“Thực phẩm trần” là một chiến dịch của New Zealand nhằm chấm dứt việc sử dụng bao bì nhựa cho các sản phẩm tươi trong các siêu thị. Chuỗi cửa hàng bán lẻ Foodstuffs đã ký “Tuyên bố bao bì nhựa New Zealand” với cam kết sử dụng bao bì từ 100% vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy vào năm 2025.

woman standing beside pineapple fruits 2292919 image
Ảnh minh họa (Ảnh: Artem Beliaikin/ Pexels)

Tờ báo NZ Herald báo cáo rằng doanh số bán một số loại rau đã tăng tới 300% sau khi một số siêu thị ở New Zealand bỏ bao bì nhựa.

Một nhóm các siêu thị đã cấm việc sử dụng bao bì nhựa cho hầu hết tất cả các loại trái cây và rau quả trong một dự án mang tên ‘Thực phẩm trần’.

Ông Nigel Bond, chủ sở hữu của một trong những cửa hàng tham gia vào chiến dịch nói rằng hệ thống giá để hàng mới của họ khiến ông nhớ lại khi còn là một đứa trẻ đi cùng bố đến cửa hàng bán rau quả và có thể ngửi thấy mùi cam quýt tươi và hành lá. Ông nói rằng bọc các sản phẩm này lại bằng nilon không cho mọi người có trải nghiệm này.

“Khi bạn thực hiện các dự án này, chúng có thể là một thảm họa và dẫn đến sự phản đối của khách hàng. Nhưng trong 30 năm hoạt động trong ngành siêu thị, sự thay đổi đơn giản này đã mang lại phản hồi tích cực nhất từ ​​khách hàng mà tôi từng nhận được.”

Sáng kiến ​​này là một phần của cuộc chiến chống lại rác thải nhựa. Ở New Zealand, số ngày mua hàng bằng túi nilon sử dụng một lần được đánh số, hầu hết các siêu thị không còn cung cấp túi nilon ở quầy thu ngân. Trong khi cuối năm ngoái chính phủ đã đồng ý quy định loại bỏ bắt buộc bao bì nhựa đối với tất cả các nhà bán lẻ từ ngày 01/7.

Ông Bond nói rằng ông và ông Gary May –  quản lý cửa hàng lần đầu tiên nảy ra ý tưởng này là hơn hai năm trước: “Vào thời điểm đó, chúng tôi nhận thấy số lượng thực phẩm tươi được bọc trong nilon được cung cấp ngày càng nhiều. Chúng tôi nghĩ rằng điều này là điên rồ và thề sẽ làm một cái gì đó về nó.”

Ông kể: “Tôi đã thực hiện một chuyến nghiên cứu đến Hoa Kỳ và thấy những gì chuỗi siêu thị Whole Food đang làm ở đó. Họ có một lượng lớn thực phẩm tươi và việc buôn bán của họ gần như là một hình thức nghệ thuật.”

Bond bắt đầu thảo luận với những người trồng trọt và các nhà cung cấp, hầu hết những người mà ông nói đều rất vui khi xem xét các cách cung cấp sản phẩm không có bao bì nhựa.

Một hệ thống kệ lạnh mới để trưng bày trái cây và rau củ tươi đã được lắp đặt cùng với một quy trình được gọi là ‘phun sương’ để giúp giữ cho các mặt hàng tươi ngon.

Theo lời của ông Bond: “Rau củ có 90% là nước và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sản phẩm được phun sương không chỉ trông đẹp hơn, giữ được màu sắc và kết cấu, mà còn có hàm lượng vitamin cao hơn. Chúng tôi cũng đã cài đặt một hệ thống thẩm thấu ngược xử lý nước bằng cách loại bỏ 99% tất cả vi khuẩn và clo, vì vậy chúng tôi tự tin rằng nước mà chúng tôi đang phun sương là nước tinh khiết.”

Bond nói rằng vẫn còn một số sản phẩm – bao gồm quả mọng, nho và một số loại cà chua – vẫn còn được đựng trong hộp nhựa, trong khi nấm được đóng gói trong khay các tông. Tuy nhiên hầu hết các bao bì này có thể tái chế được.

Ông cho biết Foodstuffs cũng đang thử nghiệm các bao bì thay thế bằng giấy cho màng nhôm bọc hải sản và khay đồ ăn bằng sợi.

Foodstuffs đã ký Tuyên bố bao bì nhựa New Zealand cam kết tất cả các cửa hàng và bao bì nhãn riêng của họ sẽ được làm từ 100% vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy được vào năm 2025. Foodstuffs cũng đã giới thiệu các khay thực phẩm có thể tái chế – giúp giảm hơn 80 triệu khay thực phẩm từ bãi rác mỗi năm.

Ngọc Chi