Một nhà giáo dục nổi tiếng từng nói: “Giáo dục là đào tạo thói quen”. Giai đoạn đầu đời khi trẻ bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh chính là lúc quan trọng để hình thành các thói quen và hành vi. Việc tu dưỡng, rèn luyện những thói quen tốt là điều vô cùng quan trọng. Nếu đặt nền tảng tốt từ nhỏ thì khi lớn lên trẻ sẽ rất ưu tú.

dưỡng thành thói quen từ nhỏ
(Ảnh minh họa: Eggeegg, Shutterstock)

1. Tự lập 

Ngay từ khi còn rất nhỏ hãy cố gắng hình thành thói quen tự lập làm mọi việc của trẻ. Bạn có thể bắt đầu giao cho trẻ những nhiệm vụ nhỏ trong cuộc sống như: tự đi tất, tự chọn quần áo đi học và tự kiểm tra bài tập về nhà. Khi gặp vấn đề nên để trẻ tự bộc lộ suy nghĩ và đưa ra phán đoán của bản thân, điều này giúp trẻ có khả năng tư duy độc lập ngay từ nhỏ.

Chúng ta hãy thử ngẫm một chút về bài học dạy con của loài hươu cao cổ. Khi sinh con, hươu mẹ sẽ đứng và hươu con sẽ chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất. Hưu con nằm ngay tại chỗ, sau vài phút hươu mẹ đá vào người chúng cho đến khi chúng chịu đứng dậy. Khi chú hươu con mỏi chân và lại nằm xuống, hươu mẹ lại thúc chúng đứng lên. Cho đến khi chúng thực sự đứng được, hươu mẹ sẽ lại đẩy chúng ngã xuống để chúng nỗ lực tự mình đứng dậy trên đôi chân còn non nớt.

Bạn biết đấy tuy bây giờ con chỉ là một đứa trẻ nhưng tương lai lớn lên con cũng sẽ phải tự mình bước đi. Vì vậy, hãy để con có khả năng tư duy độc lập ngay từ khi còn rất nhỏ, có ý thức tự làm những việc của mình, một ngày nào đó khi bạn buông tay con ra, bạn sẽ không còn quá lo lắng và bản thân đứa trẻ cũng không sợ hãi.

2. Làm việc nhà và trau dồi tinh thần trách nhiệm

Rèn luyện cho trẻ tinh thần trách nhiệm là điều vô cùng quan trọng. Có một câu chuyện như thế này: Khi còn nhỏ Việt Anh luôn được mẹ giao cho những công việc nhà, mẹ cậu bé nói: “Mẹ chịu trách nhiệm nấu ăn, bố rửa bát còn Việt Anh chịu trách nhiệm đổ rác.” Vì vậy, Việt Anh luôn quen với việc thấy thùng rác đầy là sẽ đi đổ. Đặc biệt mỗi khi gia đình muốn ngồi thảo luận và bàn bạc về việc mua một món đồ lớn nào đó trong nhà như mua tivi, ô tô thì đều để cậu bé cùng tham gia vào cuộc họp.

Việt Anh lớn lên trong môi trường như vậy nên cậu bé luôn có tinh thần trách nhiệm với gia đình và cảm thấy mình là một thành viên của gia đình.

Rất nhiều bậc cha mẹ thường nghĩ con mình là đứa trẻ chưa hiểu chuyện, và họ tự quyết định mọi việc cho con và một mực yêu thương bảo bọc. Trên thực tế, điều này khiến trẻ mất cơ hội được rèn luyện.

3. Dưỡng thành thói quen đọc sách

dạy con theo phong cách Pháp
Đọc sách mang lại những thu hoạch rất lớn, có thể giúp trẻ tích lũy vốn từ vựng, nâng cao khả năng cảm thụ ngôn ngữ, tăng khả năng viết và biểu đạt, mở rộng kiến ​​thức, cải thiện khả năng diễn đạt bằng miệng. (Ảnh: George Rudy/Shutterstock)

Đọc sách mang lại những thu hoạch rất lớn, có thể giúp trẻ tích lũy vốn từ vựng, nâng cao khả năng cảm thụ ngôn ngữ, tăng khả năng viết và biểu đạt, mở rộng kiến ​​thức, cải thiện khả năng diễn đạt bằng miệng.

Trước khi trẻ đến 12 tuổi là thời kỳ tốt nhất để phát triển khả năng này, đặc biệt là ở giai đoạn của cấp tiểu học, không gì quan trọng hơn là phát triển khả năng đọc nhiều.

Một số cha mẹ có thể nói: Con của tôi không thích đọc sách. Thực ra điều này là do trẻ chưa được hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình cũng không có không khí đọc sách.

Cha mẹ nên làm gương và nêu gương tốt cho con cái, tạo niềm yêu thích đọc sách cho con. Bạn có thể đọc sách cùng con. Bạn không cần giới hạn con mình phải đọc sách kinh điển hay bất kì cuốn sách đặc biệt nào. Quan trọng là tạo sở thích để con phát triển thói quen đọc sách và đọc trong tâm thế hứng thú, tự nguyện.

4. Học cách lựa chọn

Mỗi lần cha đưa con đi siêu thị, cha sẽ thỏa thuận với con rằng: “Lần này chúng ta đi siêu thị, con chỉ được chọn một thứ là khoai tây chiên hoặc đồ chơi. Nếu con chọn khoai tây chiên, con sẽ có một món ăn ngon. Nếu con chọn đồ chơi cũng không tệ, vì đồ chơi có thể chơi được lâu dài.”

Đứa trẻ lần đầu tiên đã chọn khoai tây chiên, và bố để đứa bé chọn thật nhanh giữa nhiều nhãn hiệu và nhiều hương vị. Tuần sau, khi đứa trẻ lại cùng bố đi siêu thị, đứa trẻ đã chọn đồ chơi.

Trong cuộc sống, chúng ta không phải lúc nào cũng có nhiều thứ để lựa chọn cùng một lúc, quá trình lớn lên của một người chính là đối mặt với việc phải lựa chọn. Hãy rèn luyện khả năng tự lựa chọn của trẻ, đây cũng là đang rèn luyện thói quen suy nghĩ độc lập cho trẻ. Sau này khi phải quyết định cho một sự việc trọng đại con sẽ có một mục tiêu rõ ràng. Đặc biệt những người có mục tiêu riêng càng sớm thì cơ hội thành công sẽ càng lớn.

5. Có lối sống nề nếp quy củ

Giúp trẻ hình thành các nếp sống sinh hoạt đều đặn, chẳng hạn như dậy lúc mấy giờ, ăn sáng lúc mấy giờ, làm bài tập, đọc sách và đi ngủ mấy giờ. Những điều này tưởng chừng như bình thường nhưng có thể làm được là một chuyện không hề dễ dàng, ngược lại nếu làm được thì lợi ích nó mang đến là vô cùng to lớn.

Khi trẻ lớn lên trong một gia đình có nề nếp và quy củ, làm bất cứ việc gì cũng sẽ tự lập kế hoạch cho mọi việc, và chúng sẽ có sức chịu đựng dẻo dai hơn. Để trẻ có thể kiên trì lập kế hoạch và cố gắng hoàn thành thì cha mẹ phải hết sức khẳng định và động viên con. Đây sẽ là một lợi thế hiếm có, khi lớn lên, trẻ có kế hoạch và kiên trì sẽ dễ thành công hơn.

Nếu đứa trẻ có thể làm quen với đồng hồ sinh học như vậy, điều đó không chỉ tốt cho sự phát triển thể chất mà tương lai khi lớn lên trẻ sẽ trở thành một người làm việc có kế hoạch và có thể sắp xếp tổng thể mọi việc một cách ổn thỏa.

6. Học cách lắng nghe và biết giúp đỡ người khác

dạy con thành doanh nhân
Sự đồng cảm ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội, tình bạn và mối quan hệ với những người khác ở tuổi trưởng thành. (Ảnh: Shutterstock)

Mỗi đứa trẻ đều có những ý tưởng và hiểu biết của riêng mình về thế giới, cũng có lúc sẽ nóng lòng muốn chia sẻ ra cùng người khác.

Lắng nghe là sự tôn trọng lớn nhất đối với một đứa trẻ. Cha mẹ hãy lắng nghe con nói chuyện, và đồng thời hãy dạy con phải biết kiên nhẫn lắng nghe người khác. Bạn nên nói với con rằng những ý kiến ​​của người khác nghe sẽ rất thú vị, hãy để trẻ học cách tôn trọng ý kiến ​​và biết cách giúp đỡ mọi người.

Khi con lớn lên, biết lắng nghe người khác, vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Điều này giúp con khi bước ra ngoài xã hội sẽ có nhiều mối quan hệ tốt và sẽ được nhiều người yêu mến giúp đỡ.