Võ thuật Trung Hoa có nền lịch sử lâu đời, từ đấu vật thời Hoàng Đế, kiếm thuật thời Chiến Quốc, Thái cực quyền của Trương Tam Phong thời Tống, cho tới Hình ý quyền, Bát quái chưởng thời nhà Thanh. Sau này lại phát triển thành ngoại gia quyền như Nam quyền, Thiếu Lâm… Ngoài ra trong dân gian còn lưu truyền những tuyệt kỹ điểm huyệt như Tự Môn quyền và Ngũ Bách Tiền.

Cao thu diem huyet Ta Khai Binh
Cao thủ điểm huyệt Tạ Khải Bình. (Ảnh cắt từ video)

Tại Bình Hương, Giang Tây có một cao thủ điểm huyệt như vậy, tên anh là Tạ Khải Bình. Kỹ thuật điểm huyệt của anh vô cùng khéo léo, xuất nhập như Thần. Anh luyện điểm huyệt Tự Môn, một trong những môn công phu lâu đời nhất tại Giang Tây.

Anh Tạ Khải Bình cho biết, điểm huyệt chính là vào những thời thần đặc định, thông qua những kỹ xảo đặc định của ngón tay mà phong bế một huyệt nào đó. Trên thực tế chính là chặn đứng các vi tuần hoàn của kinh lạc, nhẹ thì có thể khiến cơ thể người trở nên yếu nhược, sinh bệnh; nặng thì có thể lấy đi sinh mạng chỉ trong một cú điểm huyệt. Do công phu điểm huyệt bí mật, tính sát thương mạnh, nên trong cuộc sống hiện thực, muốn lấy bằng chứng về những vụ án này vô cùng khó khăn. Bởi lẽ rất nhiều người bị hại thậm chí còn không biết rằng mình đã bị điểm huyệt.

Anh cho biết thêm, khi người điểm huyệt muốn hạ thủ, thường sẽ khiến đối phương không thể ngờ tới. Ví như khi bắt tay người khác, cao thủ điểm huyệt chỉ cần nhẹ nhàng đặt ngón tay cái vào huỵệt Hợp Cốc, hoặc dùng ngón trỏ đặt vào Mạch Môn của đối phương, ấn nhẹ thì đã điểm huyệt xong. Đồng thời còn có cách hạ thủ vỗ vai hỏi đường.

Trong giới điểm huyệt vẫn tồn tại những người tâm thuật bất chính, phẩm hạnh bất lương. Họ yêu cầu đồ đệ của mình lặng lẽ hạ thủ với người khác sau đó cố ý đi giảng nói những điều huyền hoặc, để bệnh nhân tới chỗ họ giải huyệt, nhờ đó có thể thu được một khoản tiền trị liệu rất lớn. Tình huống như vậy không phải hiếm gặp.

Do vậy, những vị sư phụ điểm huyệt trước khi chọn đồ đệ truyền nghề, đều phải quan sát phẩm hạnh của đệ tử suốt một thời gian dài. Phàm là những kẻ ngỗ nghịch bất hiếu, mãi nghệ cầu tài, ỷ thế hiếp đáp người khác, sư phụ đều không truyền thụ công phu điểm huyệt cho họ, vì lo lắng rằng sau này học xong họ sẽ làm ra những việc tổn hại đạo lý.

Công phu điểm huyệt không đơn giản, nhưng khó hơn lại là giải huyệt. Bởi vì sự tổn hại do một huyệt đạo tạo nên thường phải ấn rất nhiều huyệt đạo mới có thể giải được. Khi giải huyệt trước tiên phải phân biệt được huyệt vị nào của người bị thương đã bị điểm, đường kinh mạch nào bị ứ tắc, phủ tạng nào tổn thương, sau đó thuận theo hướng thuận nghịch của kinh mạch, căn cứ theo đạo lý tương sinh tương khắc của thuyết ngũ hành mà tiến hành xoa bóp chữa trị một vài huyệt vị. Khi cần thiết còn phải dùng thêm thuốc để điều trị, giúp kinh mạch của người bị thương lưu thông trở lại, từ đó mới có thể khôi phục lại những chức năng sinh lý bình thường.

Trong dân gian có rất nhiều thầy điểm huyệt chỉ biết điểm mà không biết giải. Trong giới điểm huyệt lưu truyền một câu rằng: “Điểm huyệt một ngày là thầy, giải huyệt nghìn ngày là trò”. Có thể thấy rằng, độ khó của giải huyệt lớn hơn điểm huyệt rất nhiều lần.

Khi được phỏng vấn, anh Tạ Khải Bình kể, sau khi ra nghề bản thân cũng đi khắp nơi tìm người thách đấu, vì vậy anh đã nhiều lần bị thương nghiêm trọng. Lần nặng nhất là tại Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông. Lúc đó anh tìm được một vị cao nhân Cái bang tại địa phương cùng tỉ thí, kết quả là anh bị đối phương dùng ngón tay nâng trật cả xương lồng ngực cứng ngắc, lúc đó anh thổ rất nhiều huyết. Từ đó về sau, chàng trai trẻ tuổi ngạo mạn là anh cuối cùng cũng buông bỏ cái tâm đi khắp chốn tìm người thách đấu, mà chuyên tâm nghiên cứu võ thuật. Như vậy mới có được thành tựu điểm huyệt như ngày nay.

chinese martial arts tai chi 01 Renee Luo 950x550 image
(Ảnh minh họa: courtesy of Renee Luo)

Anh Tạ Khải Bình cho biết: “Nếu thực sự muốn học điểm huyệt, thì cần học những kỹ thuật cơ bản nhất giúp rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể lực, trừ bệnh ích thọ, nên học môn phái Tự Môn Giang Tây hoặc Ngạnh Môn, tiến dần từng bước một.”

Khả năng sát thương của công phu điểm huyệt rất mạnh, do đó Tạ Khải Bình kêu gọi những người đồng môn của mình rằng: “Xin hãy chú ý tới võ đức, quản thật tốt đôi tay của mình.”

Khi Chuyên mục Tin tức dân sinh “Khu dân cư số 5” của Đài truyền hình Giang Tây trình chiếu chương trình điểm huyệt của Tạ Khải Bình, có không ít khán giả ồ ạt gọi điện thoại tới nhờ anh giải huyệt giúp.

Trong đó có một người phụ nữ nói rằng, hơn 20 năm trước mình từng bị người khác điểm huyệt. Sau đó cô hô hấp khó khăn, hàng ngày đi làm về nhà leo cầu thang, hễ đi một bước là phải nghỉ một bước. Nhiều năm nay, cô đã đi tứ xứ thập phương chữa trị mà không hiệu quả.

Nhờ chương trình này cô tìm được anh Tạ Khải Bình. Sau khi quan sát hai mắt của cô, Tạ Khải Bình đã chỉ ra vị trí cô bị thương nằm ở bả vai trái, hơn nữa thời gian bị thương cũng đã rất lâu.

Sau đó, anh Tạ Khải Bình bắt đầu giải huyệt. Anh day ấn một hồi những vị trí như phần lưng, phần ngực, bụng dưới và cổ họng, các động tác tuần hoàn một mạch, như nước chảy mây trôi. Sau khi giải huyệt xong, cô Lưu nói với phóng viên rằng cô cảm thấy cổ họng dễ chịu hơn, hô hấp cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Sau việc này, anh Tạ Khải Bình nói với phóng viên rằng, những điều mà tiểu thuyết kiếm hiệp miêu tả, ấn nhẹ một chút là có thể giải huyệt, kỳ thực là điều phi thực tế. Thông thường, sau khi giúp người khác giải huyệt, thì người bệnh không thể ngay lập tức hồi phục, mà cần kết hợp điều trị với một số thuốc trung y thông khí bổ huyết, mới dần dần trị được gốc bệnh.

Lê Minh