Tình trạng hạn hán kéo dài ở bang Califonia nước Mỹ khiến nhiều chủ nhà quan tâm đến các thiết bị tạo nước từ không khí – nghe có vẻ xa lạ nhưng hoàn toàn có thực.

Hệ thống do công ty Tsunami Products có trụ sở tại bang Washington chế tạo với nguyên tắc hoạt động khá giống máy điều hòa nhiệt độ khi sử dụng các cuộn dây để làm lạnh không khí, sau đó thu thập các giọt nước ngưng tụ vào thùng chứa, theo New York Post.

Công nghệ này hoạt động đặc biệt hiệu quả ở những khu vực có sương mù hay các khu vực có độ ẩm cao ven bờ biển của California. Tùy thuộc vào kích thước hệ thống có thể sản xuất từ 0,8-7 m3 nước mỗi ngày, phù hợp cho cả gia đình, văn phòng, trại chăn nuôi và nhiều địa điểm khác.

Ted Bowman, kỹ sư thiết kế trưởng của hệ thống cho biết: “Phương châm của chúng tôi là, nước từ không khí không phải là ma thuật, đó là khoa học và đó thực sự là những gì chúng tôi đang làm với những chiếc máy này”.

Tuy nhiên, giá bán của chúng không hề rẻ, với mức dao động từ 30.000 USD đến 200.000 USD. Tuy nhiên, bất chấp mức giá tương đương với một chiếc xe ô tô hạng trung, rất nhiều cư dân California hiện đang liên tục ký hợp đồng đặt mua trước tình trạng những trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử hoành hành làm cạn kiệt các hồ chứa và suy giảm nguồn cung nước sạch.

Don Johnson tới từ thành phố Benicia thuộc Khu vực Vịnh San Francisco cho biết, anh đã mua một chiếc máy nhỏ nhất, nó trông giống như một trạm biến áp điện xoay chiều cỡ nhỏ với hy vọng nó sẽ tạo ra đủ nước để duy trì khu vườn của anh, nhưng những gì nó đem lại đã vượt xa kỳ vọng.

Bên cạnh mức giá cao, thiết bị cũng đòi hỏi một lượng năng lượng đáng kể để chạy. Nhưng anh Johnson cho biết các tấm pin mặt trời trên mái nhà của anh tạo ra đủ năng lượng để vận hành máy mà không tốn thêm chi phí năng lượng.

“Hệ thống này sản xuất nước với giá thấp hơn rất nhiều so với mức bạn phải chi trả để mua nước đóng chai tại siêu thị Costco, và tôi tin rằng, theo thời gian, khi giá nước ngọt tăng lên, nó sẽ rất nhanh thu hồi vốn”, anh Johnson chia sẻ.

Nhà nghiên cứu thủy văn học Helen Dahlke ở Đại học California cho biết công nghệ này có ý nghĩa dân sinh cao, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, dù thừa nhận đó không phải là một giải pháp thiết thực cho những thảm họa về nước ở phạm vi rộng hơn. California sẽ cần các giải pháp tổng thể và quy mô để giải quyết triệt để tình trạng này.

Hoài Anh

Xem thêm: