Nhiều bậc cha mẹ luôn cảm thấy rất bất lực trước những cuộc tranh luận với con. Thật ra trẻ không tự nhiên cãi lại, đó có thể là các phản ứng khi gặp vấn đề.

con cãi lại
Cha mẹ và con cái hãy luôn bình tĩnh để có thể nói về mọi thứ. (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Khi con cãi lại, thì cha mẹ nên làm gì?

1. Giữ bình tĩnh

Trên thực tế, trước khi cha mẹ chuẩn bị dạy dỗ con cái, đứa trẻ thường cảm thấy bầu không khí rất căng thẳng. Lúc này, cha mẹ nên cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể. 

Một số cha mẹ chọn cách hướng vào con mà quát mắng hoặc nổi trận lôi đình, rằng “Mẹ là mẹ của con, tại sao con dám cãi lại mẹ?” Nghe có vẻ như đây là nút công tắc có thể chấm dứt ngay động thái muốn “lý sự” của con, tuy nhiên thực chất là nó sẽ chỉ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn mà thôi.

Sau khi xảy ra chuyện, cả cha mẹ và con cái nên giữ bình tĩnh để có thể nói chuyện cùng nhau. Bạn cần kiềm chế mình trước, trấn tĩnh lại, hít một hơi thật sâu, bạn có thể thầm nhẩm đếm hàng chục lần trong lòng, sau đó tự hỏi bản thân nên làm gì tiếp theo. Liệu những gì mình định nói có thể hóa giải được tình huống hiện tại hay không.

Ngoài ra, nếu con cãi lại ở nơi công cộng, bạn nên tránh khiển trách con trước mặt người khác vào ngay lúc này. Thay vì vậy hãy bảo con tạm dừng hành động của mình và cho con biết rằng sẽ cha/mẹ sẽ nói điều đó khi về nhà.

2. Xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề

Khi trẻ cãi lại và gào thét trước mặt cha mẹ, đầu tiên bạn nên bình tĩnh và cố gắng hỏi trẻ nguồn gốc của cảm xúc này, chẳng hạn như “Hôm nay ở trường có chuyện gì xảy ra không” hoặc “Con có muốn ở một mình vào lúc này không?” v.v. 

Có thể con có mâu thuẫn gì đó với bạn bè ở trường nên tâm trạng không tốt, và sẽ trút nỗi niềm này lên cha mẹ khi về nhà. Hoặc là do con chịu nhiều áp lực học tập nên tỏ thái độ và la hét.

Khi biết được lý do đằng sau việc con tại sao lại có tâm trạng như vậy, thì vấn đề có thể sẽ được giải quyết dễ dàng.

3. Thể hiện giới hạn của bạn

Đôi khi bạn đưa ra yêu cầu với con mình, nhưng đứa trẻ có thể nói với bạn rằng: “Thôi được rồi, mẹ đừng nói nữa được không?” 

Thật ra con tỏ thái độ này là muốn nói rằng: “Chuyện này mẹ đã nói với con quá nhiều lần rồi!”

Lúc này bạn có hãy nghiêm nghị với con: “Con có thể bực bội và tạm thời bỏ qua yêu cầu của cha mẹ, nhưng việc la mắng hoặc tỏ thái độ vô lễ với cha mẹ là điều tuyệt đối không được phép!”

4. Trừng phạt thông minh

Có thể thực hiện hình phạt để con biết rằng cha mẹ là đang nghiêm túc. Cha mẹ cần cho con biết rằng hành vi, lời nói nào của con là sai, đồng thời cũng cho con biết: Nếu làm điều xấu, nói điều xấu thì sẽ có thể bị phạt. Sau đó, chế định ra các phương pháp trừng phạt tương ứng, chẳng hạn như không được chơi trò chơi trên máy tính, không được xem TV, làm thêm một số việc nhà hoặc phải đi ngủ sớm.

Đương nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải kiên trì áp dụng biện pháp trừng phạt, để con hiểu cha mẹ thật sự nghiêm túc, từ đó con sẽ chú ý hơn đến lời nói và hành vi của mình.

5. Khích lệ kịp thời

shutterstock 1364154704
Bạn hãy kịp thời khen ngợi con và để con biết rằng cha mẹ đã nhìn thấy những thay đổi ở con. (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Bạn hãy kịp thời khen ngợi con và để con biết rằng cha mẹ đã nhìn thấy những thay đổi ở con.

Khi con có thể bày tỏ sự tôn trọng với người khác, nhất định hãy khen ngợi con. Bạn có thể nói “Cha mẹ đánh giá cao cách ứng xử đó của con” hoặc “Con đã giữ được bình tĩnh, cha mẹ rất vui vì điều này, con đang làm rất tốt.” v.v.

Những lời khen ngợi này tưởng chừng rất đơn giản nhưng nó có thể mang đến sự khích lệ tinh thần vô cùng to lớn. Nó khiến con cảm thấy thoải mái, đồng thời giúp con nhận ra rằng cha mẹ không chỉ luôn nhìn vào lỗi lầm của mình mà còn quan sát từng thay đổi nhỏ của bản thân. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là con sẽ ít cãi lại cha mẹ hơn.

Minh Tâm, Vision Times

  • Mời xem video: Vấn đề nuôi dạy con cái: Cách áp dụng kỷ luật với con