Bàn chải đánh răng sau một thời gian sử dụng sẽ bị mòn nên phải thay thế. Nhưng các chuyên gia nói rằng bạn cũng nên thay bàn chải đánh răng sau khi khỏi bệnh.

bàn chải đánh răng
Các chuyên gia khuyên bạn nên thay bàn chải đánh răng sau khi bị ốm và khỏi bệnh. (Ảnh: Ramil Gibadullin/ Shutterstock)

Theo trang web Huffington Post, sau khi bị ốm, giặt sạch khăn trải giường, quần áo và các vật dụng khác sẽ giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh còn sót lại. Tương tự như vậy, việc thay bàn chải đánh răng cũng rất cần thiết để giúp bạn không bị nhiễm lại virus hoặc vi khuẩn một lần nữa.

Một nha sĩ ở California khuyên bạn nên thay bàn chải đánh răng sau khi bị ốm, đặc biệt nếu bạn đang bị lở miệng, cúm, viêm họng liên cầu khuẩn hoặc thậm chí là cảm lạnh thông thường.

Vi khuẩn có thể sống trên bàn chải đánh răng trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến vài tuần, tùy thuộc vào tình trạng bệnh hoặc loại vi khuẩn. Vì vậy, bạn vẫn có nguy cơ bị tái nhiễm, do đó cẩn thận thì sẽ an toàn hơn.

Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia về việc vệ sinh răng miệng khi bạn bị bệnh:

Có thể sử dụng cùng một bàn chải đánh răng khi bị ốm

Bạn nghĩ rằng khi bị ốm, nếu sử dụng bàn chải đánh răng ban đầu, bạn có thể sẽ bị ốm lâu hơn, nhưng thực tế không phải vậy.

Tiến sĩ Lauren Becker cho biết: “Bạn có thể sử dụng cùng một bàn chải đánh răng khi bạn bị ốm, miễn là bạn hãy thay thế nó ngay sau khi bạn khỏe lại.”

Tuy nhiên cô Becker cũng cảnh báo mọi người nên cẩn thận với loại kem đánh răng đang sử dụng, đặc biệt là khi dùng chung kem đánh răng với gia đình. Tốt nhất là hãy sử dụng kem đánh răng riêng khi bạn bị bệnh để không lây lan vi khuẩn, virus cho người khác.

shutterstock 1929393998
Cẩn thận khi sử dụng kem đánh răng để tránh lây lan vi khuẩn cho người khác. (Ảnh: Wirestock Creators/ Shutterstock)

Vệ sinh kỹ bàn chải đánh răng

Nha sĩ David Frank, làm việc tại Texas, đã đề cập rằng, nếu bạn không muốn vứt bỏ bàn chải đánh răng của mình, bạn có thể khử trùng sạch sẽ chúng. Hãy nhúng bàn chải đánh răng vào nước súc miệng sát trùng, dung dịch muối nở, giấm trắng hoặc chất tẩy rửa răng giả.

Ông cũng nhấn mạnh rằng không nên nhúng bàn chải đánh răng vào nước sôi. Còn nếu sử dụng bàn chải đánh răng điện thì hãy tháo đầu bàn chải ra trước khi vệ sinh.

Đối với việc vệ sinh bàn chải đánh răng hàng ngày, tiến sĩ Becker khuyên bạn nên rửa bàn chải đánh răng dưới vòi nước nóng, chà xát ngón tay cái dọc theo lông bàn chải, rửa sạch trong nước và để khô tự nhiên mà không cần đậy nắp.

baking soda
Nhúng bàn chải đánh răng vào nước súc miệng sát trùng, dung dịch muối nở, giấm trắng hoặc chất tẩy rửa răng giả để khử sạch bàn chải. (Ảnh: Maderla/ Shutterstock)

Không sử dụng nắp đậy bàn chải đánh răng

Ông Harvey Karp, bác sĩ nhi khoa, kiêm tác giả và chuyên gia phát triển trẻ em người Mỹ khuyên rằng, thay vì dùng nắp đậy bàn chải đánh răng để bảo quản, hãy để bàn chải khô tự nhiên. Bởi vì trên nắp đậy có nguy cơ tích tụ rất nhiều vi khuẩn, cho nên tốt nhất là không sử dụng chúng.

“Hầu hết vi khuẩn sống trên bàn chải đánh răng của bạn sẽ chết khi có oxy. Khi bàn chải đánh răng khô đi, hầu hết vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt”, ông Karp nói.

Thay bàn chải đánh răng 3 tháng một lần trong điều kiện bình thường

Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người nên thay bàn chải đánh răng 3 tháng một lần vì lông bàn chải sẽ bị mòn sau khi sử dụng và dễ tích tụ vi khuẩn.

Nếu bạn sử dụng bàn chải đánh răng điện, bạn cũng nên thay bàn chải trong 3 hoặc 4 tháng sử dụng. Tuy nhiên, nếu bị bệnh, hãy thay hoặc vệ sinh nó thường xuyên hơn.

Cô Becker cho biết, khi thay bàn chải đánh răng, nên sử dụng loại có lông mềm để có thể làm sạch một cách dễ dàng nhất.

Nếu cảm thấy việc thay bàn chải đánh răng sau khi hết bệnh vẫn chưa đủ, bạn cũng có thể thảo luận với bác sĩ hoặc nha sĩ. Họ sẽ kê đơn thuốc sát trùng miệng và các loại thuốc khác để giữ cho bạn an toàn và khỏe mạnh hơn.