Cô Krati Garg có thể ngửi thấy những mùi hương nhẹ nhất mà người bình thường không thể nhận ra. Đôi khi chỉ cần ngửi mùi hương “ẩm ướt”, cô sẽ nhớ lại những sự kiện đau thương trong quá khứ. Cô cho biết khả năng này của cô vừa là sức mạnh vừa là nỗi đau.

Một vài năm trước, tiến sĩ Krati Garg kiêm bác sĩ phẫu thuật răng miệng ở Melbourne (Úc) đang chuẩn bị phẫu thuật cho bệnh nhân thì đột nhiên cô ngửi thấy mùi sevoflurane. Sevoflurane là khí gây mê dùng cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Chúng ta có thể cảm nhận mùi đắng của nó nếu ‘nuốt’ vào cổ với số lượng lớn, nhưng bình thường thì không thể. 

Mọi người trong phòng đều đang đeo khẩu trang nên không ai ngửi thấy mùi gì. Nhưng bác sĩ gây mê, người đã làm việc với cô Garg trước đây và biết về chiếc mũi nhạy cảm của cô, đã cẩn thận kiểm tra lại ống vặn và phát hiện ra một vết rò nhỏ cần được niêm phong lại.

Tiến sĩ Garg lớn lên ở Ấn Độ. Cô sở hữu khứu giác “siêu nhạy” giống như bà mình. Mẹ của cô đã rất kinh ngạc khi thấy con gái có thể mô tả lại chính xác các loại thực phẩm và gia vị được sử dụng trong món cà ri. Thậm chí cô còn nhận ra mùi đất trước khi trời sắp mưa.

Thực ra, khả năng đặc biệt này mang đến rất nhiều bất tiện cho cuộc sống của cô Garg. Chỉ cần ngửi thấy một chút siro hương hoa hồng (thường được sử dụng trong sữa lắc ở Ấn Độ) cũng đủ làm cô bị giật mình. Hay cô không thể chịu được mùi cơ thể của thầy gia sư vật lý. “Tôi hoàn toàn không thể tập trung. Tôi cố tĩnh tâm và hít thở đều. Sau một vài tháng, tôi nói với mẹ ‘Nhìn này, con còn không thể ngồi đàng hoàng được’. Và chúng tôi phải để thầy ấy nghỉ” – cô kể. 

Mùi hương cũng làm cô Garg nhớ lại nhiều sự kiện trong quá khứ. Không giống các giác quan khác, vùng não xử lý mùi trực tiếp nhận thông tin từ phần não liên quan đến trí nhớ, vùng hải mã. Chính vì thế mà khi tiếp xúc với một mùi “ẩm ướt”, cô Garg sẽ nhớ lại trải nghiệm căng thẳng khi nhà cô bị ngập khi còn nhỏ. Còn khi ngửi thấy mùi xăng yêu thích, ký ức tươi đẹp về tuổi thơ ở Ấn Độ sẽ ồ ạt ngập tràn trong tâm trí cô. 

Mặc dù đã sống với “siêu năng lực” từ nhỏ, cô Garg chỉ mới quan tâm đến nó trong 1-2 năm trở lại đây. Cô đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Melbourne nên phải thường xuyên xét nghiệm Covid-19. Mất khứu giác là một trong các triệu chứng của nhiễm Covid nên cô liên tục kiểm tra khứu giác để tự đánh giá sức khỏe. Cuối cùng, cô kết luận mình là một người có siêu khứu giác, về mặt y học gọi là ‘chứng cường khứu’.

Tiến sĩ Leah Beauchamp, một nhà khoa học thần kinh tại Viện Khoa học Thần kinh và Sức khỏe Tâm thần Florey ở Melbourne cho biết “khả năng khứu giác” (khả năng ngửi) của mỗi cá nhân sẽ bị thay đổi theo thời gian, di truyền, tuổi tác, giới tính (phụ nữ có khứu giác mạnh hơn) và cả tâm trạng. Quá trình ngửi bắt đầu khi có một phân tử mùi đi vào mũi rồi chạm vào một mảng mô (về cơ bản thì chính là nơi bạn lấy dịch để xét nghiệm Covid), sau đó các xung điện sẽ được truyền đến các vùng khác nhau trong não để được diễn giải.

Theo tiến sĩ Beauchamp, có giả thuyết cho rằng các yếu tố sinh học là nguyên nhân dẫn tới chứng cường khứu. Sự thay đổi về hormone và chất điện giải sẽ tạo ra những khác biệt y tế trong cơ thể chúng ta. Ví dụ như có một phụ nữ Scotland bỗng dưng ngửi thấy “mùi mốc” trên người chồng mình. Một thời gian sau ông được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson. Khi tham gia một nhóm hỗ trợ những người mắc bệnh Parkinson, người phụ nữ mới nhận ra mùi hương tương đồng giữa họ. Trường hợp siêu khứu giác này đang được nghiên cứu ở Anh.

Tiến sĩ Beauchamp cho rằng nếu chứng cường khứu không làm xáo trộn chức năng (ngửi) hàng ngày thì cô Garg không cần phải điều trị. Tuy nhiên, cô nên tránh xa những người xức nước hoa cực nồng trong một bữa tiệc hoặc không đến nơi tụ tập nhiều mùi mồ hôi nếu không muốn “hành hạ” cái mũi của mình.

Minh Minh (Theo The Guardian)

Xem thêm: