Albert Einstein có chỉ số IQ ước tính là 160, Isaac Newton là 190. Họ đều là những thiên tài nổi tiếng đã góp phần thay đổi cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, thế giới này đã từng có một người có chỉ số IQ cao từ 250 đến 300 nhưng ít ai biết đến và người này đáng tiếc lại có một cuộc đời bi kịch.

William James Sidis được coi là người có IQ cao nhất thế giới, ông là một thần đồng toán học xuất chúng. Ông còn là bậc thầy ngôn ngữ và cũng là một tác giả tài năng. Nhưng thật đáng buồn, ông sống một cuộc đời ẩn dật và qua đời trong cô đơn.

thiên tài có cuộc đời bi kịch
(Ảnh: Wikipedia)

William sinh ra ở thành phố New York vào năm 1898. Cha của ông là một nhà tâm lý học có 4 tấm bằng ở ngôi trường Harvard danh tiếng. Mẹ ông là một bác sĩ đa khoa thành đạt. Cha mẹ vốn là những người tài năng nên ông cũng được kỳ vọng sẽ thừa hưởng sự thông minh từ họ. Thực tế, ông xuất sắc hơn rất nhiều so với tưởng tượng của mọi người.

Khi mới được 18 tháng tuổi, ông đã biết đọc Thời báo New York. Đến năm 8 tuổi, ông tự học tiếng Latin, Hy Lạp, Pháp, Nga, Đức, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia. Ngoài ra, ông còn phát minh ra ngôn ngữ của riêng mình và gọi đặt tên là “Vendergood”.

Biết con trai là một thần đồng, ông Boris, cha của William đã ghi danh cậu bé vào trường Harvard nhưng bị từ chối vì lúc đó William mới có 9 tuổi. Hai năm sau, tức năm 1909, trường Harvard chấp nhận William vào học. Vậy là ông trở thành sinh viên trẻ nhất của ngôi trường có danh tiếng hàng đầu thế giới. 

Đến năm 1910, kiến thức toán học của ông đã đạt tới đỉnh cao đến mức ông đã giảng bài cho các giáo sư ở trường. Mọi người đều gọi ông bằng cái tên “thần đồng nhí”. Ông lấy được bằng cử nhân nghệ thuật vào năm 16 tuổi. Tuy nhiên, sự nổi tiếng khiến William rất mệt mỏi. Sau khi tốt nghiệp, ông nói với phóng viên rằng mình muốn sống một cuộc đời ẩn dật. Ông cũng không muốn kết hôn vì ông nói rằng ông không cảm thấy phụ nữ hấp dẫn.

Bên cạnh sự nổi tiếng không mong muốn, quyết định ở ẩn của William còn phản ánh áp lực vô hình mà ông phải đối mặt khi còn nhỏ. Lúc đó, người Mỹ tin rằng sự giáo dục đúng đắn sẽ biến một đứa trẻ bình thường trở thành thiên tài. Là một nhà tâm lý học tài năng, ông Boris đã giáo dục con trai bằng phương pháp tâm lý của riêng ông với mong muốn làm cho con trai mình tỏa sáng như một ngôi sao.

Khi còn nhỏ William rất thích học, nhưng càng lớn niềm nhiệt huyết của ông càng giảm dần. William đổ lỗi cho cha mình vì điều đó. William là người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, đây có lẽ là quyết định sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông khiến vận mệnh của ông trở nên bi kịch. Ông cũng là người phản đối Thế chiến I. Năm 1919, ông bị kết án tù 18 tháng vì cuộc biểu tình trở thành bạo lực ở Boston. Cha mẹ ông đã tìm được cách đưa ông ra tù và giữ con trai ở nhà điều dưỡng của họ trong 2 năm. Năm 1923, ông Boris qua đời nhưng William không tham dự đám tang của cha mình.

Không giống như các thiên tài muốn thay đổi thế giới, William kiếm sống bằng công việc văn thư với mức lương thấp. Khi đồng nghiệp xung quanh nhận ra khả năng thiên tài của mình, ông sẽ chuyển sang công ty khác. Năm 1924, các phóng viên phát hiện ra công việc William đang làm chỉ kiếm được 23 USD một tuần và chế giễu ông vì điều đó. Họ cười nhạo rằng thiên tài khi xưa giờ chỉ là một kẻ tầm thường. Thực tế, William đã viết nhiều cuốn sách giá trị bằng nhiều bút danh khác nhau trong suốt cuộc đời mình.

Cả đời William phải đối mặt với sự cô đơn và đau khổ. Ông bị cách ly khỏi gia đình, phải làm những công việc nhỏ nhặt để kiếm sống. Người đàn ông thiên tài này đã qua đời ở tuổi 46 vì bị xuất huyết não vào năm 1944. Thật trùng hợp là cha của ông cũng qua đời trong tình trạng tương tự.

Minh Minh

Xem thêm: