Trận Trân Châu Cảng đã cướp đi sinh mạng của hơn 2400 người. Cụ Eskenazi may mắn là người sống sót và thậm chí cụ còn sắp đón sinh nhật thứ 105.

Trân Châu Cảng
Cụ Eskenazi là người sống thọ nhất trong những chiến binh may mắn sống sót sau trận Trân Châu Cảng. (Ảnh chụp màn hình video)

Cụ Joseph Eskenazi (sống tại Redondo Beach, California, Mỹ) là một trong những chiến binh may mắn sống sót sau trận Trân Châu Cảng. Không những thế, cụ còn là người sống thọ nhất. Tính đến ngày 30 tháng 1, cụ sẽ chính thức bước sang tuổi 105.

Mới đây, cụ cùng các cựu chiến binh khác, đại diện cho Quân đội, Hải quân và Thủy quân lục chiến đã đến thăm Bảo tàng Chiến tranh Thế giới Thứ hai Quốc gia (National World War II) ở New Orleans để mừng sinh nhật. Hiện tại, cả 6 cựu chiến binh Thế chiến II đều đã ở độ tuổi 90.

Cụ Eskenazi và các cựu chiến binh đã cùng nhau chụp ảnh tại khu vực trưng bày máy bay Thế chiến II và thuyền Higgins.

chau 1
Cụ Eskenazi và các cựu chiến binh đã cùng nhau chụp ảnh tại khu vực trưng bày máy bay Thế chiến II và thuyền Higgins. (Ảnh chụp màn hình video)

“Cảm ơn các bạn đã mang đến cho chúng tôi một đất nước đáng để chiến đấu”, cựu binh Billy Hall, người đã thăng cấp bậc thiếu tá trong Thủy quân lục chiến sau khi nhập ngũ năm 1941, cho biết.

Chuyến đi của họ được tổ chức bởi Chương trình Soaring Valor (Soaring Valor Program) – một dự án thuộc quỹ từ thiện của nam diễn viên Gary Sinise dành cho các cựu chiến binh và lực lượng phản ứng tiền tuyến. Chương trình sẽ tổ chức các chuyến đi đến viện bảo tàng cho các cựu chiến binh Thế chiến II và người giám hộ. Bảo tàng Chiến tranh Thế giới Thứ hai Quốc gia được mở cửa vào năm 2000 với tên gọi Bảo tàng D-Day Quốc gia. Qua thời gian, bảo tàng liên tục được được mở rộng hơn về cả quy mô và phạm vi.

Cụ Eskenazi là binh nhì hạng nhất trong quân đội khi vụ tấn công xảy ra. Theo trí nhớ của cụ, hôm đó cụ đang ngủ tại doanh trại Schofiel thì bị đánh thức bởi tiếng bom rơi. Có một quả bom rơi gần doanh trại nhưng may mắn là nó không nổ. Tiếp đó là những tiếng động đanh tai vang dội nổi lên khi thiết giáp hạm USS Arizona bị bom Nhật đánh chìm, hòa lẫn trong đó là tiếng súng máy từ máy bay địch. Xuyên qua khói bụi mịt mù, cụ Eskenazi đã tình nguyện lái máy ủi băng qua một cánh đồng để dọn sạch các đường băng.

“Tôi thậm chí còn không biết tại sao tôi lại giơ tay khi họ tìm kiếm tình nguyện viên. Không có ai xung phong cả vì họ biết rằng điều đó đồng nghĩa với cái chết. Tôi đã làm điều đó một cách vô thức”, cụ Eskenazi chia sẻ.

Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941. Theo PearlHarbor.org, ngày hôm đó ghi nhận hơn 2400 người thiệt mạng (hầu hết là quân nhân) và hơn 1000 người bị thương,.

“Một ngày sau cuộc tấn công, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã yêu cầu Quốc hội tuyên chiến với Nhật Bản”, History.com lưu ý.

Minh Minh (t/h)