Trong 30 năm, vợ bỏ đi, con gái qua đời, sở thú không có nổi một vị khách nhưng ông Luo Yingjiu nhất định không rời xa những con động vật yêu quý của mình.

Trong suốt ba thập kỷ qua, người đàn ông Trung Quốc tên Luo Yingjiu (81 tuổi) đã tự mình điều hành một vườn thú nhỏ gồm toàn những con vật bị bỏ rơi trên đường phố hoặc sắp bị giết thịt.

Vườn thú nằm trên Công viên Rừng núi Phượng Hoàng ở thành phố Ân Thi, trung tâm tỉnh Hồ Bắc. Nó được mệnh danh là “vườn thú cô độc nhất thế giới” vì có rất ít khách đến thăm. 

Ông Luo Yingjiu bắt đầu nuôi động vật tại nhà vào những năm 1980. Một lần đi chợ thấy những con vật hoang dã bị cụt chân bị nhốt trong lồng đang chuẩn bị được đem bán khiến ông vô cùng đau lòng. Ông đã mua chúng rồi mang về nhà để chữa trị. Ông thả những con có thể sống tự lập vào thế giới tự nhiên và chỉ giữ lại những con cần được chăm sóc. 

Khi số lượng động vật sống trong nhà ông trở nên quá tải, chính quyền địa phương đã hỗ trợ tài chính giúp ông mở một vườn thú nhỏ.

Công viên chính thức được mở cửa vào năm 1989 và cũng là công viên duy nhất trong thành phố vào thời điểm đó. Trong thời kỳ hoàng kim, công viên còn có một số loài động vật lớn như một con hổ bị cắt đuôi và một con sư tử với bộ lông quý hiếm.

Tuy nhiên, công việc kinh doanh nhanh chóng sa sút vì du khách không muốn nhìn ngắm những con vật già, yếu, tàn tật. Mỗi vé vào cửa chỉ 10 nhân dân tệ (~37 ngàn đồng) nhưng một vé ông Luo cũng không bán được.

Mọi người khuyên ông nên đóng cửa vườn thú nhưng ông không chịu. Ông dùng hết số tiền trợ cấp 3.000 nhân dân tệ (~11 triệu đồng) hàng tháng để chăm sóc cho những con vật. 

“Nơi này không chỉ là một sở thú mà còn là ngôi nhà cho các loài vật sinh sống. Nếu sở thú đóng cửa, những con vật đó có thể đi đâu? Chúng thậm chí còn không thể tồn tại trong môi trường hoang dã.” – ông Luo nói.

sở thú cô đơn
(Ảnh: KOBRYN TARAS/Shutterstock)

Trong lúc duy trì công viên, ông Luo vẫn tiếp tục thu nạp thêm những con vật mới. Tất nhiên ông ghi nhớ tên của tất cả những con vật đang sinh sống trong vườn thú.

Cách đây 17 năm, ông nghe tin một con gấu đen bị thương một chân sắp bị nhà hàng mổ thịt nên đã đến tận nơi để cứu nó. Ông nói gấu đen là loài động vật được bảo vệ ở Trung Quốc nên việc chủ nhà hàng đang làm là vi phạm pháp luật. Cuối cùng, ông đã mua lại nó với giá 3.000 nhân dân tệ. Tất nhiên sau đó ông cũng hết sạch tiền nên không thể mua đồ ăn cho chính mình.

“Gấu Guai Guai rất đau khổ vì bị mất một chân. Hãy thử nghĩ xem nếu một người bị mất một bàn tay, mọi người sẽ coi anh ta là người tàn tật.” – ông Luo nói. Chú gấu rất thích ăn bánh nên ông thường xuyên mua cho nó.

Một lần khác ông đã cứu chú chó tên Dianzi khỏi bị chủ nhân ăn thịt. Chó Dianzi ghi nhớ trải nghiệm cận kề cái chết nên không muốn gặp lại chủ cũ. Nhưng nó lại rất trung thành với ông Luo. 

“Nó đến kiểm tra tôi 2 đến 3 lần mỗi đêm để xem liệu tôi có qua đời trong lúc ngủ hay không.” – ông Luo nói.

Ông còn nuôi một con khỉ sống ở sở thú gần 30 năm gần như đã mù vì bị du khách rọi đèn flash quá mức. Nó không nhìn thấy gì nên ông cần đưa thức ăn vào tay nó rồi nhắc nó ăn. 

Khi một con vật qua đời, ông sẽ chôn chúng ở ngọn núi gần đó. “Động vật và con người sinh ra đều bình đẳng. Chúng ta nên tôn trọng quyền sinh tồn của động vật và tôn trọng sự tử tế của chúng đối với thế giới này.” – ông nói.

Vào tháng 1, cháu gái đã giúp ông Luo lập tài khoản trên một trang web chia sẻ video để chia sẻ hình ảnh của những con động vật trong sở thú này. Hiện ông đã có 126.000 người theo dõi.

“Tôi đã rơi nước mắt. Lão Luo thực sự là một nhà bảo vệ môi trường.” – một người bình luận.

“Tôi là người gốc Ân Thi nhưng hiện đang làm việc ở thành phố khác. Hồi nhỏ tôi từng đến thăm sở thú đó nhưng cứ nghĩ là họ đang lừa đảo vì động vật ở đó đều bị thương. Tôi không ngờ câu chuyện đằng sau nó lại cảm động đến vậy. Lần sau về quê, tôi nhất định sẽ đến thăm vườn thú một lần nữa. Tôi cầu chúc cho ông Luo luôn khỏe mạnh và hy vọng tình hình của ông sẽ được cải thiện.” – một người khác chia sẻ. 

Minh Minh (Theo SCMP)