Nếu bạn đang tìm kiếm lời khuyên về tài chính hay tiết kiệm tiền, bạn sẽ phát hiện có rất nhiều lời khuyên ở mọi nơi. Và thậm chí còn có rất nhiều trang blog chuyên nghiệp được tạo ra dành riêng cho đề tài này.

(ảnh: Shutterstock)
(ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy các lời khuyên không có mấy tác dụng. Bạn hoàn toàn nắm vững các quy tắc về quản lý tiền bạc, thậm chí bạn đã biết rất rõ ràng bạn cần phải làm những gì rồi, thế nhưng thực tiễn lại là một bức tranh khác hẳn.

Bạn vẫn tiếp tục bơi trong vòng vây các khoản nợ thẻ visa đến hạn, các trang web mua sắm online chiêu mời giá hấp dẫn, cơn sốt công nghệ cùng với các xu hướng thời trang mới liên tục không ngừng nghỉ… dần dần bạn trở nên mất phương hướng và tìm đến các nhà tư vấn tài chính, chúng lặp lại một cách tuần tự.

Khi đọc một bài viết về tiền, không có điều gì mới mà bạn chưa từng biết:

  • Bạn biết bạn cần phải thoát khỏi nợ nần.
  • Bạn biết bạn cần phải tiết kiệm (và tiết kiệm một cách tự động)
  • Bạn biết bạn cần phải đầu tư (và tạo ra thu nhập thụ động)
  • Bạn biết bạn cần phải tìm cách để kiếm được nhiều hơn.
  • Bạn biết bạn cần phải chi tiêu dưới mức thu nhập trung bình của bạn.
  • Bạn biết bạn cần phải thiết lập các mục tiêu về tiền bạc.
  • Bạn biết bạn cần phải giao du với người tích cực.
  • Bạn biết bạn cần phải thay đổi quan niệm về tiền của bản thân.
  • Bạn biết bạn cần phải tiếp tục trau dồi kỹ năng quản lý tiền bạc.

Theo trang web tài chính cá nhân Young Yet Wise, tư vấn tài chính có thể mang đến sự thuận tiện cho mọi người, nhưng các nguyên tắc quan trọng nhất thì chưa bao giờ thay đổi.

Có lẽ bạn từng nghe qua hằng trăm cách nói khác nhau của câu: “hãy chi tiêu ít hơn những gì bạn kiếm được”, nhưng cũng không thể thay đổi được thực tế rằng bạn biết chỉ để biết vậy thôi, bởi nhiều người chưa bao giờ áp dụng nó vào thực tiễn.

Nếu bạn chưa bao giờ được dạy về cách mà tiền bạc sinh sôi, bạn nên học một vài điều cơ bản, nhưng xét cho cùng thì ví tiền của bạn được quyết định bởi hành động của chính bạn.

Bạn không cần thêm bất cứ lời khuyên tài chính nào nữa

Câu hỏi đặt ra là tại sao bạn đều đã biết, đã nghe về tất cả những điều đó nhưng vẫn không có gì thay đổi? Đó là bởi bạn chưa hành động, chưa thực hiện được một cách thiết thực.

Bạn tự thuyết phục chính mình rằng sẽ không có điều gì tệ lắm khi phải đang chi trả cho một khoản nợ nhỏ; sẽ không tệ lắm nếu có một khoản tiết kiệm nhỏ hơn 20 triệu, đằng nào thì “có còn hơn không” mà; bạn cũng sẽ không mấy bận tâm lắm khi không biết đầu tư tiền và có một mục tiêu tài chính rõ ràng, dù sao thì ai cũng vậy mà… và đi đến sự tự hài lòng giả định rằng mình không cần quá nhiều tiền trong tương lai, “để mai tính”, “cứ sống tốt và thoải mái cho hiện tại đã nào.”

Tương lai được tạo nên bởi chính những hành động hiện tại, nếu bạn không có một chiến lược tài chính khôn ngoan và tiêu xài vô độ, làm sao bạn có thể hy vọng vào một đời sống ổn định về tài chính mà không vướng phải bất cứ khó khăn nào?

(ảnh: maxpixel)
(ảnh: maxpixel)

Câu hỏi quan trọng mà mọi người ít khi hỏi: Bạn dám hy sinh những gì?

Chúng ta thường mong muốn một viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai nhưng lại không dùng những hành động và xây dựng thói quen để đạt được điều đó. Tính lười làm cho chúng ta mặc dù biết cần phải làm gì nhưng lại e sợ chướng ngại của việc thực thi: bạn muốn một viễn cảnh tài chính thịnh vượng nhưng lại không dám từ bỏ sở thích mua sắm vô độ, các buổi tiệc tùng không ngừng nghỉ… trong khi lại ao ước một viễn cảnh tài chính tốt hơn.

Có lẽ bạn không chắc chắn về một trong số những chiến thuật tài chính cá nhân, nhưng bạn biết rằng nếu suy xét kỹ càng bạn sẽ tìm thấy những nguồn lực hiện đang có sẵn cho bạn để bắt đầu. Và rồi bạn sẽ bất chợt reo lên khi biết rằng mình đã nhìn rõ được căn nguyên: vốn không phải ta quá túng thiếu, mà chỉ là chi tiêu quá phóng túng.

Và chỉ cần một hành động nhỏ, dám từ bỏ những ảo giác thỏa mãn do mua sắm mang lại và thực hành liên tục theo một chiến thuật tài chính rõ ràng thì đã có thể tạo ra được sự khác biệt lớn lao.

>> Khi lãng phí trở thành nét “văn hóa” còn tiết kiệm là “hiện tượng sắp tuyệt chủng”

Chỉ cần một thay đổi!

Nếu bạn không chú ý đến những gì bạn đang làm với tiền bạc của mình, bạn có nhiều khả năng làm cho tình hình rối tung lên. Không ai khác ngoài chính bạn là người quyết định và tạo ra sự thay đổi.

Sẽ luôn có những người mới gặp vấn đề về tài chính và các nhà tư vấn luôn sẵn sàng đưa ra các lời khuyên. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng rơi vào vòng lặp tuần tự của sự bế tắc tài chính một vài lần, bạn sẽ nhận ra rằng không có bất kỳ phép màu nào có thể làm cho cuộc sống tài chính của bạn ổn định một cách nhanh chóng. Những lời khuyên làm giàu nhanh chóng, trở thành triệu phú sau một đêm không hơn gì những thứ bỏ đi. Khi bạn tỉnh lại vào ngày hôm sau, thực tại sẽ là một bức tranh cũ kỹ do phóng túng của bản thân ngày hôm qua.

Thực ra bạn đã biết cần phải làm gì rồi. Chỉ cần nhận ra và làm điều đó, biến nó thành hành động và theo đuổi liên tục chiến lược đến cùng cho đến khi đạt được mục đích.

Tiết kiệm sẽ không làm bạn nghèo đi, cũng không làm bạn trở nên như đứa trẻ ôm khư khư chiếc bánh, mà tiết kiệm giúp bạn chủ động, sống nhẹ nhàng, thanh bình và tĩnh lặng như cổ nhân từng nói: “Đạm bạc minh chí” (đạm bạc thì chí sáng suốt).

Theo Lifehacker
Chân Hồ tổng hợp

Xem thêm: