Mới đây, một cô gái người Mỹ đã trở nên nổi tiếng trên mạng khi chia sẻ những video ngắn Tik Tok vừa dạy trang điểm vừa nói về cuộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Trung Quốc.

Feroza Aziz (17 tuổi) cũng thích dùng phần mềm Trung Quốc này như hàng triệu thanh thiếu niên khác. Nhưng trong vài video hướng dẫn trang điểm gần đây, cô gái Hồi giáo này đã nhắc đến “điều cấm kỵ” của bất cứ mạng truyền thông xã hội nào của Trung Quốc: Vấn đề Đảng Cộng sản Trung Quốc đang giam cầm và đàn áp ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Aziz cáo buộc Tik Tok đang kiểm duyệt các video của cô vì nội dung này.

Trong chuỗi 3 video hướng dẫn sử dụng dụng cụ bấm mi đã được lan truyền rộng trên mạng, Aziz nói: 

“...Và bạn bỏ nó xuống (dụng cụ bấm mi), cầm điện thoại lên mà tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra tại Trung Quốc đi, họ đã làm gì tại trại tập trung, họ quẳng những tín đồ Hồi Giáo vô tội vào đó, chia rẽ gia đình họ, và cả bắt cóc, cưỡng hiếp, buộc họ ăn thịt lợn, uống rượu và từ bỏ đức tin tín ngưỡng của mình”, Feroza vừa nói vừa hướng dẫn mọi người cách bấm mi.

“Đây là một cuộc tàn sát, và chưa hề có bất cứ một ai nói về điều này, làm ơn hãy nhận thức, hãy chia sẻ những điều đang xảy ra tại Tân Cương ngay bây giờ”, cô gái chia sẻ trong video của mình trước khi quay trở lại với việc hướng dẫn mọi người cách bấm mi.

Video này đã đạt hơn 1,4 triệu lượt xem trên TikTok và được chia sẻ rộng rãi trên Twitter với 5 triệu lượt xem.

Theo thông tin trên tài khoản cá nhân thì Feroza Aziz là người Mỹ gốc Afghanistan đang sống ở bang New Jersey. Tài khoản @getmefamouspartthree của Feroza đã từng bị Tik Tok kiểm duyệt trong quá khứ. 

Trong một video cô gái giải thích: “Nhân tiện tôi phải nói để Tik Tok không gỡ bỏ video của tôi”

Tik Tok đã phủ nhận việc kiểm duyệt bài đăng của cô gái Hồi giáo này.

Tik Tok không kiểm duyệt nội dung vì nhạy cảm chính trị”, người đại diện phát ngôn của Tik Tok nói với kênh BBC và giải thích rằng họ đã cấm một trong những video của Aziz vì cô vi phạm điều khoản về ‘nội dung liên quan đến khủng bố’.

Aziz đáp trả lại rằng Tik Tok đã hiểu nhầm video của cô và ngay lập tức khóa tài khoản của cô lại sau khi cô đăng tải video nói về Tân Cương.

Ngoài video về Tân Cương thì Aziz cũng có những video hài hước để đáp lại những bình luận xúc phạm tiêu cực mà cô đã nhận được. Một trong số có nội dung liên quan đến Osama bin Laden.

“Với tư cách là tín đồ Hồi Giáo sống và lớn lên tại cộng đồng người da trắng, trong một đất nước nơi mà người như bạn coi bạn là người ngoài cuộc, bởi vậy tôi lớn lên và đã quen với sự kỳ thị”, cô chia sẻ. “Tôi đã học được rằng mình không nên để những bình luận đó chạm đến tôi, và vì thế tôi có thể gây ra ảnh hưởng tích cực hơn, bởi vậy nên tôi tạo ra một tài khoản Tik Tok, tôi làm những video vui đối với những bình luận phân biệt đối xử mà tôi đối mặt hàng ngày”.

“Và sau khi tạo tài khoản này thì nó lại bị khóa ngay lập tức khi tôi tái đề cập về người Duy Ngô Nhĩ. Và tôi cũng không nhận được bất cứ hồi âm nào từ Tik Tok về việc tại sao video chia sẻ nhận thức của mình lại bị gỡ bỏ bởi Tik Tok và một lát sau thì tài khoản cũng bị xóa luôn, tôi thật sự nghi ngờ về cách phản hồi của Tik Tok… Tôi thấy điều này thật đáng nghi ngại”, Aziz chia sẻ.

Tik Tok thuộc quyền sở hữu của một công ty công nghệ Bytedance tại Bắc Kinh, dưới sự kiểm duyệt những nội dung không được chấp nhận bởi chính quyền ĐCS Trung Quốc. 

Theo tờ Guardian, những tài liệu hướng dẫn kiểm duyệt bị lộ cho thấy công ty này không đề cập đến Tân Cương một cách trực tiếp nhưng cấm những “Chủ đề gây tranh cãi như chủ nghĩa ly khai, xung đột giáo phái, tôn giáo, xung đột giữa các dân tộc và các trường hợp phóng đại vấn đề xung đột mâu thuẫn Hồi Giáo”.

Sự chỉ trích quốc tế về các chính sách của Bắc Kinh tại Tân Cương đã gia tăng sau khi một loạt các tài liệu mới bị lộ đã vạch trần sự lừa dối của Bắc Kinh. Bắc Kinh tuyên bố không tồn tại cái gọi là trại cải tạo ở Tân Cương mà đây là “các trung tâm dạy nghề tự nguyện”. Các tài liệu này liên kết trực tiếp tới nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và mô tả hướng dẫn chi tiết về cách ngăn chặn tù nhân bỏ trốn và cách quản lý trại lao động.

Cô gái Aziz 17 tuổi chia sẻ rằng cô cảm thấy ngạc nhiên khi video của mình trở nên nổi tiếng. 

“Tôi rất vui vì giúp mọi người tăng cường nhận thức về những vấn đề cần được đưa ra ánh sáng”. Trong một video khác, cô nói: “Thế hệ trước của chúng ra không có sức mạnh như chúng ta bây giờ, đó là vì chúng ta có công nghệ. Chúng ta có thể chạm tới hàng triệu người trên khắp thế giới. Chúng ta có thể chạm tới những người có quyền lực để làm điều gì đó. Tiếng nói của chúng ta có thể có tác dụng rất lớn.”

Theo The Guardian
Trọng Đức

Xem thêm: