửa mặt cho con, yên tĩnh ngủ một lúc, sau đó hoặc ngày hôm sau nói chuyện lại với trẻ.

– Giảng giải thấu hiểu

Giảng giải đạo lý cho trẻ phải sâu sắc, lời lẽ dễ hiểu, có thể lấy ví dụ từ những việc xung quanh trẻ, để trẻ dễ dàng hiểu và chấp nhận. Mỗi khi cha mẹ và con trẻ xảy ra “tranh cãi” thì cha mẹ có thể dùng cách kể chuyện, nói chuyện cười để làm dịu đi mâu thuẫn, đồng thời mượn những câu chuyện đó để chạm đến tâm hồn của trẻ. Truyện cổ tích là một cách giáo dục hiệu quả đối với trẻ em, tuy nhiên, điều cần nhớ là những câu chuyện cổ tích kể cho trẻ phải có sự chọn lọc và nội dung ý nghĩa, đồng thời bảo trẻ hãy nói những điều mình hiểu sau khi nghe xong câu chuyện, để trẻ “suy ngẫm”, thay đổi thói quen không tốt.

Kết quả hình ảnh cho dạy con
(Ảnh: shutterstock.com)

– “Mặc kệ”

Đối với những hành vi vòi vĩnh, người lớn có thể cố ý tỏ ra không chú ý, giả vờ như không nghe thấy hoặc tạm thời bỏ đi. Đây là cách hữu hiệu để tránh việc trẻ có hành vi gây rối. Ví dụ như khi con đưa ra yêu cầu bất hợp lý, trong một lúc khó mà thuyết phục được trẻ, lúc này có thể dùng cách mặc kệ hay còn gọi là cách xử lý “lạnh lùng”. Muốn có hiệu quả thì tất cả thành viên trong gia đình phải nhất trí cùng dùng cách mặc kệ. Sau khi trẻ bình tĩnh lại, bạn cũng không được nhường bước, hãy xem như chưa có chuyện  gì xảy ra cả.

– Đánh vào tâm lý

Đầu tiên cha mẹ phải có trạng thái tâm lý kiên quyết. Đừng cho rằng từ chối trẻ sẽ gây tổn thương mà ngược lại, đây là cách giáo dục tốt nhất dành cho con. Muốn dạy con thành một đứa trẻ ngoan thì khi đối mặt với yêu cầu bất hợp lý của con, cha mẹ nhất định phải kiên quyết nói “không”, đừng mềm lòng.

– Lùi để tiến

Cha mẹ có thể lùi trước một bước. Ví dụ khi trẻ muốn thứ mà bạn không thể cho trẻ thì bố/mẹ có thể nói thế này: “Cái này là của bố/mẹ, bây giờ bố/mẹ không cần dùng, có thể cho con mượn chơi một lát, nhưng mà ngày mai con phải trả lại cho bố/mẹ nhé”. Sau đó bạn sẽ “lùi để tiến”, ngày hôm sau hãy nhắc con rằng: “Con yêu, trả lại cho bố/mẹ nhé, sau này con muốn thì nói với bố/mẹ”.

cha me, trẻ bướng bỉnh
(Ảnh: shutterstock.com)

– Nói rõ trước

Trẻ con rất dễ quên những lời giao hẹn trước đó, thế nên nhất định phải đưa ra quy tắc cho trẻ, hễ trẻ phá vỡ quy tắc thì phải xử lý theo quy tắc. Ví dụ bạn giao hẹn với con: “Buổi sáng bố mẹ phải đi làm, con phải dậy, ăn sáng đúng giờ thì bố mẹ mới có thể đưa con đến trường mẫu giáo được. Nếu con dậy muộn thì chỉ còn cách bỏ bữa sáng thôi bởi vì con phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình”. Hễ con dậy muộn thì phải bỏ bữa sáng, và hãy nói với con rằng: “Xin lỗi con yêu, chúng ta đã giao hẹn trước rồi, không được tùy ý phá vỡ”.

– Nói một là một

Không được “cứng trước mềm sau” với những yêu cầu của trẻ. Cách làm “cứng trước mềm sau” sẽ khiến trẻ cho rằng cha mẹ đang lừa gạt, từ đó càng lúc càng có những yêu cầu vô lý, “cấp bậc” càng lúc càng cao. Hễ cha mẹ không thể đáp ứng yêu cầu thì trẻ sẽ sinh ra tâm lý cực đoan, tạo thành hậu quả xấu không lường trước được. Vì thế nếu từ chối con trẻ thì nhất định phải “trước sau như một”.

– Khắc phục hậu quả “sau cuộc chiến”

Sau khi cha mẹ nói “không” với con thì phải kiên nhẫn giải thích lý do từ chối để trẻ hiểu được nguyên tắc của câu “không được”. Từ chối trẻ mà không giải thích lý do sẽ khiến trẻ cảm thấy ấm ức, thậm chí còn sinh ra tâm lý lo âu, sợ hãi, bất an và tuyệt vọng. Tuy không nhất định trẻ sẽ nghe hiểu lời bạn giải thích, nhưng ít nhất thì có thể để con hiểu rằng: cha mẹ từ chối là có lý do.

Thanh Trúc

Xem thêm: