Người ta nói “Con cái là món quà quý giá nhất mà ông trời dành cho cha mẹ”, bởi vì quý giá nên có nhiều bậc cha mẹ chăm bẵm con quá mức, quá bảo bọc con trẻ. Ở nhà không dám để con chịu khổ, ra ngoài không dám nhìn con chịu thiệt, cứ như vậy lâu dần đứa trẻ sẽ trở nên sợ sệt và yếu đuối.

Trên thực tế, sức mạnh tiềm ẩn của trẻ rất kỳ diệu, nguồn năng lượng này sẽ dần dần thay đổi từ lúc nào mà bạn không hay, trẻ không yếu mềm như bạn nghĩ.

Thật ra, bạn càng dám thu lại đôi cánh bảo bọc của mình với con, dám làm 4 điều sau, con cái của bạn sẽ trưởng thành càng nhanh.

dạy con sơ cứu
(Ảnh: LightField Studios/Shutterstock)

Dám để con chịu thiệt

Người xưa thường nói: Chịu thiệt là phúc”. Chịu thiệt ở đây hoàn toàn khác với yếu đuối, hèn nhát. Việc để con chịu thiệt này thật ra là sự bao dung, chấp nhận lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác, học cách từ bỏ những lợi ích nhỏ nhoi trước mắt để đổi lấy kết quả tốt đẹp sau này, cũng như không có nghĩa là chịu để người khác bắt nạt.

Con trai của chị họ tôi năm nay 9 tuổi, nhưng ở trường cháu lại chẳng có lấy một người bạn, trẻ con hàng xóm cũng không thích chơi cùng thằng bé. Điều này khiến chị họ rất đau đầu nên đã cầu cứu tôi. Để biết rõ nguyên nhân, tôi quyết định đi cùng chị họ và cháu đến khu vui chơi thiếu nhi một ngày.

Khi đang chơi, có một bạn nhỏ bất cẩn dẫm phải chân cháu tôi, thằng bé lập tức nổi nóng. Dù cho cô bé kia có xin lỗi, nhưng thằng bé vẫn tỏ ra không chịu thiệt, quyết không chấp nhận lời xin lỗi. Sau khi tôi khuyên giải nhiều lần, thằng bé mới tha thứ cho bạn.

Từ việc này tôi đã hiểu, thì ra ở trường thằng bé cũng “keo kiệt khó chịu” như vậy. Người khác nhờ nó giúp lấy đồ, nó lại sợ mệt nên không chịu lấy, hay khi có người hỏi mượn cục tẩy, nó cũng không cho mượn vì sợ người ta không trả.

Chính vì thái độ “không muốn chịu thiệt” này mới khiến cho cháu không có bạn.

Thật ra, cuộc đời rất dài, dạy con chịu thiệt một chút cũng sẽ mang đến nhiều thứ tốt đẹp khác cho trẻ.

Dám để con tự làm

Tính độc lập của trẻ phải bắt đầu xây dựng từ khi còn nhỏ. Nếu ngay cả những kỹ năng sống cơ bản như giặt quần áo, nấu cơm mà bạn cũng phải làm thay con, vậy thì đến khi nào trẻ mới học được cách tự lập đây?

Bạn phải hiểu rằng càng ôm đồm mọi thứ, không nỡ để con làm thì trẻ sẽ càng chẳng biết gì cả.

Những trẻ thiếu tính độc lập không chỉ không thể rời xa được vòng tay của cha mẹ, mà quan hệ xã hội cũng sẽ dễ trở nên khó khăn. Hãy thử nghĩ mà xem, khi con bạn ở ký túc xá mà quần áo cũng không biết giặt, cứ chất đống ở đó đợi cha mẹ đến mang đi giặt, vậy thì không chỉ ảnh hưởng đến nơi ở, mà còn sẽ khiến bạn cùng phòng bất mãn vì mùi khó chịu. Lâu dần, con của bạn làm sao xử lý được mối quan hệ với bạn cùng phòng đây?

Thật ra thì dù chỉ là một vài chuyện nhỏ nhặt như để con tự mình đánh răng, tự ăn cơm, tự thay quần áo, tự lấy đồ, nhờ con làm việc nhà… cũng là cho trẻ cơ hội được luyện tập rất tốt.

Trong quá trình con trẻ dần dần trở nên độc lập, chỉ cần trẻ chịu làm thì cha mẹ cũng có thể khen thưởng và cổ vũ trẻ để xây dựng lòng tự tin của con.

dạy trẻ, cha mẹ
(Ảnh: Shutterstock)

Dám bầu bạn cùng con

Có rất nhiều bậc phụ huynh than phiền rằng mỗi ngày họ đều bận rộn, nào có thời gian để bầu bạn cùng con? Thật ra thì, tôi muốn nói rằng đây chỉ là lời bào chữa cho việc không muốn bầu bạn cùng con mà thôi. Thời gian thì có thể trích ra được, chỉ cần bạn muốn dành thời gian cho con, trẻ nhất định cũng sẽ chịu trò chuyện cùng bạn.

ôm con, giáo dục con nhỏ, cha mẹ
(Ảnh: Shutterstock)

Tôi từng thấy rất nhiều bậc phụ huynh ban ngày thì cặm cụi làm việc, về nhà lại chăm chú chơi điện thoại. Con la hét ở bên cạnh gọi cha chơi cùng. Bạn lại nói: “Qua ngay, đợi cha chơi hết vòng này đã”. Hoặc là con chạy vào phòng gọi mẹ cùng xem phim hoạt hình. Nhưng bạn nói: “Ngoan nào, con tự mình xem đi, mẹ còn chưa giặt đồ”.

Thế nhưng việc của bạn có thật sự quan trọng đến vậy không? Khi trẻ hết lần này đến lần khác xin bạn nhưng không được đáp lại, lâu dần con sẽ không muốn nói với bạn chuyện của mình nữa. Nên biết rằng bạn không muốn dành thời gian cho con, đến khi trẻ lớn lên, tự nhiên cũng không muốn ở bên bạn.

Có rất nhiều đứa trẻ lớn lên trong gia đình khá giả, suốt ngày tiêu tiền của cha mẹ một cách hoang phí, ra vào hộp đêm, chơi với những người bạn không đứng đắn, chúng lại mạnh miệng nói rằng mình là “đứa trẻ không có gia đình”.

Đến khi cha mẹ ý thức được con ngày càng xa cách mình thì lại nhận ra rằng, thì ra bạn luôn khổ sở đuổi theo suy nghĩ cho con cuộc sống vật chất tốt nhất mà các con lại không hiểu, ngược lại còn khiến con oán hận mình hơn.

Thật ra, bầu bạn không phải là cha mẹ phải ở bên cạnh con 24/24, mà là khi con cần, bạn có thể bầu bạn với con, cho con sự quan tâm và ủng hộ.

Sự giáo dục tốt nhất dành cho con là bầu bạn, chịu dành thời gian để ở bên con, điều này có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ.

dạy con tự tin
(Ảnh: Shutterstock)

Dám ‘kiểm soát’ con

Sinh ra mà không chăm sóc, nuôi dưỡng mà không dạy dỗ, đây là sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ. Có những bậc phụ huynh sinh con ra mỗi ngày chỉ chăm cho ăn uống, không hề quan tâm đến trách nhiệm với việc giáo dục con trẻ, không kiểm soát con, để con đến mức hình thành tính cách “vô tình” khi trưởng thành, thậm chí còn làm ra những việc phạm pháp.

Kiểm soát con không phải là phê bình đánh mắng khi gặp chuyện, còn ngày thường thì không quan tâm gì cả, mà là phải giáo dục đến nơi đến chốn trong mọi việc một cách phù hợp thì mới được.

Khi con kêu gào đòi mua vé xem đêm diễn của thần tượng, đừng vội bỏ tiền ra để giúp con thực hiện ước mơ, mà hãy kiểm soát tính cách bốc đồng của con, cho trẻ biết nếu muốn xem thì trước tiên phải học cách kiếm tiền đã.

Nếu trẻ lén trộm đồ, không được làm ngơ, cũng đừng phê bình trẻ dồn dập, càng không nên đánh. Mà hãy ngồi xuống lắng nghe ý kiến của trẻ, tìm ra nguyên nhân phạm lỗi của con, kiểm soát tâm lý “trộm đồ” của con, cảnh báo con không được phạm lỗi như vậy nữa.

Tính cách của trẻ con rất mềm dẻo, càng dám dạy dỗ con, tỷ lệ thành tài của con sẽ càng cao. 

Trong việc dạy dỗ con, cha mẹ có thể sẽ cảm thấy chúng ta có gì mà “không dám”, chỉ cần là tốt với con, dù là ăn xin trên đường, dù có phải tốn kém, chúng ta đều sẽ cố gắng hết sức để chiều con. Thế nhưng, việc “dám” này thật sự không phải là vấn đề tiền bạc. Cái gọi là “dám” ở đây không chỉ là việc cha mẹ dám tiêu tiền cho con, mà quan trọng hơn hết đó là cha mẹ dám cho con sự đủ đầy về tinh thần.

Bạn càng “dám” thì con sẽ càng ưu tú!

Thanh Tâm

Xem thêm: