Màng bọc nhựa có thể giữ thức ăn tươi mới, nhưng với thành phần từ dầu hỏa, việc sản xuất các sản phẩm này lại gây hại cho môi trường.

Các nhà nghiên cứu tại Georgia Tech tin rằng họ đã tạo ra một giải pháp thay thế cho các sản phẩm nhựa như thế, không những có thể phân hủy mà còn có thể giữ thực phẩm tươi lâu hơn.

Và tất cả nguyên liệu cần thiết là một ít cây và một số con cua.

Chất liệu mới từ vỏ cua và cây cối sẽ sớm thay thế màng bọc nhựa
(Ảnh: Pixabay)

Một loại nhựa khác biệt

Loại vật liệu mới này gồm nhiều lớp tinh thể nano cellulose từ bột gỗ và các sợi nano chitin từ vỏ cua và tôm, theo Tạp chí Hóa học và Kỹ thuật Bền vững của ACS.

Cellulose là polyme sinh học phổ biến nhất trên thế giới. Và phổ biến thứ hai là Chitin.

Carson Meredith, giáo sư tại Trường Kỹ thuật Hóa học và Vi sinh học Georgia (Hoa Kỳ) cho biết: “Chất mà chúng tôi chủ yếu lấy ra so sánh là PET, hoặc polyethylene terephthalate, một trong những nguyên liệu từ dầu mỏ phổ biến nhất trong bao bì trong suốt mà bạn thấy trong các máy bán hàng tự động và các chai nhựa”. “Chất liệu này có khả năng chống oxy thẩm thấu tới 67% hơn so với một số loại PET, vậy trên lý thuyết, chất liệu này có thể giữ thực phẩm tươi lâu hơn”.

Chất liệu mới này có thể đạt được kỳ tích đó nhờ cấu trúc của nó. Ngoài sức bền, tính linh hoạt và trong suốt, các lớp tinh thể cellulose bảo vệ thực phẩm tốt hơn khỏi các khí như oxy, giúp thực phẩm lâu hỏng.

“Phân tử khí rất khó xâm nhập vào một tinh thể rắn, bởi vì để vào được, nó phải phá vỡ các cấu trúc của tinh thể”, Meredith nói. “Mặt khác, các chất liệu giống PET có một lượng đáng kể thành phần cấu tạo vô định hình hoặc không phải tinh thể, nên một phân tử khí nhỏ có nhiều cách dễ dàng hơn để vượt qua.”

Lớp bọc được tạo ra bằng cách hòa tan cellulose và chitin trong nước, phun dung dịch ra thành các lớp rồi để khô. Chất này rất chắc chắn vì cellulose cực âm trong khi chitin cực dương, mà hai cực trái nhau thì hút nhau.

Các nguyên liệu cần thiết cho chất liệu này đều đã có sẵn, quá trình sản xuất cellulose cũng đã có sẵn, còn ngành công nghiệp thực phẩm thì luôn có thừa vỏ tôm cua, nhưng để làm ra dạng sợi nano thì còn phải hoàn thiện thêm.

Bản thân vật liệu này cũng cần phải được hoàn thiện thêm. Mặc dù đã chống được oxy tốt hơn PET, nhưng giáo sư Meredith và nhóm của mình cần phải hoàn thiện nó để chống được cả hơi nước.

Theo MNN
Việt Anh

Xem thêm: