Cách 25km ngoài khơi bờ biển Balochistan, thuộc Biển Ả Rập, là một hòn đảo rộng lớn không có người ở, dài khoảng 7 km và rộng 2,5 km với những vách đá trắng tuyệt đẹp được bao quanh bởi làn nước biển ấm áp màu ngọc lam. Một bãi biển hẹp màu trắng chạy quanh ngoại vi của đảo. Các vách đá co lại tạo ra những rãnh khía ngoằn ngoèo tách biệt. Khung cảnh gần giống như ở Địa Trung Hải. 

Đảo Astola
(Ảnh: Wikipedia)

Đó chính là đảo Astola, còn được gọi là Jezira Haft Talar (Đảo Bảy ngọn đồi), từ lâu đã là bí ẩn của Pakistan. Hòn đảo phần lớn hoang sơ này hội tụ tất cả các điểm nổi bật cho một nơi nghỉ dưỡng du lịch. Tuy nhiên, nhờ vị trí địa lý xa xôi mà vẻ đẹp nguyên sơ của hòn đảo vẫn còn giữ nguyên cho đến ngày nay. 

Để đến được Astola, người ta phải đi một quãng đường tương đương 7 giờ lái xe từ Karachi đến Pasni, một cảng biển ở Biển Ả Rập cách đảo Astola khoảng 40km và từ đây đến đảo Astola còn cách 3 giờ đi thuyền nữa. Trên đảo không có một cơ sở vật chất nào, dù là một ngọn hải đăng cũ hay là một nhà thờ Hồi giáo nhỏ. Những người đến thăm đảo thường cắm trại ở bãi biển và lặn với ống thở hoặc lặn sâu.

Đảo Astola
(Ảnh: Wikipedia)

Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến tháng 5, Astola trở thành căn cứ  tạm thời cho ngư dân đánh bắt tôm hùm, cua và hàu. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để ghé thăm hòn đảo. Cả ngày tràn ngập trong một làn gió nhẹ và màu nước biển cũng như kiểu dáng của bãi biển liên tục thay đổi theo thủy triều. Nước biển ở đây trong đến mức người ta có thể nhìn thấy đáy biển với độ sâu khoảng 20 feet. Từ tháng 6 đến tháng 8, Astola trong mùa gió mùa, người ta không thể tiếp cận hòn đảo được do biển động quá mạnh.

Dao Astola 5
(Ảnh: Wikipedia)

Đảo Astola hầu hết cằn cỗi. Vì không có nước ngọt nên cũng gần như không có cây cối ở đây, ngoại trừ một vài bụi cây và bụi rậm lác đác. Tuy nhiên vùng biển xung quanh đảo lại trù phú với rất nhiều loại sinh vật biển như san hô, cá heo, cá voi cùng nhiều loài cá khác nhau. Những bãi biển đầy cát là nơi làm tổ của các loài chim như chim cuốc, mòng biển, các loài chim ăn thịt cũng như loài rùa biển xanh có nguy cơ tuyệt chủng. Rắn vảy cưa (Echis carinatus astolae) là loài đặc hữu của đảo.

Dao Astola 4
(Ảnh: Wikipedia)

Thật không may, các hoạt động đánh bắt và khai thác cá, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp đã gây ra nhiều thiệt hại cho hệ sinh thái của hòn đảo. Các ngư dân xả rác và lưới bị hỏng trên bờ biển làm san hô bị vướng vào và phá hủy chúng. Mòng biển đen (Larus Hemprichii) vốn là một loạt có số lượng sinh sản lớn trên đảo nay đã bị tuyệt diệt vì sự xuất hiện của chuột. Những con mèo bị bỏ lại trên đảo đã đào tổ rùa, ăn trứng và rùa non. 

Năm 2017, Astola được tuyên bố là Khu bảo tồn biển đầu tiên của Pakistan. Tuy vậy, Pakistan vẫn chưa vạch ra kế hoạch giải quyết vấn đề ô nhiễm hòn đảo. 

Muhammad Moazzam Khan, đại diện của Quỹ Thiên nhiên Thế giới Pakistan nói với tờ Dawn: “Tuyên bố này nghe thì có vẻ tích cực nhưng thực chất lại thiếu một kế hoạch quản lý sau hơn 2 năm rưỡi được công bố. Điều này đã đặt ra một câu hỏi về việc bảo vệ hòn đảo và sự đa dạng sinh học liên quan mà đang vấp phải vô số vấn đề cần được giải quyết.”

Dao Astola 7
(Ảnh: Wikipedia)

Ashiq Ahmed Khan, một nhà bảo tồn cấp cao và chuyên gia quản lý các khu bảo tồn cho rằng việc xây dựng kế hoạch quản lý cho đảo Astola sẽ tốn nhiều thời gian: “Chúng ta cần xem xét các khía cạnh kinh tế – xã hội của ngư dân địa phương và các vấn đề liên quan đến nhu cầu sinh kế của người dân”. Ông cũng nói thêm, “những phương án tốt cần được thúc đẩy và những phương án không mấy khả thi không nên được khuyến khích áp dụng triển khai vào đảo Astola”. 

Đảo Astola
(Ảnh: Wikipedia)

Tiến sĩ Babar Khan, Giám đốc về động vật hoang dã tại WWF-P lại tin rằng có thể bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Astola song hành với phát triển du lịch sinh thái trên hòn đảo xinh đẹp này.

Dao Astola 6
(Ảnh: Wikipedia)

Theo Amusing Planet
Hoa Minh

Xem thêm: